MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cá tra tăng mạnh

23-09-2013 - 07:48 AM |

Lượng cá nguyên liệu trong dân không còn nhiều khiến giá cá tăng mạnh trong những ngày đầu tháng 9. Mặc dù vậy, bà con nông dân vẫn đang lo ngại khi bán cá, do hầu hết các doanh nghiệp khi mua đều nợ tiền.

Dự báo, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu sẽ còn căng thẳng cho đến cuối quý I/2014 vì tình trạng nông dân treo ao vẫn còn nhiều.

Giá tăng mạnh

Ngày 22.9, Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, đơn vị này vừa có đợt khảo sát, kiểm tra tình hình nuôi cá tra các tỉnh ĐBSCL. Kết quả đợt khảo sát cho thấy, lượng cá tra đạt kích cỡ 0,6 – 0,7kg còn trong dân khoảng 50.000 tấn, chỉ bằng 25% so với mức 200.000 tấn cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, lượng cá vượt size, tức cá có trọng lượng trên 1kg, hiện cũng không còn đáng kể.

Ông Nguyễn Ngọc Hải – Chủ nhiệm HTX Thới An (Cần Thơ) cũng cho biết, lượng thức ăn thủy sản các DN bán ra trong những tháng gần đây chỉ đạt 50.000 – 55.000 tấn/tháng, giảm hơn 40% so với trước đó. Từ đó có thể xác định rằng, lượng cá trong dân hiện còn rất ít. “Lượng cá này chỉ đủ cho các DN chế biến tới giữa tháng 10 là hết sạch”- ông Hải nói thêm. 

Cũng theo ông Hải, do nguyên liệu cạn dần, giá cá tra nguyên liệu đã có dấu hiệu tăng mạnh từ đầu tháng 9 đến nay. Hiện tại, cá tra đạt kích cỡ chế biến xuất khẩu được DN thu mua với mức giá từ 23.000 – 24.000 đồng/kg, tăng hơn so với mức 21.000 – 22.500 đồng/kg hồi tháng 8. Tại vùng Cần Thơ, có DN còn đặt vấn đề mua trả chậm cá nguyên liệu với mức 25.000 đồng/kg.

Ông Lê Chí Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang cũng xác nhận rằng, giá cá tra đã tăng trở lại từ đầu tháng 9 đến nay. Trong đó, nếu người dân bán cá lấy tiền liền, giá cá đã tăng lên mức 22.000 – 22.500 đồng/kg.

Ông Dương Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, do tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến ngày càng trầm trọng nên một số DN đã quyết định tạm ngừng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra cho đơn hàng tháng 10, 11.2013. Đồng thời, tăng giá xuất khẩu lên thêm 20 cent/kg.

Cẩn thận bán nợ cá 

Dù giá cá có tăng nhưng theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, hầu hết các DN vẫn thực hiện mua nợ tiền cá của nông dân từ 1,5 – 2 tháng. Hiệp hội Cá tra Việt Nam còn lo ngại tình trạng DN đẩy giá lên cao để thu được nguyên liệu, sau đó quỵt luôn tiền nợ của nông dân.

Ông Nguyễn Ngọc Hải giải thích rằng, theo báo cáo của các cơ quan chức năng và VASEP, 8 tháng đầu năm 2013, diện tích thả nuôi cá tra tăng hơn 4%, diện tích thu hoạch cũng tăng gần 32% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, trên thực tế, lượng cá trong dân đã giảm mạnh do nhiều nông dân “treo ao”, không còn khả năng tái thả nuôi cá trong những vụ gần đây. “Do đó, nhiều DN dùng chiêu trò mua giá cao để thu được nguyên liệu nhưng sau đó sẽ không trả tiền cá, nông dân coi như mất trắng” - ông Hải cho biết. Theo ông, trước tình hình này, giá cá có thể sẽ còn tăng nữa.

Ông Lê Chí Bình cũng cho rằng, hiện không phải là thời điểm thích hợp để thả cá vụ mới, do thời tiết thay đổi liên tục, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cá con. Do đó, nông dân không nên thấy cá tăng giá mạnh mà tái thả nuôi ồ ạt. “Hơn nữa, giá cá tra xuất khẩu vẫn đang ở mức rất thấp, DN không thể mua cao bán thấp được nên sẽ khó có mức giá tăng đột biến trong thời gian tới, cần cẩn thận các chiêu trò của những DN làm ăn thiếu uy tín” - ông Bình nói.

Tổng cục Thủy sản cho biết, đến hết tháng 7.2013, dư nợ cho vay nuôi trồng cá tra 8.125 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với thời điểm cuối năm 2012; dư nợ thu mua, chế biến, xuất khẩu cá tra cũng đạt 14.784 tỷ đồng.

Theo Thuận Hải

khanhnt

Dân Việt

Trở lên trên