Người trồng ớt 'cầm dao đằng lưỡi'
Không chỉ đối mặt với vụ ớt thất thu, người trồng ớt còn có nguy cơ chậm lịch thời vụ khi doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua ớt xanh nhưng đến khi ớt chín mới về thu mua.
- 22-09-2014Người trồng ớt thua đậm
- 26-06-2014Ồ ạt trồng, thanh long rớt giá thảm
- 31-03-2014Trồng ớt chỉ thiên lời 150-300 triệu đồng/ha
Vụ đông 2015, doanh nghiệp Tuấn Linh ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm 50 ha ớt cay cho Cty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con (Tân Kỳ, Nghệ An). Tuy nhiên, khi ớt đã đến kỳ thu hoạch, 250 hộ dân tham gia trồng ớt lại đang lo sốt vó vì… doanh nghiệp bí đầu ra.
Doanh nghiệp không thu mua
Bà Vũ Thị Oanh tại xóm Tân Thái, xã Tân Phú (bên B), cho biết, vụ đông 2015, Cty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con (bên A) ký hợp đồng cho vay giống, vật tư, phân bón trả chậm và bao tiêu sản phẩm để gia đình bà trồng 0,2ha ớt cay xuất khẩu. Theo hợp đồng, bên A sẽ thu mua ớt xanh đúng quy cách, phẩm chất. Tuy nhiên, hợp đồng lại ràng buộc: “Trong trường hợp toàn bộ thị trường Việt Nam cũng như thị trường thế giới không doanh nghiệp nào xuất khẩu được ớt xanh thì bên B phải bán ớt chín, quả tươi cho bên A”.
“Ký hợp đồng thu mua ớt xanh nhưng nay ớt đã chín hết công ty vẫn chưa về thu mua. Giờ thì gia đình tôi dở khóc dở cười, đầu tư gần chục triệu đồng nay chưa thu được đồng nào, cũng không dám phá, không thể đem đi bán ra ngoài vì sợ vi phạm hợp đồng. Cả tuần nay trời mưa nên không thể hái về phơi khô được. Gọi lên công ty hỏi thì họ bảo chưa tìm được đối tác”, bà Oanh than thở.
Cùng hoàn cảnh với bà Oanh còn có 249 hộ dân khác trên địa bàn xã Tân Phú, hộ nhiều nhất có diện tích gần 1ha. Ông Nguyễn Thái Nghệ, trú tại xóm Tân Phú, ký hợp đồng trồng 9.000m2 ớt cay xuất khẩu với Cty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con. Ông Nghệ cũng đang rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.
“Ký hợp đồng thu mua ớt xanh nhưng nay ớt đã chín, công ty mới về thu mua. Nhưng cũng thu mua cầm chừng, gia đình tôi mới bán được 400kg, thu về 2 triệu đồng. Trong khi đó, tổng chi phí đầu tư đã trên 40 triệu đồng”, ông Nghệ lo lắng.
Mối liên kết lỏng lẻo?
Ông Trần Ngọc Bé, Phó Giám đốc phụ trách Cty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con cho biết, hiệu quả kinh tế cây ớt mang lại từng khiến nông dân rất mặn mà với cây trồng này. Vì thế, khi nghe tin doanh nghiệp Tuấn Linh, có địa chỉ tại xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, về đặt vấn đề sản xuất, thu mua ớt cay xuất khẩu, Cty đã cử cán bộ đi tìm hiểu. Sau đó, hai bên ký hợp đồng, doanh nghiệp Tuấn Linh sẽ cho vay trả chậm toàn bộ tiền giống trên tổng diện tích gieo trồng là 50ha. Đổi lại, Cty Sông Con phải bán 1.000 tấn ớt tươi, giá 5.000 đồng/kg, đúng quy cách cho doanh nghiệp Tuấn Linh.
Phía doanh nghiệp Tuấn Linh cam kết: “Nếu Cty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con phát hiện một đơn vị nào bán được ớt xanh mà doanh nghiệp Tuấn Linh không bán được thì doanh nghiệp Tuấn Linh vẫn phải chịu trách nhiệm mua ớt xanh như thỏa thuận”.
Sau khi ký hợp đồng với đối tác, Cty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con trực tiếp ký hợp đồng với 250 hộ dân trồng ớt.
Theo tìm hiểu của PV, hợp đồng giữa Cty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con với nông dân có nội dung dựa trên bản hợp đồng ký kết giữa công ty này với doanh nghiệp Tuấn Linh. Khoản 2, điều 3 của hợp đồng có ghi: “Trong trường hợp toàn bộ thị trường Việt Nam cũng như thị trường thế giới không doanh nghiệp nào xuất khẩu được ớt xanh thì bên B phải bán ớt chín quả tươi cho bên A”.
Một số hộ dân cho rằng, bản thân hợp đồng thiếu công bằng, ràng buộc lỏng lẻo và bất lợi cho người trồng ớt. Họ cho rằng, việc xuất khẩu chủ yếu là ớt chín. Vì thế, ràng buộc tại khoản 2, điều 3 của hợp đồng đã gián tiếp khẳng định phía doanh nghiệp sẽ thu mua ớt chín.
Ông Trần Ngọc Bé thừa nhận: “Hợp đồng thu mua ớt xanh, nay ớt chín hết, người dân rất nóng lòng. Những năm trước, đối tác thu mua ớt xanh nhưng năm nay ngay từ đầu đã thu mua ớt chín nên dân lo lắng vì quả treo trên cây sẽ dài ngày hơn làm ảnh hưởng đến những lứa khác. Ngoài ra có thể còn làm chậm thời vụ sản xuất đông xuân khoảng 10 - 15 ngày. Cũng đã có biểu hiện bức xúc của người dân cho rằng doanh nghiệp thực hiện không đúng hợp đồng. Chúng tôi đã làm việc với đối tác, họ đã cử người vào nắm tình hình và cam kết sẽ thu mua toàn bộ sản lượng ớt. Vì thế bà con cứ yên tâm (?!)”.
Năng suất giống ớt cay số 7 có thể đạt 1,5 tấn/sào (500m2), tương đương với 30 tấn/ha (1.500 tấn/50 ha). Trong khi đó, doanh nghiệp chỉ thu mua 1.000 tấn, số còn lại sẽ tiêu thụ thế nào? Bên cạnh đó, giá thu mua do Cty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con đề xuất ban đầu là 7.500 đồng/kg nhưng cuối cùng đối tác (doanh nghiệp Tuấn Linh) chỉ thỏa thuận 5.000 đồng/kg (trong khi tại một số địa phương khác, giá thu mua giống ớt cay số 7 là 6.000 đồng/kg).
Nông nghiệp Việt Nam