MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngô nội hoàn toàn lép vế

29-09-2014 - 14:58 PM |

Với giá sụt giảm liên tục so với năm ngoái, chỉ còn khoảng 220 USD/tấn tại thị trường Mỹ, ngô hạt NK đang chiếm lĩnh thị trường nguyên liệu TĂCN, khiến ngô trong nước cũng giảm giá theo.

Ngô nội rớt giá

Sơn La được coi là vựa ngô của miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung với diện tích hơn 152 nghìn ha. Sản lượng thu hoạch chính vụ khoảng 630 nghìn tấn. Năm nay, bà con các dân tộc thuộc tỉnh vùng cao này được mùa ngô, song không vui lắm vì giá ngô xuống thấp hơn so với năm ngoái.

Chị Hoàng Thị Tảo, người dân huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết, năm nay gia đình thu hoạch được hơn 2 tấn ngô, ngô được mùa, hạt đều tăm tắp, nhưng giá bán lại thấp.

“Hiện giá ngô hạt bán cho các đại lý thu mua chỉ khoảng 5.200 đồng/kg, giảm gần 1.000 đồng/kg so với năm ngoái”, chị Tảo cho hay. Không riêng gia đình chị Tảo, nhiều hộ dân trồng ngô thuộc địa bàn các huyện Vân Hồ, Yên Châu… đều đang ở tình cảnh tương tự.

Tại xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, nơi được coi là vựa ngô của tỉnh Hòa Bình, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Bà con trồng ngô xã Phú Cường cho biết, năm nay giá ngô xuống thấp khiến thu nhập của các hộ giảm đáng kể. Trừ chi phí, mỗi ha ngô giảm lợi nhuận đến cả chục triệu đồng.

Cây ngô từ lâu được coi như cây xóa đói giảm nghèo cho bà con nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Ngoài ra, trong lộ trình tái cơ cấu cây trồng, ngành nông nghiệp cũng khuyến khích bà con nông dân tăng diện tích ngô thay thế cho diện tích lúa một vụ không ăn chắc.

Tuy nhiên, với chi phí cho mỗi ha ngô, bà con phải bỏ ra ít nhất là 5-6 triệu đồng tiền mua các loại phân bón, đó còn chưa tính công chăm sóc, thu hoạch, nếu giá ngô xuống thấp, thì việc tái cơ cấu cây trồng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đời sống bà con vùng cao vốn đã nghèo nay lại càng khó khăn hơn.

Mất hơn 1 tỷ USD để NK ngô

Lý giải việc giá ngô trong nước giảm so với năm ngoái và trung bình nhiều năm trở lại đây, ông Đoàn Trọng Lý, TGĐ Cty CP Chăn nuôi chế biến và XNK cho biết, giá ngô Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào giá ngô thế giới, vì chúng ta mới chỉ SX được chưa đến 20% nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước.

“Hiện giá ngô tại thị trường Mỹ cũng giảm mạnh, chỉ còn khoảng 220 USD/tấn, giảm 30USD/tấn so với năm ngoái. Nếu tính cả chi phí vận chuyển và các chi phí khác, ngô Mỹ về đến Việt Nam chưa đến 5.600 đồng/kg. Hơn nữa, ngô ngoại chất lượng tốt, không bị mọt. Do đó, việc các DN NK số lượng lớn ngô từ nước ngoài về là điều dễ hiểu”, ông Lý phân tích.

Số liệu của Bộ NN-PTNT cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã NK khoảng 2,62 triệu tấn ngô với giá trị 681 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về khối lượng và gấp 1,9 lần giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Đây là tốc độ tăng mạnh nhất, xét cả về khối lượng lẫn giá trị, trong số các mặt hàng NK của Việt Nam kể từ đầu năm. Theo dự báo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), nhiều khả năng đến hết năm nay, Việt Nam sẽ nhập khẩu tới hơn 4,5 triệu tấn ngô với giá trị khoảng hơn 1 tỷ USD.

Làm rõ thêm việc DN tăng NK ngô, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, sử dụng ngô NK để sản xuất thức ăn chăn nuôi thì DN không phải qua nhiều công đoạn xử lý phơi, sấy rườm rà như khi mua nguyên liệu trong nước. Giá NK cũng tương đương, thậm chí thấp hơn giá ngô nội.

Theo ông Lịch, từ sau Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi trong nước có phần tăng do bà con nông dân tái đàn nhiều. Hơn nữa, tình hình thị trường NK một số sản phẩm như tôm, cá tra… cũng có dấu hiệu phục hồi. Do đó, DN trong nước tăng NK ngô phục vụ phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 5 triệu tấn ngô làm thức ăn chăn nuôi. Về cơ bản, việc DN sử dụng ngô ngoại hay ngô nội cũng đều nhằm mục đích phục vụ ngành chăn nuôi.

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến ngô sản xuất trong nước không tiếp cận được với DN, là do chủ yếu bà con vẫn trồng ngô theo các hộ nhỏ lẻ, phương thức canh tác rất manh mún, các công ty chế biến thức ăn chăn nuôi không thể mua ngô trực tiếp từ nông dân, vì mỗi lô nguyên liệu nhập vào lên tới hàng chục nghìn tấn, DN không có nhân lực để thu gom từ từng hộ. Do vậy, các DN buộc phải thu mua qua thương lái, đại lý. Thực tế này cũng khiến bà con nông dân thường bị thương lái ép giá tất cả các mặt hàng nông sản, không riêng gì đối với cây ngô.

Để giải quyết thực trạng này, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, chúng ta cần chú trọng tăng cường mở rộng diện tích trồng ngô, nhưng song song với đó, vấn đề bảo quản sau quy hoạch là rất quan trọng.

“Bởi, sản xuất thức ăn công nghiệp thì phương thức sản xuất chế biến cũng phải theo hướng công nghiệp, hiện đại. Muốn làm được điều đó, việc trước tiên là chúng ta phải dần loại bỏ tập quán trồng trọt chăn nuôi theo phương thức lẻ tẻ, manh mún như hiện nay”, ông Dương nhấn mạnh.

 

Nhà nông “khóc ròng” với giá ngô

Theo Văn Nguyễn

khanhnt

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên