MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khẩn cứu ngành chăn nuôi

23-05-2013 - 07:40 AM |

Ngành chăn nuôi nước ta sau nhiều năm được kỳ vọng đến nay gần như đang rơi vào… ngõ cụt. Tất cả các nguồn lực được tập trung để tháo gỡ nhưng chưa tìm được lối ra.

Sáng 22-5, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị mang tên “Phát triển chăn nuôi khu vực phía Nam” để tìm giải pháp giúp ngành chăn nuôi thoát khỏi tình trạng lao đao.

Người chăn nuôi điêu đứng

Theo Tổng cục Thống kê, đàn heo cả nước đến cuối năm 2012 còn 26,49 triệu con, giảm 2,1% so với năm 2011 và giảm 3,2% so với năm 2010. Tổng đàn gia cầm năm 2012 là 308,46 triệu con, giảm 4,4% so với năm 2011. 

Từ đầu năm 2012, giá thịt heo cũng liên tục giảm (giá heo hơi còn 35.000 đồng/kg), giá gà cũng luôn bấp bênh ở mức thấp, cá biệt có lúc xuống đến “đáy” là 12.000 đồng/kg (gà trắng). Trong khi đó, giá thức ăn luôn ở mức cao là 11.000-12.000 đồng/kg. Vì vậy, người chăn nuôi thua lỗ nặng nề, nhiều người đã bỏ cuộc.

Riêng tại tỉnh Đồng Nai, vựa heo lớn trên cả nước, tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm số nhiều (44% đối với heo, với gia cầm là 15%) khiến gặp khó khăn về quản lý vệ sinh, dịch bệnh. Hiện Đồng Nai có khoảng 200 lò giết mổ lậu không thể kiểm soát được.

TS Nguyễn Văn Bắc, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nêu 4 thực trạng đang làm khó người chăn nuôi hiện nay: Giá cả bấp bênh do không cạnh tranh được với sản phẩm của các công ty quốc tế; việc kiểm soát, cung cấp thông tin về dịch bệnh đối với người chăn nuôi hầu như không có, thông tin, quản lý giá cũng không được cập nhật; kỹ thuật chăn nuôi ít được cung cấp, hướng dẫn; khâu tổ chức hệ thống ngành chăn nuôi không khoa học. 

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), nói: “Chúng ta đang hoạt động theo tâm lý đám đông, các hệ thống chưa có hiệu quả nên khi gặp khó khăn thì không dễ tìm ra giải pháp để cứu ngành chăn nuôi”.

Tự cứu trong lúc chờ được cứu

Để tìm biện pháp cứu ngành chăn nuôi, các chuyên gia đã đưa ra một số giải pháp tạm thời. TS Nguyễn Văn Bắc cho rằng cần tổ chức chặt chẽ, tạo nên một “cánh đồng lớn”, liên kết nhóm một cách khoa học trong chăn nuôi để hỗ trợ lẫn nhau. Việc quản lý giá cả, thức ăn, kỹ thuật, dịch bệnh cũng phải cập nhật nhiều hơn. 

Nhiều chuyên gia đã dẫn ví dụ về thông tin dịch bệnh H5N7 xuất phát từ Trung Quốc nhưng không được cập nhật kịp thời, để đến đầu năm 2013, cả nước ta đã có đến 11 tỉnh công bố dịch bệnh, hơn 34.000 con heo bị mắc bệnh, 16.000 con đã bị tiêu hủy.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn ở phía Nam đã phải tỏ ra rất căng thẳng khi nói về tình trạng khó khăn hiện nay đối với đơn vị mình. Ông khẩn thiết mong có được một biện pháp hỗ trợ hữu hiệu từ cơ quan quản lý, cũng như chính quyền địa phương. 

Một doanh nghiệp lớn tại Đồng Nai cũng thừa nhận khó khăn chưa thể tháo gỡ “giá giống cao, giá thức ăn cao - sản phẩm giá thấp, hiệu quả thấp” nhưng cũng đành đề cao phương châm “tự cứu”. “Trách nhiệm không riêng của một bộ, ngành nhưng trước hết doanh nghiệp, người chăn nuôi tất nhiên phải tự cứu mình trước mà thôi chứ không thể cứ ngồi chờ chính sách” - vị này nói.

Bộ NN-PTNT thừa nhận tình hình khó khăn chung của ngành chăn nuôi đang diễn ra trên cả nước. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết Bộ NN-PTNT đang phối hợp với nhiều địa phương để có cái nhìn tổng thể hơn nhằm đưa ra biện pháp hữu hiệu.

“Chúng ta sẽ tham khảo các mô hình phát triển của thế giới để vận dụng một cách hợp lý nhằm tìm lối ra có hiệu quả chứ không để mịt mờ như thế này”
Vũ Văn Tám (Thứ trưởng Bộ NN-PTNT)

Theo Xuân Hoàng

khanhnt

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên