MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi hiện đại chưa đi cùng hiện tại

10-03-2014 - 16:14 PM |

Mong muốn xây dựng một sàn giao dịch hàng hóa hiện đại, nhưng Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột chưa chứng minh được lợi ích với khách hàng.

Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC), tỉnh Đăk Lăk được khánh thành và hoạt động đã lâu, nhưng giao dịch mua bán tại cái chợ hiện đại này đến nay vẫn còn thưa thớt, vắng vẻ. Lượng cà phê giao dịch tại BCEC hiện có ngày chỉ được 5 tấn, tương đương 125 triệu đồng. Một sàn giao dịch hiện đại được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng, nhưng hoạt động không bằng một đại lý mua bán cà phê ở huyện.

Rõ ràng đó là điều khó lý giải với nhiều người. Khỏi phải nói cái lợi của việc tham gia mua bán qua trung tâm giao dịch hiện đại như của BCEC. Đáng lẽ, thông qua đây, hộ gia đình và DN sản xuất kinh doanh mặt hàng xuất khẩu này sẽ đảm bảo giao dịch theo đúng tín hiệu thị trường, không bị hớ về giá. Vì BCEC đã được liên thông với thị trường cà phê thế giới, việc mua bán được thực hiện bằng phương thức giao dịch đấu giá khớp lệnh công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, BCEC hiện lại thiếu thành viên đăng ký vào mua bán. Cho đến nay, mới có vài chục thành viên là hộ kinh doanh cà phê hoặc đại lý, còn lại rất ít DN tham gia. Chỉ tính riêng ở Đăk Lăk, trong hơn 140 DN đang hoạt động mới có vài chục DN đăng ký thành viên. Lý do hộ làm cà phê chưa mặn mà với BCEC vì bán ngay cho thương lái tại vườn, hay cho đại lý tại địa bàn tiện hơn. Thương lái mua xô, trả tiền mặt ngay.

Các DN chưa vào sàn vì họ đã có cả hệ thống mạng lưới thu mua, kho bãi và mối tiêu thụ riêng hoạt động khá hiệu quả. Dù vẫn biết tập trung mua bán tại sàn theo phương thức hiện đại sẽ cập nhật được giá cả, nhanh, nhiều, tiện lợi hơn… nhưng phần vì do thói quen đã cố hữu, phần do còn quá xa lạ với “luật chơi” ở sàn hiện đại không ít thành viên thị trường vẫn ngại ngần.

Để cà phê Việt Nam vào sàn hội nhập với thế giới hiện đại, phía BCEC rất cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích trước mắt và lâu dài của việc mua bán tiên tiến này. Bên cạnh đó, rất quan trọng là việc đổi mới cách thức giao dịch sao cho phù hợp với thực tế Việt Nam.

Điều này không phải các lãnh đạo của BCEC không biết. Nhiều giải pháp đã được đề ra và thực hiện, như từ quy định lượng giao dịch mỗi lô (lot) 5 tấn lúc đầu, trung tâm đã rút xuống còn 1 tấn để hợp với quy mô sản suất của nông dân; trước chỉ giao dịch một phiên buổi sáng, giờ thêm phiên buổi chiều. Đặc biệt là việc BCEC tổ chức vận chuyển, phối hợp với Techcombank, ngân hàng ủy thác thanh toán tại sàn, hỗ trợ cho tạm ứng vốn đối với những lô cà phê còn lưu kho chưa bán được…

Có phù hợp thì hoạt động của BCEC mới đạt hiệu quả. Còn nếu hiện đại không đồng bộ với hiện tại, tức là khi quan hệ lợi ích còn bất cập, thì hàng chục tỷ đồng bỏ ra xây dựng Trung tâm giao dịch cà phê sẽ không tránh khỏi lãng phí, thiệt hại… Đó là đề bài mà BCEC phải giải và phải đảm bảo kết quả là tích cực nhất cho các thành viên thị trường, trước khi tính đến chuyện đạt mục tiêu kiến thiết mô hình giao dịch theo chuẩn thế giới, liên thông quốc tế nhằm định vị vai trò nhà cung cấp lớn của nông sản Việt Nam.

Theo Ama Linh

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên