“Không phải cứ bỏ tiền ra là giải quyết được vấn đề”
Liên quan đến bài "Đổi chất cho cà phê Tây Nguyên", từ góc nhìn của một độc giả, độc giả Nguyễn Thị Hường đã gửi tới chúng tôi ý kiến đóng góp rất thiết thực.
- 04-05-2014Đổi chất cho cà phê Tây Nguyên
Chúng tôi xin đăng tải nguyên văn ý kiến đóng góp để độc giả cùng tham khảo.
Mừng và cực kỳ hoan nghênh Thống đốc Bình vì đã "sát sườn" với nhu cầu thiết yếu của người nông dân - một bộ phận không nhỏ của nền kinh tế khi quyết định dành 12.000 tỷ đồng để phục vụ cho vay tái canh cây cà phê với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường, thời hạn cho vay phù hợp với một chu kỳ tái canh cà phê (khoảng từ 3-5 năm), thậm chí lên tới 5-7 năm.
Tuy nhiên, đúng như điều Thống đốc “trăn trở” là nguồn vốn đã sẵn sàng nhưng việc giải ngân còn phụ thuộc nhiều Bộ, ngành địa phương và "Các bộ chuyên ngành và địa phương cần chỉ ra nơi để giải ngân"- đó là cái lo. Lo bởi "quăng" một cục tiền đấy, nếu không phù hợp, nơi cần thì không có, nơi chưa cần thì có - sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy mà dễ thấy nhất là lãng phí.
Nơi thủ phủ cà phê - mặt hàng chủ lực góp phần vào kim ngạch xuất khẩu của nước nhà nhưng đang đứng trước nguy cơ hơn 20% diện tích cà phê trên 20 năm tuổi cần thay thế và khoảng 10% (40 nghìn ha) cà phê dưới 20 tuổi nhưng đã có biểu hiện già cỗi cho năng suất và chất lượng thấp.
Theo tính chất cây cà phê, để tái canh cây cà phê thì người dân phải chặt bỏ cây già cỗi và không được trồng lại ngay mà phải trồng các cây trồng khác ngắn hạn trong thời gian từ 1-2 năm. Giai đoạn từ khi trồng cho đến khi cây cà phê cho thu hoạch mất khoảng 2-3 năm, như vậy toàn bộ thời gian từ 3-5 năm. Vậy hai vấn đề đặt ra, một là làm sao để phân bổ vốn hợp lý, hai là có biện pháp thay thế trong thời gian 3 - 5 năm tái canh cà phê?
Vì vậy, vấn đề ở đây không phải là cứ bỏ tiền ra và cứ mình Thống đốc Bình trăn trở, mà cần sự bắt tay của các Bộ, ngành liên quan như nông nghiệp, kỹ thuật để có các hướng đi phù hợp.
Ví dụ như trong thời gian mới chặt cà phê già, phải trồng cây khác thì có loại cây nào phù hợp, để giảm bớt gánh nặng lãi vay trong quá trình tái canh cho nông dân? Có thể là cây ngắn ngày, nhưng cũng có thể thu hoạch sau 1 - 2 năm, để đến khi cây cà phê mới chưa kịp cho thu hoạch thì vẫn bù đắp được phần nào cho nông dân.
Ngoài ra, hiện nay cũng có một vài nơi có những biện pháp xen canh tiêu - cà phê, bơ - cà phê. Cần được nghiên cứu và hiện thực hóa. Có như thế thì đời sống người nông dân mới được cải thiện, để 12.000 tỷ kia mới được dùng hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích nhất cho xã hội.
Nguyễn Thị Hường