MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm hạn của mía đường

13-03-2014 - 19:11 PM |

Một năm 2014 với nhiều dự cảm không tốt đẹp hé lộ từ cuối năm 2013 đã dần dần thành hiện thực, đặt ngành đường Việt Nam vào thế bí: Thay đổi, hay chờ bị "bóp chết".

Trên thị trường thế giới, hiện giá đường thô giao tháng 3/2014 đã xuống mức 15,4 cent/lb– thấp nhất trong vòng 3,5 năm qua. Trong bối cảnh lượng đường được trợ giá có xuất xứ từ Ấn Độ sắp được tung ra, nhiều khả năng thị trường đường sẽ tồi tệ hơn, giá còn có thể xuống tới ngưỡng 14 cent/lb.

Hiện tại, giá đường ở nhiều quốc gia đã giảm xuống thấp hơn chi phí sản xuất. Chi phí sản xuất đường tại Brazil có thể đã lên tới khoảng 17 đến 18 cent/lb, cao hơn hẳn giá bán hiện tại trên thị trường. Các nhà phân tích quốc tế thậm chí còn khuyến nghị các nước sản xuất mía đường trên toàn cầu cần xem xét liệu có nên chuyển sang các loại cây trồng khác để giảm sản lượng mía đường của họ, bởi ngay cả những người nông dân ở Australia - một trong những quốc gia có năng suất mía cao nhất thế giới - cũng sẽ phải lo ngại nếu giá đường tiếp tục giảm.

Trong khi đó, năng suất kém gần nhất thế giới, giá thành cao, đường lậu ngập tràn, nông dân bỏ mía – là tình trạng ảm đạm của ngành đường trong nước.

Những phản ứng tiêu cực của Hiệp hội mía đường Việt Nam trước 30.000 tấn đường thô tạm nhập tái xuất mà Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) được phép bán cho Đường Biên Hòa không thể ngăn cản Chính Phủ ủng hộ doanh nghiệp này, cũng không thể ngăn chặn việc trong tương lai không xa, những con số lớn hơn 30.000 tấn sẽ còn về Việt Nam nhiều lần nữa.

Với năng lực sản xuất kém cỏi khiến giá thành cao ngất ngưởng như hiện nay, sau đây ngành mía đường Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn hơn, chứ không phải chỉ 30.000 tấn từ HAGL, đó là điều chắc chắn.

Thực tế vẫn diễn ra lâu nay, các công văn "kêu cứu" của Hiệp hội lên Ủy ban phòng chống buôn lậu quốc gia đã không thể khiến tình trạng đường lậu Thái Lan giá rẻ tràn như vũ bão qua biên giới phía Tây Nam, khiến đường sản xuất trong nước liên tục rơi vào tình trạng dồn ứ trong kho phải bán tháo giá rẻ cho thương nhân Trung Quốc. Những chỉ trích của lãnh đạo Bộ Công Thương về cung cách làm ăn chụp giật, trì trệ, nhũng nhiễu và lợi ích nhóm của ngành đường cũng không khiến cho tình trạng này giảm hơn.

Trong khi các ban ngành vẫn chỉ trích qua lại, cây mía và người nông dân đang thoi thóp từng ngày. Giá thành sản xuất mía năm nay khoảng 780 đồng/kg, nên người trồng mía cầm chắc lỗ 10-15 triệu đồng/héc ta. Sức chịu đựng có hạn, nên dọc các vùng mía trọng điểm ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Long An… người ta thi nhau chặt mía lấy đất nuôi tôm, trồng sương sáo, thậm chí cả trồng cây công nghiệp lâu năm, khiến các nhà máy đường đứng ngồi không yên vì lo những vụ tới mất vùng nguyên liệu.

Một năm 2014 với nhiều dự cảm không tốt đẹp từ cuối năm 2013 đã dần dần thành hiện thực, đặt ngành đường Việt Nam vào thế bí: Thay đổi, hay là chờ bị bóp chết.


Uyên Lê

uyenlt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên