Hạt gạo bật khóc
Hiện giá gạo xuất khẩu Việt Nam ở mức rẻ nhất thế giới nhưng vẫn còn 2 triệu tấn dư thừa trong kho, trong lúc giá gạo xuất khẩu mỗi lúc một đi xuống.
Thông tin từ Hiệp hội lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu giao dịch trong tháng 4 giảm khoảng 10-15 USD/tấn so với tháng 3. Giá xuất khẩu bình quân trong 4 tháng cũng giảm mạnh trên 28 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2012.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn ở mức thấp nhất trong các nước xuất khẩu gạo. Cụ thể tại thời điểm tháng 4, giá gạo 5% tấm của Thái Lan bán ra ở mức 530 USD/tấn, Ấn Độ bán ra ở mức 445 USD/tấn, Pakistan ở mức 430 USD/tấn, trong khi Việt Nam chỉ bán được ở mức 395 USD/tấn.
Hiện nguồn cung gạo trên thế giới đang ở mức cao. Tại Thái Lan, Ấn Độ, Pakisstan, Myanmar tồn kho gạo lớn, trong khi vụ hè thu được dự báo được mùa, buộc các nước này cũng hạ giá thành gạo xuất khẩu để tạo thế cạnh tranh.
Phó Chủ tịch VFA, ông Phạm Văn Bảy cho biết thời gian qua, doanh nghiệp xuất khẩu gạo liên tục giảm giá bán để tìm thêm hợp đồng nhưng gặp rất nhiều khó khăn. “Gần đây, nhu cầu mua gạo của các thị trường hầu như không có, phía doanh nghiệp xuất khẩu gạo không ký được hợp đồng mới đáng kể nào. Một số doanh nghiệp do bị áp lực tồn kho và quay vòng vốn nên phải bán giá thấp để giải quyết đầu ra nên hiệu quả kinh tế không cao.”
Hiện tồn kho của Tổng công ty lương thực Miền Bắc là 250.000 tấn, tồn kho của Tổng công ty lương thực Miền Nam là 835.000 tấn, tính thêm tồn kho của các đơn vị xuất khẩu khác hiện tổng tồn kho lên tới hơn 2 triệu tấn gạo.
Có hai sự lệ thuộc mà doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang vướng phải, đó là sự lệ thuộc vào thị trường và lệ thuộc vào các đơn hàng tập trung do nhà nước đàm phán được.
Ở khía cạnh thứ nhất, trong khi các thị trường vừa và nhỏ nhu cầu mua thấp thì tại các thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam, doanh nghiệp Việt luôn bị ép giá.
VFA phân tích: “Trung Quốc là thị trường thu mua gạo lớn nhất của Việt Nam, chỉ riêng trong quí I, số lượng hợp đồng đã đạt trên 1 triệu tấn, nếu tính cả hợp đồng năm 2012 sẽ thành 1,5 triệu tấn. Đặc điểm của thị trường này là mua bán phần lớn do chênh lệch giá chứ không chỉ để đáp ứng nhu cầu trong nước, nên thường thu mua với giá thấp để đảm bảo lợi nhuận sau khi giải quyết chi phí nhập khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chấp nhận bán với giá thấp vì không có nhu cầu từ các thị trường khác. Bán giá cao họ không mua.”
“Đây là một trong những nguyên nhân chính vì sao Việt Nam phải bán gạo với giá thấp” – Báo cáo của Hiệp hội nêu rõ.
Ở một khía cạnh khác, nếu như những năm trước đây, phần lớn các hợp đồng xuất khẩu là hợp đồng tập trung, kí giữa các Chính phủ với nhau thì thời gian này tình hình diễn ra ngược lại. Số lượng hợp đồng tập trung chỉ chiếm khoảng 10%, phần lớn là hợp đồng thương mại cạnh tranh bằng giá thấp chiếm khoảng 90%.
Khi không có Chính phủ đứng ra đàm phán giá cả thay, doanh nghiệp buộc phải bơi trong một mê hồn trận các chiêu trò của nhà nhập khẩu bày ra hòng giảm giá, chưa kể đến việc các doanh nghiệp cố tình phá giá, áp lực giải quyết tồn kho để lấy tiền quay vòng vốn đẩy các doanh nghiệp vào trạng thái lúng túng, bị khách hàng ép giá.
Gạo Việt Nam đứng trước hai sự lựa chọn, một là nằm im giữ giá, hai là bán ra với giá thấp để quay vòng vốn. Tuy nhiên, VFA cũng nhận định “Nếu không bán ra, tồn kho sẽ lớn, không có tiền để quay vòng vốn trả nợ ngân hàng trong khi lãi suất rất cao. Và nếu không tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa, giá lúa trong nước sẽ sụt giảm mạnh, thiệt hại đến lợi ích người sản xuất nhiều hơn là bán ra để kích cầu, ổn định giá và tiêu thụ kịp thời, nhất là vào thu hoạch rộ.”
Hiện tình hình giá gạo thế giới vẫn trong xu hướng giảm và sáp lực tăng thêm với nhiều thông tin cực đoan. Trước hết là Thái Lan với thông tin Chính phủ nước này chấp nhận bán ra để cắt lỗ do tồn kho. Ấn Độ với dự báo được mùa lớn, tăng sản lượng đến hơn 100 tấn. Indonesia với thông tin không nhập khẩu gạo năm 2013 và Philippin với việc giảm nhập so với những năm trước.
Hồng Anh