Mỹ cấm dùng kháng sinh trong chăn nuôi
Trong trường hợp phải dùng kháng sinh điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm, cơ sở chăn nuôi phải có đơn của bác sĩ thú y.
Theo báo New York Times, giữa tuần rồi, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Mỹ (FDA) công bố kế hoạch cấm các cơ sở chăn nuôi dùng kháng sinh cho gia súc, gia cầm để thúc nhanh tăng trưởng, mục đích nhằm hạn chế tình trạng lờn kháng sinh ở người.
Trong trường hợp phải dùng kháng sinh điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm, cơ sở chăn nuôi phải có đơn của bác sĩ thú y. Các công ty dược được yêu cầu phải ghi rõ trên bao bì “Dùng kháng sinh cho gia súc là bất hợp pháp”. Các cơ sở chăn nuôi và các công ty dược có ba năm tới (2014-2016) để điều chỉnh hoạt động theo lệnh cấm. Lệnh cấm chính thức có hiệu lực sau đó.
Theo New York Times, đây là động thái mạnh đầu tiên của chính phủ trong hàng thập niên trong nỗ lực ngăn chặn sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Sở dĩ thế vì chính phủ đã chịu áp lực lớn khi số người chết vì lờn kháng sinh ngày càng tăng.
Kể từ khi được ra đời trong thế kỷ XX, bên cạnh chữa trị cho người, kháng sinh được dùng bừa bãi cho cả gia súc, gia cầm để chúng lớn nhanh. Đến thập niên 1970, ngành y tế Mỹ bắt đầu lo ngại khi thấy việc dùng kháng sinh bừa bãi này là một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng lờn kháng sinh ở người.
Tuy nhiên, những nỗ lực ngăn chặn của ngành y tế không thắng được sức mạnh vận động của ngành công nghiệp thực phẩm tại Quốc hội. Các cơ sở chăn nuôi tiêu thụ tới 80% lượng kháng sinh tại Mỹ. Trung bình ở Mỹ mỗi năm có khoảng 23.000 người chết mà nguyên nhân sâu xa là vì lờn kháng sinh, số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng, chống bệnh tật Mỹ (CDC).
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng điều khoản có thể dùng kháng sinh điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm dễ bị các cơ sở chăn nuôi luồn lách để vẫn dùng kháng sinh cho gia súc, gia cầm nhưng không phải để trị bệnh mà với mục đích tăng trưởng nhanh. Theo họ, để lệnh cấm có hiệu quả thì phải cấm tiệt dùng kháng sinh cho heo dù với mục đích nào.
Theo Thiên Ân