Giải pháp nào gia tăng giá trị nông sản?
Muốn tăng giá trị nông sản, phải linh hoạt các mô hình sản xuất, phát huy sản xuất theo chuỗi giá trị, coi trọng maketing nông sản.
- 14-11-2013Ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước vận hội lớn
- 13-11-2013“Ôm” ruộng, ôm buồn và ôm… nợ
Để thực hiện lộ trình tái cơ cấu này “có hậu”, mấu chốt là phải ổn định sản xuất, làm gia tăng giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, nền nông nghiệp sẽ vững bền. Vậy giải pháp nào để gia tăng giá trị nông sản? Chúng tôi giới thiệu những giải pháp căn cơ trên cơ sở tham vấn ý kiến các chuyên gia.
Không áp đặt
Là tỉnh đang đi tiên phong trong xúc tiến tái cơ cấu nông nghiệp, ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Tỉnh đã quán triệt, tái cơ cấu phải bắt đầu từ những việc nhỏ, mỗi việc làm đều phải có kết quả cụ thể và kết quả theo từng giai đoạn cụ thể chứ không làm theo kiểu phong trào như xưa nữa. Cũng không áp dụng đồng phục cho mọi mô hình, mà tùy vào từng địa phương cụ thể, tùy thực tiễn để làm”.
Cam kết này của Đồng Tháp là đúc rút kinh nghiệm xương máu từ chính thực tiễn đã diễn ra. Bởi theo ông Hoan, xưa có những phong trào đã làm rồi nhưng không giữ vững được vì có sự áp đặt một mô hình chung cho nhiều địa phương, trong khi mỗi địa phương có đặc thù riêng. Đồng thời, “khi xây dựng mô hình để thực hiện tái cơ cấu, phải xuất phát từ người nông dân, từ cơ sở thực tiễn chứ không phải xây dựng ra mô hình rồi áp đặt từ trên xuống bắt họ phải làm theo”- ông Hoan chia sẻ.
Hiện tại, ở Đồng Tháp, doanh nghiệp và nông dân đã “bắt tay” nhau ngày càng nhiều. Mô hình ‘cánh đồng liên kết’ là một ví dụ điển hình. Ở mô hình liên kết này, doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân tham gia vào sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trong liên kết, doanh nghiệp đầu tư vốn, phân bón, giống, công nghệ, kỹ thuật sản xuất... cho nông dân. Cuối vụ, nông dân bán nông sản (cụ thể là lúa) cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, giá lúa mà nông dân bán cho doanh nghiệp có liên kết thường cao hơn giá thị trường.
Là ‘tư lệnh’ trực tiếp của ngành nông nghiệp tại tỉnh, ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, khẳng định: Mô hình liên kết phù hợp với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, khắc phục được hạn chế của kinh tế hộ, thuận lợi đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm giá thành... Đây là mấu chốt để tạo vùng nguyên liệu ổn định và đầu ra ổn định cho cả nông dân và doanh nghiệp.
Vì thế, từ năm 2011 đến nay, quy mô làm liên kết đã tăng nhanh ở Đồng Tháp. Năm 2011, toàn tỉnh mới tổ chức thực hiện liên kết được 2.400 ha ruộng, quy mô doanh nghiệp thu mua lúa khoảng 800 tấn. Đến 2012, quy mô tăng lên 17.000 ha, và đến hết tháng 7/2013, diện tích liên kết tăng lên 43.000 ha, sản lượng doanh nghiệp tiêu thụ theo hợp đồng là trên 90.000 tấn.
Nhìn chung, khi liên kết, hầu hết nông hộ đều có thu nhập cao hơn bên ngoài. Ông Võ Tấn Sỹ, ở Ấp K8, xã Phú Đức, huyện Tam Nông chia sẻ: “Nhà có 1,3 mẫu ruộng. Từ khi tham gia cánh đồng liên kết thấy lợi ích tăng hơn hẳn. Bán lúa không lo bị thương lái ép giá, biết trước giá bán lúa cho doanh nghiệp sẽ cao hơn thị trường”. Mỗi năm, ông Sỹ thu nhập từ lúa cũng được 50 triệu đồng, và làm thêm việc khác nữa, sống khỏe. Ông Sỹ thấy hài lòng với mô hình này và mong nhiều bà con được tham gia liên kết.
Để có được những liên kết bước đầu hiệu quả đó, vai trò Nhà nước (chính quyền các cấp của tỉnh Đồng Tháp) đã đóng vai trò cầu nối đứng ra định hướng, tổ chức, tạo điều kiện để cho nông dân, doanh nghiệp “gặp nhau”. Bên cạnh đó, nhiều mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã do nhân dân lập ra đã hình thành và phát huy tác dụng. Tổ chức HTX đang thực sự là trung gian hữu hiệu, đại diện hợp pháp và tổ chức cho các nông hộ sản xuất quy mô lớn, sản xuất thống nhất, làm theo tiêu chuẩn.
Mặc dù đây đó trong quá trình liên kết tại đây còn chưa “ăn ý”, còn có sự cố. Nhưng nhìn chung, quan điểm và hướng làm này đang phát huy tác dụng, được cả doanh nghiệp cùng nông dân hưởng ứng. Ông Lê Minh Hoan, khẳng định: “hiện tại, liên kết đã trở thành nhu cầu của cả bà con nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã”.
Chứng kiến cách làm của Đồng Tháp, chúng tôi nhận thấy, “bộ 3 chân kiềng lo cho dân” mà nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn từng nêu, hiện đang được triển khai và thực sự hiệu quả tại đây. Từ bài học ở Đồng Tháp cho thấy, việc liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ là xu hướng cần làm cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo thương hiệu cho nông sản
Liên kết như vừa nêu sẽ dần hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, kiểm soát chất lượng nông sản từ đầu vào đến đầu ra, là một cách để tăng giá trị nông sản. Tuy nhiên, ruộng đồng không phải đâu cũng như ĐBSCL. Do đó, liên kết sẽ thực sự hiệu quả, nếu nó được áp dụng linh hoạt từng địa phương, từng quy mô sản xuất. Cánh đồng lớn, dồn điền đổi thửa không phải là giải pháp tối ưu cho mọi cánh đồng ở Việt Nam.
Nói như TS Đào Thế Anh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam): “Việc tập trung ruộng đất phải do tự nền kinh tế điều chỉnh trong quá trình lâu dài, không thể áp đặt. Nó còn tùy thuộc vào làm sản phẩm gì, ví dụ làm lúa khác làm rau quả. Không phải giờ cứ hô hào tập trung ruộng đất chung chung, rồi tất cả các vùng ở Việt Nam đua nhau tập trung ruộng đất”.
Như thế, việc cần làm nữa trong tái cơ cấu nông nghiệp là tìm giải pháp tối ưu hóa ruộng đồng, giúp nông dân là gia tăng giá trị từ chính đồng đất đang có. TS Đào Thế Anh đề xuất thêm: Những nơi không dễ tập trung ruộng đất, không cần tập trung ruộng đất thì tìm cách giữ nguyên quy mô mà vẫn tập trung được nông dân làm ruộng. “Giải pháp là phát triển hợp tác xã của nông dân. Sau này, cho dù đã tập trung được nông dân ở quy mô lớn thì vẫn cần HTX của họ”.
Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng (Giảng viên Đại học Fulbright) cũng đồng tình: “Cần phát triển trên nền tảng ruộng đất, thế mạnh và khả năng nông dân đang có. Sẽ là sai lầm lớn nếu đang trồng dừa thấy không hiệu quả, nói tái cơ cấu là chặt dừa đi trồng cây chuối, hay nuôi cá thấy không được lại đi nuôi tôm, thấy tôm không tốt thì quay lại với cá”.
Ông Dưỡng đề xuất: “Giả sử đang làm lúa, hãy tìm cách để lúa tốt hơn, tăng chế biến sau thu hoạch ra gạo, bột, bánh… để vừa tạo thêm công ăn việc làm, vừa tăng thu nhập cho nông dân”.
Đồng quan điểm này, theo TS Đặng Kim Sơn, “cần có đột phá trong lựa chọn ngành hàng chiến lược, sản xuất theo chuỗi giá trị tạo ra những sản phẩm thị trường cần trên cơ sở chọn lựa từ tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương”.
Những thế mạnh đó, theo ông Sơn, chia làm 3 loại: Thế mạnh quốc gia (có thể xuất khẩu và cạnh tranh), thế mạnh vùng (có thể cung cấp đến các địa phương khác), thế mạnh nội tại địa phương (đặc sản, thế mạnh của từng xã, huyện trong tỉnh).
Sau khi tìm ra các thế mạnh, sẽ xây dựng chuỗi ngành hàng. Đơn cử như chuỗi ngành hàng lúa gạo, gồm 3 phần: - Phần vùng sản xuất chuyên canh lúa gạo (chọn ra vùng có hiệu quả cao nhất, áp dụng cánh đồng mẫu, có hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân để sản xuất); – Phần chế biến (làm tăng giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn để vượt qua các rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu…); - Phần thương mại (có hệ thống tiếp thị để đưa sản phẩm vào thị trường với giá tốt nhất, ổn định nhất, thị trường an toàn nhất mà không qua trung gian). Các công đoạn này liên kết chặt chẽ với nhau.
