MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhập nhèm giữa khoai tây Trung Quốc và khoai tây Đà Lạt

24-06-2013 - 14:59 PM |

Mức chênh lệch từ 3.345 đồng/kg từ Trung Quốc “nhảy” lên 35.000 đồng khi đến tay người tiêu dùng khiến cho không ít tiểu thương Đà Lạt sẵn sàng đánh tráo thương hiệu khoai tây Đà Lạt.

Trong hai ngày 22-23.6, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã bất ngờ ra quân kiểm tra nhiều cơ sở kinh doanh khoai tây trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, chợ nông sản Đà Lạt (phường 11, Đà Lạt) là một trong những “tâm điểm” được đặc biệt chú ý.

Hơn một tuần trước, trên địa bàn TP.Đà Lạt, cơ quan chức năng đã kiểm tra, lập biên bản và tiêu hủy một lô hàng khoai tây có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập về Đà Lạt có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao gấp 16 lần so với ngưỡng an toàn cho phép của Bộ Y tế.

Tại chợ nông sản Đà Lạt, qua kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành TP. Đà Lạt ghi nhận tại 2 trong 3 quầy kinh doanh khoai tây (một quầy đóng cửa nên chưa kiểm tra được) có chứa khoảng 30 tấn hàng khoai tây có nguồn gốc từ Trung Quốc và đang được những người làm công “mặc áo” thành khoai tây Đà Lạt (rửa sạch, bôi lớp đất đỏ đặc trưng của Đà Lạt bên ngoài).

Một người làm công cho một quầy khoai tây ở đây cho biết, hằng ngày, chủ quầy vẫn thường xuyên nhập hàng khoai tây Trung Quốc của một người có tên Vân ở Đà Lạt về với giá trên dưới 8.000 đồng/kg, sau đó khoai được “làm áo” rồi đưa đi khắp nơi để tiêu thụ.

Một lái xe tải chuyên “ăn hàng” khoai tây ở chợ nông sản Đà Lạt cho biết: “Cứ một kilôgram khoai tây có nguồn gốc từ Trung Quốc sau khi được “mặc áo” khoai Đà Lạt đưa về TPHCM sẽ được bán với giá trên dưới 20.000 đồng/kg. Sau đó, khoai được phân phối đi các quầy sạp lẻ và đến tay người tiêu dùng thì giá này sẽ “nhảy” lên khoảng trên dưới 35.000 đồng/kg”. 

Như vậy, mức chênh lệch từ 3.345 đồng/kg từ Trung Quốc (theo hóa đơn nhập hàng của các chủ hộ kinh doanh khoai tây ở chợ Nông sản Đà Lạt) “nhảy” lên 35.000 đồng khi đến tay người tiêu dùng quả là con số có sức hấp dẫn rất lớn, khiến cho không ít tiểu thương Đà Lạt sẵn sàng đánh tráo thương hiệu khoai tây Đà Lạt. 

Trước đó- ngày 10.6, đội kiểm tra liên ngành 127 TP.Đà Lạt đã kiểm tra kho hàng có chứa 52 tấn khoai tây Trung Quốc của bà Nguyễn Thị Nguyệt (tổ Thái An, phường 12, TP.Đà Lạt), lấy 2 mẫu khoai tây vàng và khoai tây hồng gửi phân tích dư lượng thuốc BVTV. Kết quả, hoạt chất thuốc BVTV chlorpyrifos trong mẫu khoai tây  hồng vượt ngưỡng cho phép đến 16 lần.

Ngày 14.6, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt Tôn Thiện San đã ký quyết định xử phạt bà Nguyệt 3.500.000 đồng. Ngày 15.6, cơ quan chức năng TP.Đà Lạt đã thực hiện việc tiêu hủy toàn bộ 26 tấn khoai tây hồng của bà Nguyệt có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng nói trên.

Vấn đề đặt ra là tại sao nạn "đội lốt" cho khoai tây Trung Quốc diễn ra khá công khai từ nhiều năm qua, nhưng cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa giải quyết dứt điểm? Theo cơ quan chức năng, căn cứ vào các quy định thì khoai tây Trung Quốc không phải là mặt hàng cấm nhập khẩu; cùng đó, việc “mặc áo” như trên vừa phân tích cũng chưa đủ cơ sở để kết luận đó là hành động gian lận thương mại nên không thể xử lý được, mặc dầu vẫn biết rằng đây là việc làm khiến cho thương hiệu rau Đà Lạt nói chung và khoai tây nói riêng bị tổn hại không nhỏ.


*Chlorpyrifos là hoạt chất có tác dụng trị nhiều loại bệnh trên cây trồng. Tuy nhiên, đối với con người thì khác: Khi chlorpyrifos đi vào cơ thể và tích lũy đến một ngưỡng nào đó sẽ làm bộc phát các bệnh về tim, mạch, gan, thận, thần kinh...

 * Ông Lại Thế Hưng – Chi cục trưởng Chi cục BVTV Lâm Đồng: Việc phân biệt giữa khoai tây Đà Lạt và khoai tây Trung Quốc không khó. Chỉ bằng mắt thường, người tiêu dùng cũng dễ dàng nhận ra khoai tây Trung Quốc thường có kích thước dài hơn, vỏ dày hơn (ít trầy xước), mắt củ rộng và nông, màu khoai vàng hơn so với khoai tây Đà Lạt.

Theo Khắc Dũng

khanhnt

Báo lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên