MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm tới, vải đi Mỹ không cần 'quá cảnh' ở miền Nam

06-07-2015 - 09:19 AM |

Hiện nước ta chỉ có 2 cơ sở chiếu xạ ở miền Nam. Trong khi đó, theo yêu cầu của Mỹ, Úc, vải xuất sang những nước này buộc phải chiếu xạ để diệt côn trùng, nấm. Như vậy, nếu vận chuyển vải từ Bắc vào Nam chất lượng sẽ bị giảm sút và các doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu những chi phí lớn.

Ngày 5/7, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát kiểm tra việc đầu tư, nâng cấp cơ sở chiếu xạ đầu tiên của miền Bắc - Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia, Bộ KH&CN).

Tại buổi làm việc, ông Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội cho biết, nếu việc sửa chữa, nâng cấp trung tâm đúng tiến độ, năm tới, vải thiều xuất đi Mỹ, Úc sẽ không cần “quá cảnh” vào miền Nam chiếu xạ trước khi xuất.

Theo ông Thiệu, hiện dây chuyền của Trung tâm có khả năng xử lý 20-30 tấn vải, nhãn/ngày. Tuy nhiên, để đáp ứng được các tiêu chuẩn của Mỹ, Trung tâm phải sửa chữa, nâng cấp thêm. Tổng vốn đầu tư cho nâng cấp khoảng 30 tỷ đồng.

“Trung tâm cần phải có 2 kho lạnh riêng biệt để cách ly hàng hóa đầu vào và hàng hóa đầu ra để hàng hóa chiếu xạ không bị tái nhiễm. Hiện kho lạnh đầu vào đang thiếu. Tuy nhiên, đến nay, Bộ KH&CN vẫn chưa bố trí kinh phí cho Trung tâm nên việc triển khai trên thực tế đang bị đánh giá là chậm”- ông Thiệu nói.

Bộ trưởng Phát nói: “Ngay trong tuần tới, tôi sẽ trao đổi với Bộ trưởng Bộ KH&CN để có giải pháp hỗ trợ Trung tâm trong năm 2015”. Theo ông Phát, hiện nước ta chỉ có 2 cơ sở chiếu xạ ở miền Nam. Trong khi đó, theo yêu cầu của Mỹ, Úc, vải xuất sang những nước này buộc phải chiếu xạ để diệt côn trùng, nấm. Như vậy, nếu vận chuyển vải từ Bắc vào Nam chất lượng sẽ bị giảm sút và các doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu những chi phí lớn.

Cùng ngày, ông Phát cùng đoàn công tác đến thăm và kiểm tra dây chuyền công nghệ CAS - Dự án bảo quản hoa quả công nghệ cao thuộc Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) thực hiện. Công nghệ CAS cũng chiếu xạ để thúc đẩy xuất khẩu hoa quả tươi, công nghệ CAS có giúp bảo quản vải cũng như các loại trái cây, tôm cá.

Theo ông Phát, chiếu xạ nhằm đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch bệnh, còn công nghệ CAS chủ yếu để duy trì giá trị của các loại sản phẩm. Tuy nhiên, công nghệ CAS cũng hạn chế hoạt động của vi sinh vật, giúp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Hai công nghệ này đáp ứng hai mục tiêu khác nhau, vì thế chúng ta cần duy trì phát triển cả 2 loại công nghệ này và áp dụng trên diện rộng để nông sản nước ta có thể vươn tới thị trường xa, nhưng giá trị cao và có thể cạnh tranh được với nông sản các nước khác trên thị trường thế giới”- ông Phát nói.

Theo Phạm Anh

Tiền phong

Trở lên trên