Muốn làm được chuỗi ngành hàng, TS Sơn đề nghị: Cần một hệ thống chính sách, tổ chức và đầu tư phục vụ nó. Trong chuỗi ngành hàng thì nông dân được hưởng 3 cái lợi. Đó là yên tâm về đầu vào an toàn (vật tư, phân bón đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý), đầu ra chắc chắn (không lo được mua mất giá) và được tư vấn hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, bảo hiểm... nông nghiệp.
Bên cạnh chuỗi ngành hàng, TS Đào Thế Anh nêu thêm giải pháp phát triển thị trường ngách, qua ví dụ thực tiễn từ nông dân ở Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) phục hồi giống nếp cái hoa vàng. Đây là loại nếp bản địa nơi đây, đang được phát triển thành một vùng sản xuất, và đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Mấy năm nay, sản phẩm này làm ra tiêu thụ tốt, giá cao không chỉ bán được ở thị trường trong nước mà còn bán cho doanh nghiệp là Việt kiều từ Đức họ về mua cung cấp cho Việt kiều tại châu Âu.
Đây là bài học quan trọng gợi ra hướng cần phục hồi, duy trì và phát huy các sản phẩm đặc sản là đặc trưng vùng miền.
Phải biết maketing cho nông sản
Một điểm nhấn quan trọng nữa cho tái cơ cấu nông nghiệp, đó là dù sản xuất hàng hóa với quy mô lớn hay nhỏ, sản phẩm có chất lượng tốt, phù hợp yêu cầu thị trường... Nhưng nếu không biết cách bán hàng, giá trị thực tế thu lợi vẫn chỉ ở tiềm năng. Vì theo TS Đào Thế Anh, muốn thực sự phát triển chuỗi giá trị nông sản, cần xây dựng và phát huy mối quan hệ chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, trong đó khâu làm thương mại, maketing trong nông nghiệp đặc biệt quan trọng.
“Hiện khả năng làm thương mại nông sản của nước ta rất kém, không đáp ứng được yêu cầu. Cho nên, muốn có chuỗi giá trị, phải đầu tư cho maketing. Nếu không, không chỉ khó xuất khẩu, thị trường trong nước cũng khó tiếp cận. Hiện nay, các doanh nghiệp của ta cũng ít đi maketing, chủ yếu dựa vào các thị trường sẵn có, không mở ra được thị trường mới. Tức là, cùng với tăng cường năng lực sản xuất cho nông dân, rất cần tăng cường năng lực kinh doanh cho họ” – TS Đào Thế Anh đánh giá.
Song song với làm maketing, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phát huy mạnh mẽ vai trò tổ chức khuyến nông. Tổ chức này cần được quan tâm đầu tư để chuyên nghiệp hóa công tác khuyến nông cho hợp thời. Theo TS Lê Đức Thịnh (Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT): “Trước đây khuyến nông đào tạo nông dân, hỗ trợ nông dân kỹ thuật một cách phổ thông. Bây giờ, cần đi vào các trọng điểm theo những mục tiêu cụ thể của tái cơ cấu đối với từng ngành, từng sản phẩm”.
Còn TS Đào Thế Anh bổ sung thêm: “Xu thế là phải chuyển giao cho đội ngũ cán bộ khuyến nông các kỹ năng maketing, tư vấn, hỗ trợ nông dân về làm dịch vụ đầu ra cho sản phẩm. Nhà nước phải nghiên cứu thông tin thị trường và cung cấp cho nông dân. Không thể bắt hoặc tự để nông dân mò mẫm đi tìm hiểu”.
Bởi lâu nay, nông dân sản xuất mò mẫm, làm mãi vẫn nghèo là vì thiếu kiến thức. Lẽ ra tổ chức khuyến nông, hội nông dân gần dân nhất phải cho họ kiến thức thiết thực. Nhưng tiếc là các tổ chức này chưa đáp ứng được yêu cầu. Cho nên, tái cơ cấu nông nghiệp, lộ trình đã rõ, quyết tâm chính trị đã có, giải pháp đã được bày ra. Nhưng Nhà nước cần liên tục hỗ trợ, tăng cường kiến thức cho nông dân để họ có thể thực hiện đúng các yêu cầu đặt ra với tái cơ cấu, đạt đến đích của tái cơ cấu.
Vì như ông Nguyễn Minh Nhị nói: “Nông dân không biết cách làm thì mới nghèo. Giờ lại bắt nông dân tự phải biết thì họ đâu cần các tổ chức khác nữa. Ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp phải giúp người nông dân biết cách làm ra sản phẩm gì, biết bán ở đâu, biết giá thế nào.... Trong đó, có những sản phẩm, nông dân không thể tự mang bán được, chính quyền phải giúp họ bán”./.
Theo Nhóm phóng viên