Không còn nhiều tiêu trữ trong dân
Vừa qua, có thông tin nông dân trồng tiêu đang trữ tiêu quá nhiều chờ giá cao. Tuy nhiên thực tế cho thấy đến thời điểm này, nông dân trồng tiêu đã bán đi khá nhiều. Lượng tiêu do dân trữ lại không còn nhiều.
- 06-08-2015Tiếp tục lên cơn sốt trồng tiêu
- 29-11-2014Nông dân lại đổ xô trồng tiêu
- 24-11-2014"Người nông dân trồng tiêu Việt Nam đang thắng lớn"
Nông dân đã bán ra nhiều
Ông Trần Hữu Thắng, Chủ nhiệm Liên hiệp CLB tiêu năng suất cao (ấp Phước Lộc, xã Xuân Thọ, Xuân Lộc, Đồng Nai) cho biết, hầu hết trồng tiêu ở khu vực này, kể cả những người có điều kiện kinh tế tốt và am hiểu thị trường tiêu, trong thời gian qua đã bán ra khá nhiều. Vì vậy, đến thời điểm này, lượng tiêu do nông dân trữ lại chỉ còn khá ít. Có chăng chỉ các đại lý thu mua tiêu, doanh nghiệp kinh doanh tiêu ở trong vùng là còn trữ nhiều tiêu.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho hay, ở huyện này, lượng tiêu còn trữ trong dân cũng rất ít. Nguyên nhân do niên vụ tiêu vừa rồi bị mất mùa, sản lượng không nhiều. Cách đây không lâu, khi giá tiêu lên ở mức 230.000 đ/kg là mức rất cao, nông dân đã bán ra khá nhiều.
Bà Nguyễn Mai Oanh, Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng cho rằng lượng tiêu trữ trong dân không còn nhiều. Bằng chứng là đến nay, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đã có khoảng 100.000 tấn hạt tiêu được xuất khẩu. Niên vụ vừa qua, Việt Nam không trúng mùa tiêu, sản lượng chỉ vào khoảng 130.000 tấn.
Vì thế, nhiều lắm trong các doanh nghiệp và trong dân, hiện chỉ còn khoảng 30.000 tấn tiêu. Vài tháng trước nông dân có trữ nhiều tiêu, bởi họ thấy năm ngoái, càng về cuối năm giá tiêu càng cao, nhưng rồi cũng đã bán ra nhiều.
Có hộ từng trữ tới 40 tấn tiêu trong kho, đến giờ cũng đã bán. Tất nhiên vẫn còn một số ít hộ còn trữ nhiều tiêu, khoảng 5-10 tấn/hộ. Nhưng những hộ này đều vào dạng đã trồng tiêu hàng chục năm trời, đã trải qua nhiều kinh nghiệm xương máu về đầu ra, nên không đáng lo ngại. Vả lại, đến đầu tháng 12 là sẽ vào vụ tiêu mới. Vì thế, những hộ còn trữ tiêu, cùng lắm sẽ chỉ trữ đến tháng 11 là bán đi.
Giá vẫn tốt đến cuối năm
Hiện tại, giá tiêu mà nông dân bán ra vẫn đang ở mức cao. Ông Trần Hữu Thắng cho biết, giá tiêu đen ở Xuân Lộc hiện đang ở mức 225.000 đ/kg. Theo ông Hoàng Phước Bính, giá tiêu đen ở Chư Sê mà nông dân bán được hiện vào khoảng 205.000-210.000 đ/kg.
Đặc biệt, do nhu cầu tăng cao trên thị trường thế giới nên giá tiêu xuất khẩu đang ở mức cao chưa từng thấy. Theo bà Nguyễn Mai Oanh, giá hạt tiêu đen xuất khẩu hiện đang ở mức 9.300-9.700USD/tấn. Từ nay đến cuối năm, giá tiêu xuất khẩu dự báo sẽ không giảm mà còn có thể tăng lên nữa, bởi giá tiêu đen mà loại 550-570 g/lit mà Ấn Độ bán ra hiện đã ở mức trên 10.000 USD/tấn.
Mặt khác, Việt Nam có thế mạnh về hạt tiêu dung trọng lớn cỡ 550 g/lit (là loại tiêu có giá cả ổn định ở mức cao), trong khi ở các nước trồng tiêu lớn khác, dung trọng phổ biến ở mức 450-500 g/lit. Điều đáng tiếc với hạt tiêu Việt Nam là hiện vẫn đang được xuất khẩu phổ biến theo hình thức không đảm bảo về mặt chất lượng, bởi thực trạng lạm dụng thuốc BVTV trong canh tác tiêu. Mà nếu xuất khẩu được theo dạng đảm bảo chất lượng, giá tiêu Việt Nam có thể còn cao hơn 10-15% so với hiện nay.
Đến nay, đã có một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nhà máy chế biết tiêu để có thể xuất khẩu tiêu đảm bảo không có dư lượng thuốc BVTV, nhưng lượng tiêu như thế này hãy còn khá ít so với tổng lượng tiêu xuất khẩu.
Do giá xuất khẩu vẫn đang quá tốt, nên giá tiêu trong nước sẽ được giữ ở mức cao cho đến hết năm nay. Tuy nhiên, giá tiêu sang năm nhiều khả năng khó giữ được ở mức cao như hiện tại. Bởi ở các địa phương trồng tiêu, do trong nhiều năm qua, giá tiêu luôn ở mức hấp dẫn, nên diện tích trồng tiêu đã tăng lên khá nhiều. Bên cạnh đó, những khó khăn của các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su…, cũng góp phần làm gia tăng diện tích trồng tiêu.
Ông Hoàng Phước Bính lý giải: “Cà phê hiện giờ chỉ quanh quẩn ở mức giá không cao là 35.000-36.000 đ/kg, cao su thì chết lên chết xuống. Đất trồng cà phê, cao su hoàn toàn có thể trồng tiêu. Vì thế, nhiều nông dân đã chuyển từ cà phê, cao su sang tiêu, hoặc tận dụng vườn cao su làm nọc để trồng xen tiêu trong đó”.
Nông nghiệp Việt Nam