MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội: 80% thịt ra chợ chưa được kiểm tra vệ sinh thú y

01-10-2013 - 13:58 PM |

Hiện mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ gần 750 tấn thịt các loại, nhưng phần lớn trong số đó có nguồn gốc từ các lò giết mổ thủ công, chưa được kiểm tra về an toàn thực phẩm.

Khảo sát của Chi cục Thú y Hà Nội cũng cho biết, 80% thịt gia súc, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn chưa được kiểm soát vệ sinh thú y. Trong khi đó, những dự án giết mổ tập trung của Hà Nội cái thì chết yểu, cái thì vướng mắc mãi không xong.

Việc xây dựng các lò mổ tập trung đã được Hà Nội quy hoạch từ hàng chục năm nay, tuy nhiên, đến nay rất nhiều dự án vẫn chỉ nằm trên giấy. Có thể kể đến Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO) hiện đang được giao làm chủ đầu tư 3 dự án giết mổ công nghiệp trên địa bàn huyện Phúc Thọ, Thường Tín và một dự án giết mổ trâu bò ở Phú Xuyên. Tuy nhiên, do khó khăn trong giải phóng mặt bằng nên hiện các dự án vẫn giậm chân tại chỗ.

Trao đổi với PV, ông Phan Minh Nguyệt, Tổng Giám đốc HADICO cho biết: Về dự án giết mổ trâu bò, dù UBND TP đã đồng ý về mặt chủ trương, nhưng do còn khó khăn trong giải phóng mặt bằng nên đến nay dự án vẫn tắc lại. Dự án tại Thanh Trì cũng gặp những khó khăn tương tự. Không chỉ khó khăn về mặt bằng để xây dựng, nhiều cơ sở đã xây dựng rồi cũng phải đóng cửa như cơ sở giết mổ gia cầm công nghiệp tại chợ đầu mối Minh Khai (Phú Diễn, Từ Liêm) của HADICO khánh thành vào năm 2007, hay cơ sở giết mổ gia súc của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội tại Lương Yên.

Công ty CP Công nghệ thực phẩm Đức Việt cũng phải mất đến 5, 6 năm mới tìm được mặt bằng cho 1 dự án. Từ năm 2009, công ty này đã được UBND TP đồng ý về mặt chủ trương xây dựng cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn huyện Sóc Sơn và giao cho chủ đầu tư thỏa thuận với UBND huyện về vị trí. Tuy nhiên, đến ngày 20-9, huyện Sóc Sơn mới có báo cáo TP về việc chấp thuận cho Công ty CP Công nghệ thực phẩm Việt Đức xây dựng cơ sở giết mổ tập trung tại xã Minh Phú.

Bà Nguyễn Thị Tam, Phó trưởng Phòng Chăn nuôi, Sở NN&PTNT TP Hà Nội thừa nhận: Đầu tư giết mổ gia súc gia cầm vốn rất khó tìm chủ đầu tư bởi lợi nhuận thấp. Mặc dù UBND TP đã nhiều lần đốc thúc các địa phương về vấn đề bố trí mặt bằng cho dự án, nhưng các địa phương vẫn có vẻ thiếu mặn mà. Cùng với đó, người dân địa phương nơi triển khai dự án luôn phản đối vì lo ngại ô nhiễm không khí, nguồn nước…

Hiện Hà Nội chỉ có 7 cơ sở giết mổ bán công nghiệp với công suất thiết kế cung cấp 112 tấn thịt gia cầm, 82 tấn thịt gia súc/ngày, nhưng 5 trong số đó đã ngừng hoạt động, 2 cơ sở còn lại chỉ đạt 5% công suất thiết kế. Ngược lại, các cơ sở giết mổ thủ công lại đang hoạt động khắp nơi với khoảng 2.571 cơ sở. Các cơ sở này đã cung cấp đến 83% sản phẩm thịt lợn và 87% sản phẩm thịt gia cầm cho nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của Thủ đô. Tuy nhiên, Chi cục Thú y cho biết, thịt ở các cơ sở thủ công này đều chưa được kiểm soát vệ sinh thú y. Riêng với gia cầm, việc giết mổ trực tiếp tại các chợ diễn ra phổ biến và vẫn được người tiêu dùng chấp nhận.

“Ý thức của người tiêu dùng cũng là một trở ngại lớn. Chừng nào người tiêu dùng còn chấp nhận những sản phẩm giết mổ tại chỗ thì chừng đó vẫn còn những cơ sở giết mổ thủ công. TP Hồ Chí Minh triển khai giết mổ công nghiệp sau nhưng đến nay đã hoàn thiện. Kết quả này một phần nhờ thói quen tiêu dùng của người dân và quy mô chăn nuôi của người sản xuất tập trung hơn”, bà Nguyễn Thị Tam cho biết.

Mặc dù Hà Nội đặt ra tham vọng đến năm 2015 sẽ có 8 cơ sở giết mổ công nghiệp với  công suất khoảng 357 tấn/ngày, đáp ứng được khoảng trên 40% nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, do quá nhiều trục trặc trong triển khai, Sở NN&PTNT cho biết, đang tham mưu cho TP đi từ giết mổ bán công nghiệp trước, khi thói quen của người tiêu dùng thay đổi, quy mô chăn nuôi được mở rộng mới tính đến các cơ sở công nghiệp. Tuy nhiên, hiện chưa biết các dự án bán công nghiệp này sẽ được triển khai ra sao

Theo Y.H

khanhnt

Công an nhân dân

Trở lên trên