Lúa thơm cũng ùn ứ đầu ra
Tại thời điểm này, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ lúa phẩm cấp thấp bị ế ẩm, mà ngay cả lúa thơm trong dân hiện cũng đang ùn ứ đầy bồ, không có đầu ra.
- 05-06-2013Doanh nghiệp bán lỗ, nông dân khó có mức lãi 30%
- 05-06-2013Sẽ “ép” chỉ tiêu mua tạm trữ lúa gạo cho doanh nghiệp
- 05-06-2013Thủ tướng chỉ đạo mua tạm trữ 1 triệu tấn thóc gạo
Lúa chồng lúa
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ sở NNPTNT các tỉnh ĐBSCL, mặc dù thời gian tạm trữ vụ mùa đông xuân kết thúc đã hơn 2 tháng nay nhưng sản lượng lúa thơm hiện còn tồn đọng trong dân lên đến hàng nghìn tấn, bởi phần lớn doanh nghiệp chỉ mua lúa chất lượng thấp.
Ông Lê Văn Đời – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hậu Giang cho biết: “Hiện nay sản lượng lúa thơm vụ mùa đông xuân còn tồn đọng gần 1.000 tấn ở huyện Châu Thành A chưa thể tiêu thụ được, một phần do giá thấp chỉ dao động từ 5.800 – 5.900 đồng/kg. Trong khi vụ hè thu đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch rộ, đầu ra bấp bênh. Do vậy, cần giải quyết đầu ra càng sớm càng tốt, tránh xảy ra ùn ứ, sẽ gây thiệt cho dân”.
Lão nông Nguyễn Văn Quang ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, Hậu Giang lo lắng: “Vụ này tôi canh tác hơn 1,2ha lúa chuẩn bị thu hoạch nhưng năng suất không cao, cộng với giá thành hiện nay chỉ dao động từ 3.800-3.900 đồng/kg, lỗ là cái chắc. Vụ đông xuân vừa rồi được mùa, nhưng giá thấp nên lời chẳng bao nhiêu. Hiện gia đình tôi vẫn còn gần 5 tấn lúa thơm chưa bán được”.
“Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nên vụ đông xuân vừa rồi gia đình tôi sản xuất lúa thơm. Nào ngờ khi thu hoạch thương lái không chịu mua dù giá thấp, nên hàng tấn lúa thơm vẫn còn nằm đầy bồ, dẫn đến lúa chồng lúa” – lão nông Hai Thuận, ở Châu Thành A than vãn.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều nhà nông, trồng lúa chất lượng cao phải bỏ ra chi phí cao hơn và chịu nhiều rủi ro về sâu bệnh, dịch hại, nhưng khổ nhất là gian nan tìm đầu ra. Sau vụ đông xuân vừa rồi, nhiều bà con “làm liều” quay lại trồng lúa phẩm cấp thấp IR50404.
Gắn kết cánh đồng mẫu
lớn
Theo ông Trần Quang Củi – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, sản lượng lúa thơm tồn đọng trong dân trên địa bàn Kiên Giang hiện vẫn còn nhiều, chủ yếu là ở các nhà máy xay xát, những hộ nông dân khá giả. Số còn lại nhà nông phải chấp nhận bán giá thấp để xoay xở, trang trải chi phí sản xuất những vụ mùa tiếp theo. Đề nghị Chính phủ sớm có chủ trương giao mua tạm trữ cho địa phương.
Còn ông Đoàn Ngọc Phả - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang thì cho rằng: “Vấn đề chính là ở khâu đầu ra, Bộ NNPTNT phải có định hướng mạnh cắt giảm sản lượng, nhất là trong vụ 3. Phải khuyến cáo, có sự điều hành chung để đừng gây khổ thân cho nông dân”.
“Áp lực bán lúa của người nông dân hiện nay là rất lớn, vốn đầu tư chiếm khoảng 60% chi phí sản xuất. Sản xuất lúa thơm phải gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; phải kiểm tra giống, thử lẫn, đảm bảo độ lẫn dưới 10%. Song song đó, phải gắn kết với mô hình cánh đồng mẫu lớn để khắc phục tình trạng ù ứ đầu ra trong dân” - ông Phả đưa ra giải pháp.
TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng: “Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu được 7,6 triệu tấn gạo, cao nhất từ trước đến nay nhưng các nhà kinh tế rất phê phán vì chất lượng gạo thấp, xuất thô, không có thương hiệu, dẫn tới giá trị mang về thấp.
“Đáng lẽ doanh nghiệp phải có thị trường trước, từ đó cân đối một năm kế hoạch xuất bao nhiêu, trong đó phân ra bao nhiêu gạo đặc sản, gạo chất lượng cao, gạo trung bình rồi sẽ tiến hành thu mua trong dân. Nhưng hiện nay, ngành lúa gạo Việt Nam đi ngược lại, nông dân cứ trồng, khi có nhu cầu, thị trường thì doanh nghiệp mới mua” - TS Bảnh nói.
Theo Đức Khánh