Giảm lượng xuất khẩu cá tra để tránh nguy cơ bị lỗ
Ông Dương Tiến Thể, Phó Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản cho biết, giá thành thấp, cộng với nguồn cung dồi dào, trong khi lượng cầu giới hạn, khiến cho người nuôi trồng cá tra bế tắc, rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan."
Ông Thể cũng cho rằng việc "om hàng" sẽ kéo theo
chi phí tăng lên, tuy nhiên, nếu bán ra ở thời điểm này thì khó tránh khỏi việc
bị lỗ.
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp giao ban tháng của Tổng cục thủy sản diễn
ra sáng nay (31/7) tại Hà Nội. Cũng theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản
Việt Nam (VASEP), trong tháng 7, giá cá tra có xu hướng giảm so với tháng trước
và diện tích nuôi cá tra năm nay thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện lượng cá tra đang tồn đọng khá lớn ở các hồ nuôi với khoảng 10.000-15.000
tấn do giá cá tra đang giảm mạnh, từ 500-1.000 đồng/kg và chỉ còn 18.500-20.000
đồng/kg.
Lý giải hiện tượng này, ông Dương Tiến Thể cho rằng sự chênh lệch cung cầu
chính là yếu tố khiến cá tra đang bị mất giá, dẫn đến lượng cá tra tồn đọng lớn.
Giải pháp đặt ra trong 6 tháng cuối năm và trong thời gian tới đối với ngành
nuôi trồng cá tra, theo Phó Vụ trưởng Dương Tiến Thể, là cần phải tiến hành quy
hoạch tái cơ cấu ngành sản xuất này, giảm lượng xuất khẩu về mức khoảng 1
triệu tấn/năm, hạn chế xuất khẩu ồ ạt, cân đối cung cầu nhằm tăng giá trị xuất
khẩu.
Theo ông Thể, cá tra vẫn là ngành có lợi thế của nước ta, với năng suất cao
(trung bình 320 tấn/ha). Tuy nhiên, giá cả thị trường xuống thấp khiến cho
ngành cá tra đang đứng trước nguy cơ bị lỗ. Người dân đành phải tính toán giải
pháp tạm thời đó là tim cách “hãm” nuôi, vừa tiết kiệm tối đa chi phí (đảm bảo
cá tra xuất khẩu kịp lứa, với khối lượng tiêu chuẩn cá tra xuất khẩu chỉ
0,9-1kg/con) vừa chờ cơ hội tăng giá mới bán ra thị trường.
Bên cạnh đó, ông cho rằng cần có sự chung tay của các tổ chức như VASEP,
Cục chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, cũng như cần đa dạng về
các sản phẩm chế biến để giải quyết vấn đề thị trường, tìm “đầu ra” cho ngành
nuôi trồng cá tra. Mặt khác, ông Thể cũng kiến nghị thêm, nếu có kho dự trữ thì
việc thu mua tạm trữ sẽ là giải pháp đem lại hiệu quả trong thời điểm giá thành
đang hạ đồng thời giúp người dân giải quyết vấn đề ứ đọng tại ao nuôi./.
Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tính đến ngày 30/7/2013, diện tích thả nuôi cá tra từ đầu năm đến nay là 3.568 ha (bằng 84% so với cùng kỳ năm 2012). Diện tích thu hoạch là 1.794 ha (bằng 70,6% so với cùng kỳ), sản lượng thu hoạch là 667.803 tấn (bằng 97,6% so với cùng kỳ năm 2012) và năng suất bình quân là 372 tấn/ha (năm 2012 là 269 tấn/ha).
Theo Thanh Tâm