MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành lúa gạo chưa phát triển bền vững

15-12-2014 - 19:10 PM |

ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo nhưng từ trước đến nay đầu tư thấp và hiệu quả chưa cao vì thiếu đồng bộ. Nông dân trồng lúa ngày càng nghèo, thu nhập thấp lại chi tiêu cao, đầu tư sản xuất cao

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết phát triển sản xuất lúa gạo hiện nay cũng chưa thật sự bền vững, nhiều tiến bộ kỹ thuật như giống mới và các quy trình kỹ thuật thâm canh, quy trình phòng trừ sâu bệnh được chuyển giao đến bà con nông dân nhưng chưa thật sự phát huy tối đa hiệu quả, giá thành sản xuất vẫn còn cao. Điệp khúc được mùa rớt giá diễn ra thường xuyên, đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và đời sống của người trồng lúa. Vì vậy cần phải có giải pháp hợp lý trong sản xuất lúa gạo bền vững nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân.

Bất cập

Sản xuất lúa gạo đến nay vẫn còn nhiều bất cập, nông dân trồng lúa còn gặp nhiều khó khăn. Thiếu các giống lúa năng suất và chất lượng cao, thích nghi với đặc thù từng tiểu vùng sinh thái của ĐBSCL, chống chịu được sâu bệnh và điều kiện khó khăn do biến đổi khí hậu. Thiếu nguồn cung cấp giống tốt, đến nay chỉ có khoảng trên 30% giống cấp xác nhận được sử dụng trong sản xuất lúa. Nông dân sản xuất lúa gặp nhiều rủi ro do sâu bệnh, thiên tai như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và thị trường tiêu thụ. Một số nơi “nâng cấp” hạt giống chưa đúng với quy định với ý đồ thành tích hay thương mại, nên có địa phương công bố đã dùng giống lúa xác nhận tới 20%-40% nhưng thực tế chỉ đạt 10%-14%.

Trình độ sản xuất, kỹ năng và kỹ thuật chưa cao, chưa đồng đều dẫn đến chênh lệch năng suất giữa các hộ sản xuất lúa trong cùng một tỉnh hoặc giữa tỉnh này và tỉnh kia còn khá cao. Nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và thiếu tổ chức, dẫn đến sản xuất không đúng chất, không đủ lượng, không đúng thời điểm và không đạt giá trị cao. Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều lãng phí. Hệ thống kho tàng dùng bảo quản, chế biến lương thực còn nhiều bất cập, tổn thất khâu thu hoạch và sau thu hoạch lúa còn cao. Hệ thống chế biến xay xát chưa đồng bộ và công nghệ đa số còn ở mức thấp, hệ thống bảo quản tồn trữ còn yếu chưa bảo đảm yêu cầu. Hệ thống kinh doanh lương thực đã được xã hội hóa nhưng hiệu quả chưa cao, nhất là trong xuất khẩu.

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng Cần Thơ có nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo nhưng còn yếu về hệ thống lò sấy, kho trữ lúa, chưa chủ động điều tiết cung cầu lúa gạo, thiếu sự liên kết. Đời sống nông dân ở ĐBSCL chưa được cải thiện nhiều do sản xuất lúa gạo chưa mang lại giá trị cao. Sắp tới, cạnh tranh và hội nhập sẽ diễn ra ngày càng gay gắt.

Giải pháp

Máy san phẳng mặt ruộng lúa điều khiển bằng tia lazer đã được sử dụng trong sản xuất lúa đại trà ở nhiều nước (Úc, Ý, Nhật). Ở Việt Nam và Campuchia đã có mô hình công nghệ tia lazer trong khâu san phẳng mặt ruộng lúa nước. Viện Lúa quốc tế (IRRI) và Trường ĐH Nông Lâm TP HCM đã hợp tác giúp Bạc Liêu và An Giang áp dụng công nghệ cao này. Kết quả thử nghiệm sử dụng tia lazer tốt, nhưng chưa thể phát triển đại trà do sản xuất còn manh mún.

Ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong chọn tạo giống nhằm tìm ra giống lúa cho năng suất cao ổn định, phẩm chất gạo tốt, kháng sâu bệnh, thích nghi điều kiện tiểu vùng sinh thái và thay đổi khí hậu toàn cầu. Chuyển giao các giải pháp kỹ thuật sản xuất lúa thích ứng cho hội nhập kinh tế và sự biến đổi khí hậu, áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cao trong sản xuất lúa để đạt năng suất cao. Phát triển các dạng hình kinh tế hợp tác để thuận lợi cho đầu tư, sản xuất hàng hóa đủ lớn, dễ dàng tiếp cận thị trường và bảo đảm đầu ra, liên kết nông dân và doanh nghiệp.

Giải pháp phát triển thị trường lúa gạo có thể xem là biện pháp lâu dài để kích thích và ổn định sản xuất, giảm thiểu rủi ro cho nông dân và gia tăng lợi nhuận. Nghiên cứu chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, tìm giải pháp nâng cao chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, xử lý sau thu hoạch, bảo quản tồn trữ, bảo đảm chất lượng, cơ sở hạ tầng, lưu thông phân phối. Xây dựng thương hiệu lúa gạo là vai trò của doanh nghiệp, giúp nông dân sản xuất hướng đến thị trường, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP. Xây dựng hệ thống cung cấp thông tin thị trường, giảm thiểu rủi ro do hàng hóa dư thừa và rớt giá.

<<<Vì sao hơn 10.000 cán bộ công nghệ nghiên cứu nông nghiệp nhưng thành tựu chưa đáng kể?

Theo Nguyễn Hải

thamht

Người lao động

Trở lên trên