Hỗn loạn phân bón: Thanh tra vạch ra rồi... để đấy!
Có vẻ như hàng chục tỉ đồng ngân sách nhà nước dành cho thanh tra của 5 Bộ quản lí về phân bón thực thi nhiệm vụ hàng năm chưa phát huy hiệu quả.
- 24-09-2013Nhập khẩu phân bón tăng gần 30%
- 24-09-2013Dễ như… đăng ký làm phân bón
GIƠ CAO ĐÁNH KHẼ
Theo quy định hiện hành, những đơn vị có quyền thanh tra
chuyên môn trong lĩnh vực phân bón là lực lượng Quản lí thị trường (Bộ Công
thương), Thanh tra Cục Trồng trọt và Thanh tra chuyên ngành (Bộ NN-PTNT), Công
an Kinh tế, Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an), Bộ KHCN…
Tại các địa phương, lực lượng thanh tra cũng tương tự, đặc
biệt là lực lượng thanh tra ở các Sở NN-PTNT và Quản lí thị trường. Với lực lượng
hùng hậu, đông đảo như vậy, đáng nhẽ chỉ cần một cửa hàng kinh doanh phân bón
bán hàng kém chất lượng là các cơ quan quản lí nhà nước đã biết từ trong trứng
nước rồi. Đằng này, phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn tràn lan, số vụ
vi phạm năm sau cao hơn năm trước, ấy vậy mà chưa thấy ai bị tước giấy phép?
Lãnh đạo một DN phân bón lớn tại Hà Nội chia sẻ, các chế tài
thanh tra, xử phạt hiện nay không những không dẹp được nạn phân bón giả, phân
bón kém chất lượng, thậm chí chẳng khác khuyến khích DN hãy làm giả
vì mức xử phạt quá nhẹ so với lợi nhuận DN thu được.
Mặt khác, như đã đề cập, từ khâu lấy mẫu đến khâu phân tích hiện chưa có quy chuẩn, chưa đồng bộ dẫn đến sai số rất cao nên cả DN làm ăn chân chính và DN “cuốc xẻng” chủ động làm ăn gian dối đều bị phạt như nhau, cuối cùng hòa cả làng.
Thực tế cho thấy, chỉ cần bỏ ra vài chục triệu đồng, cùng lắm
là trăm triệu nộp phạt là DN lại SX phân bón kém chất lượng bình thường mà ít
khi bị rút giấy phép kinh doanh, dần dà DN tỏ ra nhờn luật. Trong khi đó, mỗi
năm một DN chỉ cần bán vài chục ngàn tấn phân NPK kém chất lượng là đã có lãi
tiền tỉ nên mức phạt đó chẳng thấm vào đâu.
Ngay như theo quy định hiện nay, mọi lô phân bón trước khi đưa ra thị trường phải có giấy phân tích kiểm định đạt chất lượng công bố. Với một số DN phân bón lớn như Bình Điền, Văn Điển, Lâm Thao, Phú Mỹ, Ninh Bình… có phòng phân tích riêng thì việc phân tích cơ bản được thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, với những đơn vị không có phòng phân tích mà phải đi thuê, đi mượn gần như bỏ qua khâu này.
Chiếu theo luật, khi đi kiểm tra các cửa hàng kinh doanh
phân bón nếu không có giấy chứng nhận chất lượng các lô hàng, lực lượng thanh
tra hoàn toàn có thể xử lí niêm phong, tịch thu, xử phạt. Nhưng thực tế, lực lượng
thanh tra chủ yếu là xử phạt chứ không mấy khi tịch thu được.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng
Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN-PTNT) thừa nhận, trong quá trình đi kiểm
tra, phần lớn các lô hàng phân bón ngoài thị trường (đặc biệt DN phân bón nhỏ)
đều không có giấy chứng nhận phân tích chất lượng trước khi đưa ra thị trường,
nhưng hình thức xử lí của lực lượng thanh tra chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở và xử
phạt.
Tìm hiểu của chúng tôi, một số đơn vị đối phó với việc
này bằng cách khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, cửa hàng, đại lí phân bón
“đá bóng” trách nhiệm về phía nhà máy, làm việc với nhà máy, nhà máy lại đổ thừa
cho đại lí, cuối cùng thanh tra cũng chẳng xử lí được, cùng lắm chỉ xử phạt
“linh động” được một vài triệu đồng. Mặt khác, cho dù có phát hiện ra vi phạm,
lực lượng thanh tra hiện nay cũng không tịch thu được hàng hóa của các đại lí.
Ông Phạm Tiến Dũng thú thật, khi nghi ngờ mẫu phân bón nào
đó kém chất lượng, lực lượng thanh tra chỉ lấy mẫu gửi phòng phân tích chứ
không dám niêm phong bởi phân bón là sản phẩm liên quan tới mùa vụ. Mà để một mẫu
phân tích có kết quả sớm nhất cũng phải mất 15 ngày. Nếu trong trường hợp mẫu
phân tích đạt chất lượng mà niêm phong hàng của họ, bị kiện ngược lại không biết
lấy tiền đâu ra mà đền.
Chính vì vậy, những lô phân bón giả, phân bón kém chất lượng
khi có kết quả vi phạm thì đại lí đã bán hết cho cấp dưới hoặc bán cho nông dân
bón xuống ruộng rồi nên chẳng thu hồi được. Vì vậy, mới nói việc thanh tra, xử
lí hiện nay vẫn chủ yếu trên tinh thần nhắc nhở, giơ cao đánh khẽ, xử phạt là
chính!
KẾT QUẢ THANH TRA ĐỂ
ĐÂU?
Mặc dù cũng có một số DN, đại lí phân bón “chầy bửa” khiến lực
lượng thanh tra không làm được gì. Nhưng nhìn chung, các DN, đại lí phân bón đều
sợ lực lượng thanh tra. Đặc biệt, khi lực lượng thanh tra chuyên ngành kết hợp
thanh tra tại các địa phương đi kiểm tra đến đâu các DN phân bón, đặc biệt là
DN nhỏ “vã mồ hôi” đến đó.
Một lãnh đạo DN phân bón lớn trực thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt
Nam tâm sự với chúng tôi, có tháng 30 ngày ông và một vài cán bộ của công ty phải
mất tới 10 ngày để chạy đôn, chạy đáo hết tỉnh này qua tỉnh khác chứng minh với
thanh tra các Sở NN-PTNT và Quản lí thị trường về chất lượng phân bón của
mình. Kể cả việc biết không vấn đề gì nhưng do tốn quá nhiều công sức
và thời gian nên DN thường "ngoan ngoãn, biết điều". Theo đó, vấn
đề mà báo chí phản ánh về phân bón giả, kém chất lượng, không phải là cơ quan
thanh tra không biết, quan trọng họ có muốn xử lí hay không mà thôi?!
Quay trở lại việc mỗi năm ngân sách nhà nước bỏ ra cả chục tỉ đồng để dành cho việc thanh tra, xử lí hoạt động SX-KD phân bón trên địa bàn 63 tỉnh, thành cả nước. Mà tiền ngân sách là tiền thuế của dân nên nhân dân, đặc biệt là nông dân có quyền được biết đích danh tên, tuổi các DN SX-KD phân bón giả, phân bón kém chất lượng để không mua nhầm phải bột gạch hay đất sét bón cho cây trồng.
Theo Luật Thanh tra, các kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lí trong lĩnh vực phân bón phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc phải được báo cáo lên lãnh đạo chủ quản. Tuy nhiên, nhìn lại mấy năm gần đây, họa hoằn lắm báo chí mới được các cơ quan chức năng “cho xem” vài kết quả thanh tra trong lĩnh vực phân bón mà chủ yếu là các lễ ra quân, thành lập đoàn liên ngành, sơ kết, tổng kết…
Trong khi, việc thanh tra diễn ra
thường xuyên, đặc biệt là thanh tra đột xuất gần như chỉ có lực lượng thanh tra
là biết kết quả.
Dù biết, để xin được một tờ báo cáo kết quả thanh tra, xử lí về lĩnh vực phân bón là vô cùng khó khăn nhưng chúng tôi vẫn thử liên hệ với các đơn vị chức năng của Bộ NN-PTNT là Thanh tra Bộ và Cục Trồng trọt xem có gặp may không.
Dành cả buổi sáng tâm sự, trao đổi với TS Trương Hợp Tác - Trưởng
phòng Sử dụng đất, Phân bón và ông Ứng Xuân Thu - Trưởng phòng Thanh tra Pháp
chế (Cục Trồng trọt) về những bất cập, lỗ hổng trong quản lí phân bón hiện nay,
cuối cùng tôi đề nghị xin cái báo cáo kết quả thanh tra, xử lí phân bón trong 3
năm gần đây, song chỉ nhận được câu trả lời là không thể cung cấp được hôm nay,
hẹn vài hôm nữa sẽ gọi lại? Nhưng đến nay đã 1 tuần rồi chúng tôi vẫn
chưa thấy hồi âm.
Sáng hôm sau, chúng tôi sang làm việc với Thanh tra Bộ, được gặp đích thân ông Phạm Văn Hiền - Chánh Thanh tra và ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, sau khi dành cả giờ đồng hồ trao đổi, tôi lại mạnh dạn xin kết quả thanh tra, xử phạt về lĩnh vực phân bón trong 2 - 3 năm gần đây, nhưng sau 3 lần đi ra đi vào, ông Phạm Tiến Dũng chỉ cung cấp cho tôi cái báo cáo kế hoạch thanh tra năm 2011 và 9 tháng đầu năm 2012 phục vụ hội nghị Thanh tra NN-PTNT với những số liệu chung chung nhất có thể mà không thấy danh tính của bất cứ DN vi phạm nào.
Để nói về những bất cập trong ngành phân bón có lẽ còn rất nhiều và rất dài. Như việc cấp phép cho các DN nhập khẩu phân bón hiện nay cũng cho thấy nghịch lí văn bản to hơn cả Thông tư và Nghị định. Vừa qua, có một số lô phân DAP, kaly, urê không đạt chỉ tiêu dinh dưỡng theo quy định, bị hải quan chặn lại, nhưng chỉ cần một văn bản của đơn vị chức năng đề nghị cho DN nhập khẩu “làm nhiên liệu SX” lập tức hàng được thông quan mà không cần bất cứ cơ sở khoa học nào. (GĐ 1 DN phân bón than thở) |
Theo Nguyên Huân