Khi “bệ đỡ” lung lay
Chính việc sản xuất theo lối tư duy nhỏ lẻ, "ăn xổi” của các DN cũng như người nông dân đang khiến những sản phẩm thế mạnh dần mất đi chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Xuất khẩu nhiều, lợi cho nông dân chẳng bao nhiêu
Theo nhận định của giới chuyên gia, trong hơn 20 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được khá nhiều thành tựu. Từ một nước phải nhập khẩu nhiều mặt hàng, Việt Nam đến nay đã trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản, trong đó nhiều mặt hàng đứng vị trí hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều, chè, thủy sản... Đặc biệt, nông nghiệp là ngành duy nhất xuất siêu, góp phần ổn định cán cân thương mại đồng thời, sự phát triển vượt bậc của ngành này cũng đang giúp Việt Nam đảm bảo được vấn đề an ninh lương thực.
Tuy nhiên, vẫn cần phải thừa nhận, là nước có kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản trong top đầu thế giới, song người nông dân lại là đối tượng cuộc sống rất bấp bên. Điệp khúc "được mùa mất giá, mất mùa được giá”; "trồng-chặt” luôn đeo bám cuộc sống của người nông dân... Nhiều mặt hàng nông sản tăng sản lượng hàng năm, song gần như không tăng lợi nhuận.
Tại diễn đàn, giới chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên, song nguyên nhân cốt lõi chính là chưa tạo dựng được thị trường của riêng mình. Các công đoạn tạo nên giá trị gia tăng cao nhất trong chuỗi giá trị nông sản hầu như đều nằm ở ngoài lãnh thổ Việt Nam như chế biến, phân phối, trong khi các công đoạn trong nước đều tạo ra giá trị gia tăng thấp, nhất là khâu sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu cũng thừa nhận trong những năm gần đây, tăng trưởng và năng suất của ngành nông nghiệp đang có xu hướng chững lại. Hiện năng suất lao động của ngành nông nghiệp chỉ bằng 1/3 so với bình quân năng suất chung của cả nước.
Cùng với đó, chuỗi giá trị nhiều ngành hàng còn yếu kém, chất lượng nông sản chưa đảm bảo. 70% dân số Việt Nam đang sống dựa vào cây lúa. Và hạt gạo cũng đã mang lại những giá trị kinh tế cao cho Việt Nam, thể hiện ở việc ngành này mỗi năm mang lại cho nền kinh tế Việt Nam khoảng 2-3 tỷ USD từ kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra hiện nay là xuất khẩu gạo đang có xu hướng sụt giảm.
Gỡ "mớ bòng bong”
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Trung Kiên, Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp, sở dĩ ngành lúa gạo của ta vẫn còn những tồn tại như hiện nay là bởi, từ khâu đầu vào cho đến khâu sản xuất, sau thu hoạch và cuối cùng là khâu chế biến chúng ta đều đang thực hiện một cách manh mún, nhiều tầng nhiều lớp, không thành một chuỗi khép kín. Trong khi đó, khâu chế biến cũng sử dụng công nghệ lạc hậu, thiếu công nghệ câu nghệ cao để chế biến theo hướng tinh, sâu… nên tất yếu dẫn đến giá trị hạt gạo xuất khẩu thấp.
Có lẽ, đây là lý do chính khiến suốt thời gian dài vừa qua, gạo của ta xuất khẩu nhiều song về chất lượng vẫn phải xếp hàng sau Thái Lan, Ấn Độ… Thực tế, không chỉ ngành gạo mà hầu như mọi sản phẩm nông sản của Việt Nam đều đang vướng vào "mớ bòng bong” này. Chính việc sản xuất theo lối tư duy nhỏ lẻ, "ăn xổi” của các DN cũng như người nông dân đang khiến những sản phẩm thế mạnh dần mất đi chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Điều này được thể hiện rõ ràng ở sự sụt giảm về cả lượng và
giá đối với các mặt hàng được coi là "mũi nhọn” trong xuất khẩu của Việt
Nam thời gian qua như chè, cà phê, tôm, cá tra…
Bởi vậy, theo nhận định của giới chuyên gia, liên kết chuỗi trong cung ứng là con đường tất yếu làm cho sản xuất và tiêu thụ ổn định, từng bước nâng cao chất lượng và uy tín của các sản phẩm nông sản.
Đây sẽ là yếu tố quan trọng góp phần làm tăng năng lực cạnh tranh của nông sản, cải thiện thu nhập của nông dân và đảm bảo sự phát triển bền vững của sản xuất nông nghiệp. Và muốn thực hiện được điều này, ngoài sự nỗ lực của bản thân các DN, người dân tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, thì vai trò của Nhà nước trong việc định hướng xây dựng và triển khai các chuỗi liên kết cung ứng cũng vô cùng quan trọng.
Nhà nước cần đưa ra một chiến lược dài hạn để phát triển bền vững trong mối tương quan lợi ích của DN với người sản xuất và rộng hơn là sự cạnh tranh các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam trên tất cả các thị trường.
Từ chiến lược
này, xây dựng một hệ thống chính sách đầy đủ, đồng bộ và khả thi bao gồm các vấn
đề như: đất đai, quy mô sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng khoa học công
nghệ, khuyến nông, ưu đãi đầu tư…, cũng như những biện pháp đảm bảo hạn chế được
sự đơn phương phá vỡ hợp đồng đã ký kết trong các mối liên kết… Có như vậy, những
mô hình liên kết cung ứng nông sản mới có thể bền vững.
Theo Duy Phương