MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà nông than bị doanh nghiệp “bẻ kèo”

19-09-2013 - 09:33 AM |

Hai vụ lúa đầu trong năm 2013, nông dân trong cánh đồng được doanh nghiệp cam kết bao tiêu thuộc xã Đông Bình, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) phải “tự bơi” trong việc tiêu thụ lúa.

Đến thời điểm này, vụ lúa thứ ba trong năm đã thu hoạch gần phân nửa diện tích, nông dân xứ này vẫn… dài cổ đợi chờ.

Đầu vụ thu hoạch lúa thu đông (lúa vụ 3) giá thu mua lúa tươi, hạt dài tại khu vực xã Đông Bình (huyện Thới Lai – TP Cần Thơ) ở mức 4.700 – 4.800 đồng/kg, bình quân cao hơn giá lúa cùng loại ở khu vực giáp ranh là xã Thạnh Lộc (huyện Giồng Riềng – Kiên Giang) và các xã khác thuộc huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ). 

Ông Trần Điền Lan, trưởng ấp Đông Giang (xã Đông Bình) cho biết: “Lúc đó chỉ có các thương lái tới vùng lúa này thu mua dè dặt để thăm dò động thái của các doanh nghiệp bao tiêu”. “Nhưng rồi tới thời điểm hiện tại giá lúa chỉ còn khoảng 4.200 đồng/kg do thương lái chỉ một mình một chợ”, ông Lan nói.

Trước tình cảnh như vậy, nhiều nông dân đã nêu bức xúc của mình với chính quyền cấp xã, cơ quan đại diện ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu. 

Ông Ngô Văn Đức, phó chủ tịch UBND xã Đông Bình, than phiền: “Doanh nghiệp ký cam kết bao tiêu với đại diện UBND xã, với tổ sản xuất… nhưng đến mùa thu hoạch rộ, họ vẫn chưa chịu triển khai các hoạt động thu mua với các lý do thiếu nhân lực, phương tiện vận chuyển… Họ miễn cưỡng nói rằng, người dân cứ để lúa lại để chờ doanh nghiệp thu mua… Nhưng nông dân phải bán lúa tươi để trang trải nợ nần, tiền học cho con, cháu và đặc biệt vì lúa vụ 3 năm nay thu hoạch trong điều kiện trời mưa dầm, dễ hư hỏng”.

Nông dân Dương Văn Bảy ở ấp Đông Giang, nói: “Doanh nghiệp thường cho rằng nông dân ham lợi, bẻ kèo trong hợp đồng bao tiêu đã ký với họ, nhưng thực tế hơn hai vụ lúa rồi có thấy ông doanh nghiệp nào thực hiện cam kết bao tiêu đâu”.

Theo ông Nguyễn Văn Bé Ba, trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thới Lai, các mô hình cánh đồng mẫu ở Thới Lai có tổng diện tích hơn 1.600ha, đã được công ty chế biến xuất khẩu gạo Thới Thạnh và công ty CP Gentraco cam kết bao tiêu vì đây là vùng chuyên canh lúa thơm, lúa chất lượng cao. Tuy nhiên hệ thống thu mua của các doanh nghiệp thường triển khai chậm so yêu cầu bán lúa của nông dân.

Năm ngoái, ở tỉnh Đồng Tháp, công ty CP Docimexco cũng đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao với mười hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Tam Nông với tổng diện tích 2.644ha. Nhưng đến kỳ thu hoạch đơn vị này chỉ thu mua hơn 1.460 tấn, tương đương với khoảng 6% tổng sản lượng đã hợp đồng. 

Ông Nguyễn Văn Trãi, chủ nhiệm HTX Tân Cường – đơn vị được UBND tỉnh Đồng Tháp chọn làm thí điểm, cho biết: “Công ty từ chối mua lúa với nhiều lý do, thời điểm thu hoạch sớm, ẩm độ, giá thị trường thấp…”

Ở tỉnh Hậu Giang, ngành nông nghiệp đã tổ chức cho nông dân sản xuất lúa thơm, lúa chất lượng cao trong những cánh đồng mẫu, nhưng hợp đồng thu mua cũng thường bị phá vỡ. 

TS Lê Văn Bảnh, viện trưởng viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, nói rằng: “Tại hội thảo cánh đồng mẫu lớn ở Hậu Giang gần đây, bà con nông dân nói làm lúa đúng quy trình chất lượng mà bán không ai mua”. Trước tình thế lúa thơm tắc đầu ra do doanh nghiệp bao tiêu chê “lúa bị lẫn loại”, UBND tỉnh đã phải xuất ngân sách bù lỗ giá lúa cho nông dân, ông Trần Công Chánh, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nêu thực tế.

Theo Ngọc Tùng

khanhnt

Sài Gòn tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên