Khi doanh nghiệp bội tín
Một DN hô hào nông dân bỏ luồng, bỏ cây trồng màu chuyển đổi sang trồng mía, đạt mục đích xong là bội tín khiến những người tham gia lâm nợ, khốn khó trăm bề!
Nói một đằng làm một nẻo!
Mặc dù hợp đồng yêu cầu các hộ dân phải trồng và bán mía cho Cty CP đầu tư phát triển Lam Sơn – Bá Thước (Cty Lam Sơn – Bá Thước) liên tục từ 3 - 5 vụ.
Tuy nhiên, ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên, Cty này thẳng tay trừ hết tiền nợ đầu tư ban đầu không theo chính sách hỗ trợ đã ghi (thu trong 2 năm) khiến nông dân lâm vào cảnh nợ nần, thiếu vốn tái sản xuất.
Nợ ngập đầu vì mía
Cty Lam Sơn - Bá Thước, đóng tại thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước, là Cty con của Cty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco), đóng tại huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa.
Sau khi thành lập (tháng 3/2011) Cty này cử cán bộ phụ trách địa bàn tuyên truyền, vận động người dân 17 xã thuộc huyện Bá Thước chuyển đổi các diện tích đất trồng luồng và cây màu kém hiệu quả sang trồng mía phục vụ sản xuất đường của nhà máy.
Niên vụ đầu tiên (2011-2012) có 300 hộ dân tham gia trồng 140 ha mía; niên vụ 2012-2013 số hộ tham gia tăng lên 1.225 với 1.105 ha (trong đó, 800 ha chuyển đổi từ rừng luồng và 305 ha chuyển từ các cây trồng khác); đến niên vụ 2013-2014 diện tích đạt 1.365 ha với 1.250 hộ tham gia nhưng đến niên vụ này (2014-2015) diện tích giảm xuống còn 1.100 ha với 850 hộ.
Nguyên nhân khiến diện tích mía giảm là do thiếu vốn tái đầu tư; năng suất, chữ đường thấp, nông dân càng làm mía càng nợ đầm đìa.
Anh Dương Đình Chung, thôn Trung Dương, xã Lương Trung (Bá Thước), người đại diện ký hợp đồng trồng mía cho 6 hộ dân trong thôn nói: “Cty Lam Sơn - Bá Thước yêu cầu chúng tôi trồng và bán mía cho họ liên tục 3-5 vụ nhưng mới thu hoạch vụ đầu họ trừ tất tần tật nợ đầu tư thì chúng tôi lấy đâu ra tiền tái sản xuất nữa. Bán mía xong không những hết tiền đầu tư mà còn nợ mấy chục triệu bạc”.
Theo hợp đồng số 52 – HĐ/LS-BT, ký ngày 4/1/2011 giữa Cty và anh Chung, thì các hộ dân trong hợp đồng này có nhiệm vụ trồng 26 ha và cam kết bán mía từ 3-5 vụ cho Cty nhưng vừa đến vụ thu hoạch mía (cuối năm 2012) toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu Cty hỗ trợ đều bị khấu trừ hết nên vụ mía 2012-2013 người dân không còn tiền để tái đầu tư, năng suất sụt giảm, người dân thua lỗ trầm trọng, hộ ít nợ dăm bảy triệu, hộ nhiều lên đến cả mấy chục triệu đồng.
Anh Chung bức xúc vì cách nói một đằng làm một nẻo của Cty Lam Sơn - Bá Thước
Anh Chung cho hay, tháng 10/2011 nhận thấy các chính sách hỗ trợ trồng mía của Cty Lam Sơn – Bá Thước mở ra hướng làm ăn mới cho đồng bào dân tộc nên anh chuyển đổi 15 ha đất trồng ngô; 4 ha luồng và 1 ha đất đồi trọc sang trồng mía.
Niên vụ 2011-2012, 20 ha mía trên được Cty hỗ trợ các khoản đầu tư ban đầu gồm: làm đất 7,9 triệu; giống 13 triệu; phân bón 15,6 triệu; thuốc BVTV, công chăm sóc 6 triệu; thu hoạch 7 triệu; vôi 2 triệu đồng. Cuối vụ thu được 1.400 tấn mía x 700.000đ/tấn = 980 triệu đồng.
“Với số tiền bán mía trên nếu Cty Lam Sơn – Bá Thước chỉ trừ nợ 50% theo đúng chính sách mà ông Lê Văn Tam (Chủ tịch HĐQT Lasuco – PV) ký thì tôi thoải mái vốn tái đầu tư trở lại. Thế nhưng Cty thẳng tay trừ nợ hết toàn bộ nên năm ấy không những không được sờ đến đồng tiền nào mà tôi còn ôm một cục nợ hơn 50 triệu đồng”, anh Chung nói.
Cũng theo anh Chung, hiện anh còn nợ Cty phân bón Lam Sơn và tiền làm đất vụ mía 2014-2015 gần 290 triệu đồng. “Tôi lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan rồi. Giờ tiền vay đổ vào mía đã quá nhiều, trong khi các chính sách ban đầu Cty hứa hỗ trợ thì không thấy đâu. Cách nói một đằng làm một nẻo thế này chẳng khác gì lừa dân”, anh Chung bức xúc.
Ấm ức hơn anh Chung, hộ chị Trương Thị Phượng, thôn Xê Nống, xã Điền Quang (Bá Thước), mặc dù làm mía năng suất cao, trừ chi phí đầu tư còn lãi gần chục triệu đồng nhưng vì trong hợp đồng còn nhiều hộ nợ Cty nên số tiền lãi của chị cũng bị Cty gạt sang trừ nợ của các hộ khác.
Chị Phượng than: “Hơn 2 năm làm mía tiền lãi không được nhận lại còn nợ thêm 50 triệu tiền ngân hàng. Biết thế này để 15 sào luồng lại mỗi năm thu vài chục triệu ít ra còn có cái mà xoay xở trong gia đình”.
Theo lời chị Phượng, niên vụ 2011-2012 tiền thu hoạch mía của gia đình chị vừa đủ trả nợ đầu tư ban đầu cho Cty, đến vụ 2012-2013 nhờ đầu tư chăm sóc tốt nên 15 sào mía cho sản lượng hơn 20 tấn, tổng thu trên 17 triệu đồng, sau khi trả nợ chi phí đầu tư cho Cty chị còn lãi trên dưới 10 triệu đồng. Thế nhưng đã hơn 6 tháng trôi qua kể từ ngày thu hoạch chị vẫn chưa nhận được tiền.
Mất bò vì chi cho mía
Trường hợp anh Chung, chị Phượng đang còn chạy vạy vay mượn trang trải chi phí đầu tư trồng mía được chứ như hộ anh Hà Văn Toán, thôn Vền, xã Điền Quang thì tình cảnh thực sự bi đát.
Anh Toán có 20 sào đất trồng luồng (3 mảnh), sau khi tiếp nhận chủ trương chuyển đổi, năm 2013 anh cũng liều theo bà con trồng mía với mong muốn có thêm thu nhập.
Các chi phí đầu tư như khai hoang, làm đất; giống; phân bón; thuốc BVTV anh được Cty cho ứng trước để đầu tư. Đến kỳ chăm sóc mía, vì trong nhà không có lao động nên anh phải bán cặp bò sinh sản được dự án hỗ trợ để lấy tiền thuê người làm cỏ, phun thuốc.
Cây mía không giúp hộ anh Toán và chị Phượng giàu lên mà kéo họ lâm vào cảnh nợ nần
“Bán bò được 35 triệu thì tôi chi hết 18 triệu cho mía, số tiền còn lại tôi vay thêm để mua con trâu. Vụ thu hoạch đầu năm nay không ứng được tiền tôi lại phải lấy thêm 8 triệu tiền đi làm thuê ngoài Hà Nội để thuê người chặt, bốc mía cho kịp thời vụ. Vậy mà bán mía xong Cty trừ nợ hết sạch. Giờ tôi vẫn đang âm tiền cày đất tới 14 triệu, không biết bao giờ mới trả được”, anh Toán lo lắng.
Một chủ hợp đồng khác cùng xã Điền Quang xin được giấu tên thì bán luôn cả xe máy để lấy tiền trả tiền công bốc mía cho lao động.
“Năm ngoái tiền bán mía bị Cty trừ nợ hết tôi không có tiền trả cho lao động đành phải bán lỗ cái xe Sirius mới mua để chi trả. Còn tiền nợ ngân hàng, nợ anh em bạn bè thì nhiều lắm”, chủ hợp đồng này nói.
Cũng theo chủ hợp đồng này, năm 2011 anh chuyển đổi đất sang trồng 10 ha mía. Cty Lam Sơn – Bá Thước hỗ trợ đầu tư ban đầu về làm đất, phân bón, giống, thuốc BVTV, đến tháng 11/2012 thu hoạch vụ đầu tiên được 500 tấn x 600.000đ/tấn = 300 triệu, sau khi trừ chi phí đầu tư (khoảng 460 triệu) anh còn âm 160 triệu.
Đến vụ mía năm 2012-2013, anh bán được 480 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư còn lãi mấy chục triệu nhưng vì bị Cty gạt sang trừ nợ của các hộ khác trong hợp đồng nên gia đình anh phải chuyển 5,5 ha mía sang trồng sắn. “Cuối năm nay bán được sắn tôi mới lấy tiền trồng mía trở lại”, chủ hợp đồng này nói.
Hợp đồng yêu cầu người dân phải trồng và bán mía cho Cty 3-5 vụ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài các hộ dân trên còn có hàng trăm hộ khác ở các xã Điền Quang, Điền Lư, Lương Trung… lâm vào cảnh bi đát vì cách thu hồi nợ của Cty Lam Sơn – Bá Thước.
Theo Thanh Nga