MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người trồng dong riềng Bắc Kạn lao đao do giá mua thấp

20-11-2013 - 16:08 PM |

Với việc phát triển không tính đến thị trường đã đẩy người trồng dong riềng vào cảnh tiến thoái lưỡng nan “bỏ thì thương, vương thì tội” do giá quá thấp.

Dong riềng được coi là cây trồng thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Bắc Kạn. Thực tế trong hai năm 2011-2012, người trồng dong riềng và công nghiệp chế biến miến dong đã mang lại nguồn thu đáng kể cho những người tham gia vào nghề sản xuất này. Tuy nhiên, vụ thu hoạch dong riềng 2013 mới bắt đầu đã chứng kiến sự tụt giá thảm hại của sản phẩm này.
Người dân ngao ngán

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá thu mua củ dong riềng ở tất cả các huyện đều ở mức rất thấp từ 700-800 đồng/kg, chưa bằng một nửa so với giá của năm 2012 (giá bình quân năm 2012 là 1.700 đồng/kg).

Ông Hoàng Văn Bằng ở xã Mỹ Phương (Ba Bể) ngao ngán cho biết nhà ông trồng được 2.000 m2 dong riềng, nhưng giá bán rẻ như hiện nay thì chỉ có nước bỏ đi. 

Theo tính toán của ông Bằng, với diện tích trên, sẽ cho thu hoạch khoảng 15 tấn củ. Nếu phải thuê người thu hoạch, vận chuyển thì lỗ to. Gia đình ông chủ động thu hoạch thì với giá như bây giờ tổng thu chỉ được khoảng 9 triệu đồng. Trừ các chi phí chăm sóc, phân bón vụ dong riềng nay thất bại.

Ở huyện Pác Nặm tình trạng giá cả cũng thấp như ở huyện Ba Bể. Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cổ Linh (Pác Nặm), cho biết năm 2013, toàn xã trồng được hơn 50ha dong riềng với sản lượng ước đạt hơn 3.000 tấn. Tuy vậy, năm nay, giá dong riềng thấp nên người dân "bỏ thì thương, vương thì tội".

Theo ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Nhà máy chế biến miến dong Tân Sơn, năm 2012, với công nghệ cũ, cơ sở của ông chế biến 4.000 tấn củ. Năm nay, Nhà máy thay đổi công nghệ mới, sẽ chế biến khoảng 7.000 tấn củ. Giá trung bình năm 2012, cơ sở mua vào là 1.750 đồng/kg. Năm nay, cơ sở sẽ mua theo giá thị trường. Cơ sở đã hợp đồng với người dân ở Côn Minh (Na Rỳ) trồng 40ha thì giá có thể mua đến 1.000 đồng/kg.

Thị trường quyết định

Theo ông Nông Danh Hiển, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Na Rỳ, Na Rỳ là huyện trồng dong riềng nhiều nhất cả tỉnh với gần 1.200 ha, sản lượng ước tính gần 70.000 tấn củ. 

Trước tình hình giá củ dong riêng thấp như hiện nay, huyện đã chủ động xuống các địa phương chỉ đạo thu hoạch và vận động các cơ sở chế biến trong huyện tập trung thu mua với giá cao nhất cho người dân. Tuy nhiên, việc điều tiết giá là do thị trường nên huyện không thể can thiệp được.

Giá dong riềng rẻ như hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là đầu ra của sản phẩm này có nhiều biến động, do nhiều địa phương phía Bắc đồng loạt trồng dong riềng như Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Giang, nên lượng củ tăng nhiều, trong khi đó các cơ sở chế biến tăng không đáng kể, ngoài ra còn có yếu tố giá bột tại các thị trường lớn như Hà Nội đều giảm, nên giá mua củ dong riềng cũng phải giảm theo.

Giải pháp tốt nhất hiện nay là tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến bột dong riểng tại các huyện thu mua với mức giá tối đa cho người trồng dong riềng. Tỉnh Bắc Kạn cũng đã có những cuộc họp liên ngày để có cam kết cho các doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi để thu mua; hỗ trợ đầu tư máy móc để chế biến; đảm bảo đủ điện cho sản xuất…

Ông Hà Đức Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Kạn cũng khẳng định việc giá cả lên xuống là quy luật của thị trường, tỉnh không thể can thiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo các địa phương tổ chức cho người dân thu hoạch giãn vụ, diện tích trồng trước được thu hoạch trước, để đảm bảo củ dong riềng khi thu hoạch không bị non quá và cũng không bị già quá mới cho bột tốt.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã liên hệ, kêu gọi các doanh nghiệp ở Hà Nội hỗ trợ thu mua dong riềng củ cho Bắc Kạn.

Với chủ trương phát triển cây dong riềng thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong 2 năm 2012-2013 tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều giải pháp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để khuyến khích các tổ chức, cá nhân mở rộng trồng và chế biến dong riềng bằng cách hỗ trợ 100% tiền giống cho những hộ trồng năm đầu tiên và 50% giống cho những hộ đã trồng năm thứ 2. 

Các cơ sở chế biến bột, miến dong được hỗ trợ đầu tư công để mua máy móc, thiết bị và được đảm bảo điện ổn định cho sản xuất. 

Năm 2012, toàn tỉnh trồng được 1.800 ha, năm nay trồng trên 2.900 ha, ước đạt 170.000 tấn củ. Thảm cảnh “được mùa mất giá” đã từng xảy ra với các sản phẩm nông nghiệp khác, nay đã xảy ra với sản phẩm dong riềng Bắc Kạn. 

Hiện toàn tỉnh Bắc Kạn có 112 cơ sở sản xuất, chế biến dong riềng, với tổng đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Nếu năm sau, người dân không mặn mà với việc trồng dong riềng nữa, liệu các cơ sở này có còn tồn tại?

Thực trạng này cần có sự vào cuộc của các cấp ngành để điều tiết tạo vùng nguyên liệu tập trung và có chiến lược quảng bá sản phẩm, tính đến lợi ích hài hòa giữa nhà nông và doanh nghiệp mới có thể tồn tại bền vững cho loại sản phẩm này./.

Theo Nguyễn Trình

khanhnt

TTXVN

Trở lên trên