Nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo bị hủy
Dù giá xuất khẩu gạo đã tăng trở lại từ đầu tháng 7, nhưng sản lượng gạo xuất khẩu lại quay đầu giảm. Số lượng hợp đồng bị hủy trong tháng 7 cũng tăng cao vì nhiều DN không giao hàng khi giá lên.
Hiện gạo Việt Nam đang bị đe dọa bởi nhiều đối thủ mới nổi
như Myanmar, Campuchia, thậm chí Thái Lan cũng đang giảm giá bán khiến doanh
nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh.
Giá tăng, lượng xuất khẩu giảm
Trang thông tin chuyên về gạo Oryza cho biết, từ giữa tháng 7 đến nay, giá chào
bán gạo Việt Nam đã tăng thêm khoảng 10USD/tấn, lên mức 410 – 415 USD/tấn. Giá
xuất khẩu trung bình của gạo Việt Nam trong tháng 7.2013 đạt 413USD/tấn, tăng
so với mức 410USD/tấn hồi tháng 6.
Về lượng xuất khẩu, trong tháng 7.2013, Việt Nam xuất khẩu đạt
khoảng 576.400 tấn, giảm gần 124.000 tấn so với hồi tháng 6.2013 và giảm 25% so
với cùng kỳ 2012, ở mức 765.068 tấn gạo các loại.
Thông tin từ Bộ Công Thương cũng cho biết, trong tháng 7, sản lượng gạo xuất khẩu
của Việt Nam đã giảm 10% so với tháng 6. Mặc dù giá xuất khẩu trung bình có
tăng hơn trước nhưng lượng xuất khẩu giảm khiến kim ngạch xuất khẩu giảm hơn
13%.
Trong khi đó, một nguồn tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, do
giá tăng, lượng hợp đồng xuất khẩu gạo bị hủy trong tháng 7 cũng đã tăng cao.
Tính riêng tháng 7.2013, các doanh nghiệp đã hủy, không giao hàng hơn 180.000 tấn
do lỡ ký hợp đồng xuất khẩu giá thấp trước đó. Tính chung 7 tháng đầu năm 2013,
số lượng hợp đồng bị hủy lên tới 1 triệu tấn gạo.
Ông Trần Thanh Văn – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gentraco (Cần Thơ) cho
biết thêm, giá lúa trong nước hiện ở mức cao khiến doanh nghiệp chế biến, xuất
khẩu gạo khó bán ra. Trong khi đó, vẫn còn nhiều hợp đồng xuất khẩu mà doanh
nghiệp ký trước đó ở mức giá rất thấp, từ 380 – 395USD/tấn.
Còn theo anh Dương Văn Mến - thương lái thu mua lúa tại huyện Lấp Vò (Đồng
Tháp), mặc dù thời tiết mưa bão nhiều, khó khăn cho việc thu hoạch lúa nhưng những
ngày qua, giá thu mua lúa tại ĐBSCL tiếp tục tăng. Cụ thể, hiện giá lúa IR
50404 tươi được thương lái thu mua với mức 4.500 – 4.600 đồng/kg, lúa hạt dài
4.850 – 5.000 đồng/kg. Mức giá này tăng hơn 100 đồng/kg so với thời điểm cách
đây một tuần.
Ngày càng khó cạnh tranh
Trong khi xuất khẩu gạo đang ngày càng bị cạnh tranh gay gắt bởi nhiều đối thủ,
việc nhiều doanh nghiệp không giao hàng, chấp nhận đền hợp đồng khi giá thu mua
trong nước tăng cao có thể gây ảnh hưởng đến uy tín chung của gạo Việt Nam cũng
như doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.
Anh Dương Văn Mến cho biết, mặc dù giá lúa liên tục tăng cao nhưng những ngày
qua, các cơ sở thu mua nguyên liệu để chế biến gạo xuất khẩu chỉ mua cầm chừng,
nhiều chủ kho gạo còn nói thẳng “sẽ không nhận hàng trong vài ngày tới”. “Lý do
các cơ sở thu mua gạo nguyên liệu đưa ra là giá lúa, gạo trong nước cao quá mà doanh
nghiệp xuất khẩu thì chưa biết có bán được với giá cao như vậy không nên ngừng
thu mua” - anh Mến giải thích thêm.
Trong khi đó, thông tin từ một số doanh nghiệp cho biết, cạnh tranh xuất khẩu gạo
ngày càng gay gắt khi có thêm một số đối thủ mới nhưng rất có tiềm năng như
Myanmar, Campuchia… Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2013, Campuchia đã xuất khẩu
được 207.370 tấn gạo, tăng 110% so với cùng kỳ 2012. Riêng tháng 7.2013,
Campuchia xuất khẩu 31.411 tấn gạo, chủ yếu là gạo thơm và gạo trắng hạt dài.
Ông Trương Thanh Phong – Chủ tịch VFA cũng thừa nhận rằng, dù lượng xuất khẩu
chưa nhiều nhưng Campuchia dự báo sẽ là đối thủ đáng gờm của các doanh nghiệp
Việt Nam. Theo đó, Campuchia có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển
lúa. Chính phủ nước này cũng đã bảo lãnh 50% rủi ro để các ngân hàng thương mại
cho vay vốn sản xuất, chế biến và dự trữ gạo.
Hiện tại, thị trường chủ yếu của gạo Campuchia vẫn là các quốc gia châu Âu,
Thái Lan và Trung Quốc. Riêng tại các nước Liên minh châu Âu (EU), do là một quốc
gia kém phát triển nhất nên Campuchia còn được miễn thuế xuất khẩu gạo vào thị
trường này.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Bến Tre cũng cho biết thêm, thời
gian qua, Thái Lan đã giảm giá bán một lượng lớn gạo phẩm cấp cao, còn 440USD/tấn.
Với giá này, các doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh để có mức lãi tương đối
so với giá gạo nguyên liệu mua vào. “Chưa kể sắp tới, nhiều nước nhập khẩu gạo
sẽ vào vụ thu hoạch ở nước họ, nhu cầu nhập khẩu sẽ giảm, gây thêm khó khăn cho
doanh nghiệp” - lãnh đạo doanh nghiệp này giải thích thêm.
Theo Thuận Hải