Khơi thông thị trường vải thiều
Mặc dù thời tiết không thuận lợi cho việc ra hoa kết trái, song sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang vẫn ước đạt 140.000 tấn quả tươi.
UBND tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức Hội nghị bàn biện pháp tiêu thụ trong mùa vải thiều 2013.
Hỗ trợ tiêu thụ
Năm 2013, mặc dù thời tiết không thuận lợi cho việc ra hoa kết trái, song sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang vẫn ước đạt 140.000 tấn quả tươi. Một số huyện có sản lượng lớn là Lục Ngạn 70.000 tấn, Lục Nam 36.000 tấn… Dự kiến, thời gian thu hoạch vải sớm từ ngày 20/5 đến ngày 20/6, vải chính vụ từ ngày 15/6 đến ngày 20/7.
Tại huyện Lục Ngạn - địa phương trọng điểm về vải thiều - đã sớm thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ tiêu thụ vải thiều. Đồng thời, UBND huyện quyết định trích 520 triệu đồng từ ngân sách địa phương cho công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại (XTTM) tiêu thụ.
Ông Bùi Văn Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - cho biết, trong định hướng tiêu thụ năm nay, khoảng 60% sản lượng tiêu thụ nội địa và 40% xuất khẩu (XK). Theo đó, thị trường nội địa là kênh phân phối quan trọng, là thị trường tiềm năng, cần được khai thác tốt hơn. Hiện tại, Sở Công Thương đã tổ chức các đoàn xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại các tỉnh, thành phố lớn; mở rộng tiêu thụ theo tiêu chuẩn VietGap vào hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị và các chợ đầu mối hoa quả tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh …
UBND tỉnh còn chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngân hàng cùng các huyện có liên quan tập trung nghiên cứu và dự báo sản lượng tiêu thụ cho các thị trường, kịp thời cung cấp thông tin để các doanh nghiệp (DN), thương nhân chủ động điều tiết nguồn cung và giá cả, bảo đảm tốt cho thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều.
Mở lối chính ngạch
cho quả vải
Ông Trần Văn Lộc - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang - chia sẻ, năm nay, sẽ có khoảng 56 nghìn tấn vải thiều được XK. Tại thời điểm này, Trung Quốc là thị trường XK truyền thống quan trọng của vải thiều Bắc Giang, chiếm khoảng 95% tổng sản lượng. Nhưng thị trường này cũng tiềm ẩn một số rủi ro, bởi XK tiểu ngạch là chính. Thêm vào đó, vải thiều Bắc Giang xuất qua cửa khẩu Lào Cai phải tuân thủ một số yêu cầu về bao gói, nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng. Vì vậy, việc phối hợp giữa Bắc Giang với các tỉnh biên giới sẽ được tăng cường.
Đối với các rào cản về kiểm định hàng hóa của phía Trung Quốc, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tuyên truyền, phổ biến các quy định về kiểm dịch và kiểm nghiệm hoa quả nhập khẩu, cách bao gói, đóng hộp đến các thương nhân, DN tham gia tiêu thụ vải thiều. Khuyến khích các DN, thương nhân XK qua đường chính ngạch, nhất là qua cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai)...
Theo ông Lê Xuân Dương - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ XK (Cục XTTM, Bộ Công Thương), Bắc Giang phải quan tâm đến công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu vải thiều. Điều quan trọng nhất là phải xây dựng đại lý, hệ thống tiêu thụ đồng bộ tại Trung Quốc, hạn chế dần việc bán hàng qua biên giới, để vải thiều trở thành mặt hàng XK chính ngạch, bền vững. Trung tâm hỗ trợ XK - Cục XTTM sẵn sàng hỗ trợ tổ chức cho DN vải thiều tham gia vào hoạt động này.
Ông Bùi Văn Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - khẳng định, sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của các tỉnh biên giới có cửa khẩu với Trung Quốc để nghiên cứu, nắm bắt diễn biến, dự báo tình hình thị trường và các chính sách mới từ phía nước bạn trong việc nhập khẩu hàng nông sản, vải thiều... Hỗ trợ quảng bá sản phẩm vải thiều Bắc Giang trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong công tác XTTM tại thị trường Trung Quốc.
Theo Lan Anh