MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiếm bạc triệu từ nghề mót cà phê

22-12-2014 - 21:18 PM |

Hiện bà con ở Tây Nguyên đã bước vào giai đoạn cuối mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2014-2015. Tuy năng suất có giảm nhưng điều đáng mừng là cà phê năm nay đang được giá. Điều này khiến nhiều người dân đổ xô đi mót cà phê...

Thường thì khi chủ vườn thu hoạch xong cà phê (rửa bạt) thì đó là lúc xuất hiện người đi mót cà phê. Khác với những năm trước, năm nay số lượng người đi mót cà phê tăng gấp nhiều lần, bởi giá cà phê nhân tăng cao, lên mức 40 - 41 ngàn đồng/kg (tăng 10 đến 15 ngàn đồng/kg so với năm ngoái). 

Là người làm nghề mót cà phê, chị Nông Thị Nở, xã Ea Wy, huyện Cư Kuin, tinh Đăk Lăk chia sẻ: “Vốn làm nghề nông chỉ trông chờ vào mấy sào lúa không đủ ăn. Năm nay thấy giá cà phê cao, tranh thủ lúc rảnh rỗi tôi sang các xã lân cận xem hộ nào thu hoạch cà phê xong thì xin vào vườn mót lại những quả rơi rụng và những quả còn sót trên cây.
 
Nếu đi từ sáng sớm đến chiều muộn, trung bình mỗi ngày tôi mót được từ 20 - 25 kg quả tươi. Giá mỗi kg tươi được các đại lý thu mua là 9 ngàn đồng. Như vậy một ngày tôi kiếm được khoảng 200 đến 250 ngàn đồng”. 

Cũng giống như chị Nở, chị H’Lanh, ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn cũng “hành nghề” mót cà phê. Bởi trước mắt nghề này đang mang lại thu nhập tương đối cho chị. Chị H’Lanh cho biết: “Nhà tôi có 3 sào cà phê đã thu hoạch xong, tranh thủ lúc nông nhàn, tôi theo các chị em đi vào các rẫy khác mót lại. 

Từ đầu vụ tới nay tôi cũng mót được khoảng 50 kg cà phê nhân rồi”. “Những năm trước nghề đi mót cà phê thường chỉ thu hút những người không có việc làm, nghèo khổ, năm nay số lượng người đi mót cà phê tăng gấp nhiều lần. Đáng chú ý là thành phần người đi mót không chỉ có riêng chị em phụ nữ, thanh niên, trung niên mà còn thu hút cả những em nhỏ, bởi đây là nghề đơn giản, nhẹ nhàng…”. Đó là nhận xét của ông Bùi Văn Phúc - chủ vườn cà phê, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk. 
Ông Lê Văn Hải, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn khẳng định: “Việc cho những người đi mót cà phê tuy có cái lợi, nhưng thời gian qua có nhiều người lợi dụng việc này để hái trộm cà phê của các hộ khác chưa thu hoạch. Do vậy tốt nhất là chúng tôi cấm không cho vào vườn mót là tốt nhất”. 


Việc đi mót cà phê kể ra cũng là việc làm tốt, bởi mang lại thu nhập cho những người rảnh rỗi, chống lãng phí… Đây còn là việc làm giúp cho vườn cà phê thêm sạch sẽ hơn, hạn chế mầm sâu bệnh lưu lại trong quả từ vụ này sang vụ khác. 

Tuy nhiên, đây cũng là nghề đã và đang để lại những dị nghị, phiền toái. Do có thu nhập đáng kể, nhiều người tham gia nên dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt, thậm chí đánh chửi lẫn nhau để giành địa bàn mót cà phê... Là người chuyên đi mót cà phê, chị Lê Thị Tâm ở xã Hoà Đông, huyện Kông Păc tâm sự: “Đi mót cà phê tưởng như đơn giản,song việc này đôi khi cũng hết sức phức tạp. 

Tôi đã bị một thanh niên tát cảnh cáo và tuyên bố đây là địa bàn của anh ta. Từ đó tôi phải thận trọng hơn khi tìm nơi mót cà phê”. Không chỉ vậy, nghề đi mót cà phê còn mang lại không ít phiền toái cho người dân. Bởi chủ vườn đang phải đề phòng nạn trộm cắp cà phê, gây ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh trật tự tại địa phương. Do vậy nhiều chủ vườn cà phê hoài nghi, đề phòng chính những người này.


Theo Văn Thanh

thamht

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên