Lâm nạn vì “quên” quản lý giá sàn xuất khẩu
Ngành gạo đang lao đao, nông dân vẫn bán lúa với giá thấp bằng giá rơm và thấp hơn cả giá ốc bươu vàng.
- 01-07-2013Giá lúa bằng... giá rơm
Và chính doanh nghiệp (DN) ngành này cũng gặp khó vì lượng hợp đồng ít dần do nhu cầu từ thị trường giảm sút, giá trị xuất khẩu giảm vì phải bán giá thấp để cạnh tranh. Một trong những nguyên nhân gây nên thực trạng này, theo nhiều chuyên gia, chính là sự bất cập trong quản lý giá.
Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia về lúa gạo thuộc Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng với Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo do Chính phủ ban hành, ngành gạo có bộ ba giá cả. Thứ nhất là giá thành sản xuất của nông dân do Bộ Tài chính đưa ra nhưng thực chất chỉ mang tính tham khảo. Thứ hai là giá lúa định hướng, nghĩa là căn cứ vào giá thành sản xuất, định hướng ra mức giá như thế này. Cuối cùng là giá sàn xuất khẩu, đây là mức giá quan trọng quyết định đầu ra sản phẩm.
“Vấn đề ở chỗ giá sàn gạo xuất khẩu lại không được thực thi. Giá sàn gạo 5% tấm được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ấn định ở mức 410 USD/tấn có hiệu lực từ ngày 6-2-2013 nhưng không DN nào thực hiện. Tháng 4-2013, giá gạo xuất khẩu 5% tấm được các DN chào bán chỉ ở mức 385 USD/tấn. Nhiều DN cho biết có DN còn bán gạo với giá thấp hơn để tranh giành hợp đồng xuất khẩu. Thực tế đã chứng tỏ giá sàn có cũng như không, giá chào xuất khẩu của các DN không hề tuân theo quy định giá sàn” - ông Bích nói rõ.
Theo ông Bích, nếu không có cách quản lý điều chỉnh giá sàn gạo xuất khẩu hợp lý, nên chăng nghiên cứu sửa đổi Nghị định 109 phù hợp hơn. Hoặc nếu không áp dụng được thì cần xem xét quy định mới thay thế để điều tiết được thị trường gạo. Chứ để giá sàn có cũng như không thế này rất bất ổn và bất ổn sẽ còn kéo dài.
Trong khi đó, giá đầu vào thu mua cho nông dân lại được DN và các cơ quan liên quan tính toán từng đồng, từng cắc để “bảo đảm nông dân lãi 30%”.
Theo Minh Long