MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hết thời cây ca cao

14-08-2014 - 09:21 AM |

Nông dân ĐBSCL không còn mặn mà với cây ca cao, loại cây từng được kỳ vọng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Vì sao có thực trạng này?

Phá bỏ hàng loạt

Ca cao trồng ở Việt Nam, đặc biệt tại Bến Tre, được các nhà nhập khẩu đánh giá là cho trái có chất lượng tốt hàng đầu thế giới. Lúc cao điểm, năm 2012, diện tích ca cao của Bến Tre lên đến 10.600ha.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) từng khẳng định, nhu cầu của thị trường thế giới đối với hạt ca cao là rất lớn và có thể xen dưới tán các cây dừa. Bến Tre là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích ca cao. Phần lớn cây ca cao tại Bến Tre được trồng xen trong vườn dừa, giúp nông dân tăng thu nhập gần gấp đôi trên cùng diện tích.

Tuy nhiên, việc phát triển cây ca cao thời gian mang tính tự phát, “ăn theo” các dự án, trong khi khâu kỹ thuật, thu mua, sơ chế hạt chưa chuyên nghiệp. Khi kết thúc dự án, không còn tài trợ, đầu ra bấp bênh nên nhiều người dân đã nản dần với cây công nghiệp này, diện tích theo đó giảm mạnh. 

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, hiện diện tích ca cao của tỉnh chỉ còn hơn 5.200ha (giảm tương đương 50%)... Do giá quá thấp nên nông dân ồ ạt đốn bỏ ca cao vào cuối năm 2012, đầu 2013 để chuyển đổi cây trồng mới như bưởi da xanh, cam, chanh...

Ông Nguyễn Văn Lem (xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm) là nông dân đầu tiên của tỉnh Bến Tre trồng ca cao trong vườn dừa, với số lượng khoảng 300 gốc. Vài năm đầu, ca cao cho lợi nhuận tăng thêm khá cao trên diện tích trồng dừa. Tuy nhiên, mấy năm qua, giá ca cao giảm mạnh, trong khi các loại cây đặc sản khác của địa phương như bưởi da xanh, nhãn, chanh, cam, quýt... cho thu nhập rất cao. Từ đó, ông Lem đốn dần vườn ca cao của mình đến nay chỉ còn vài chục gốc, để trồng cây khác.

Tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2008 - 2011, diện tích ca cao liên tục tăng từ 100 - 230 ha/năm. Từ năm 2012, 2013, chỉ tăng 50 ha/năm, không đạt kế hoạch. Riêng 6 tháng năm 2014, số lượng cây giống các hộ đăng ký trồng cũng mới đạt gần 42% kế hoạch… Nguyên nhân do đầu ra bấp bênh, nguồn thu nhập thấp, nên nhiều nông dân quay lưng với loại cây này. 

Vì thế dự án phát triển cây ca cao giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh Vĩnh Long tập trung ở các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn, Mang Thít và thị xã Bình Minh với kinh phí hơn 12 tỷ đồng đang gặp khó trong việc mở rộng diện tích...

Không nên chạy theo phong trào

Trao đổi với chúng tôi, “vua trồng dừa” Đỗ Thành Thưởng, ở xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nói: “Tại các cuộc hội thảo, hội nghị về cây ca cao, tôi đã lên tiếng phản đối việc mở rộng diện tích loại cây này trên xứ cù lao vốn bị nhiễm mặn mấy tháng mỗi năm. Thế nhưng, nhiều người, nhiều nhà quản lý cứ xúi nông dân trồng theo các dự án. Tại xã Hưng Phong, nhiều người trồng ca cao nay phải đốn hết vì bị nước mặn làm cháy lá, không ra trái. Thực tế, ở Bến Tre có nhiều địa phương bị ảnh hưởng nước mặn, thậm chí có những năm cả tỉnh bị nước mặn xâm nhập.

Thực tế, trồng ca cao đòi hỏi kỹ thuật cao hơn trồng dừa, trong khi không phải ai cũng có trình độ và quyết tâm. Nên chúng ta không thể làm đại trà để mở rộng diện tích một cách nhanh chóng được. Đặc biệt, theo tìm hiểu của tôi, tại nhiều nước khác người ta trồng ca cao trước vài năm mới trồng dừa thì đạt hiệu quả cao. Còn mình làm ngược lại...”.

Ông Trần Hùng Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca cao Utrz số 5 (xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Câu lạc bộ chúng tôi có 64 hộ với 40ha, trồng ca cao xen dừa, cây ăn trái; áp dụng tiêu chuẩn của Hà Lan, tương đương VietGAP, phát triển khá ổn định. Hiện giá ca cao đang ở mức cao, 5.500 - 5.600 đồng/kg trái; 66.300 đồng/kg hạt. Công ty Cargill bao tiêu sản phẩm.

Nhiều hộ như Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Thanh Hoàng trồng ca cao đạt hiệu quả tốt, thu lợi 80 - 100 triệu đồng/ha/năm; chưa kể nguồn thu từ dừa, cây ăn trái. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị thành lập thêm các câu lạc bộ mới (khoảng 30 - 35 hộ/câu lạc bộ) để tập huấn, hướng dẫn cho 100 hộ trồng ca cao mới đạt tiêu chuẩn để đảm bảo đầu ra ổn định.

Để phát triển ca cao bền vững ở ĐBSCL, các nhà quản lý, chuyên gia cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu nghiên cứu, tuyển chọn giống cho người trồng, chuyển giao kỹ thuật; liên kết đầu tư vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với nông dân; xây dựng hình ảnh và thương hiệu ca cao Việt Nam để tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu nông sản…

Bài học từ việc bỏ cây ca cao


Theo Bình Đại

khanhnt

Sài Gòn giải phóng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên