Niên vụ mía đường đắng ngắt
Niên vụ mía đường 2012 – 2013 vừa kết thúc, cũng chính là lúc ngành mía đường đối mặt với chồng chất khó khăn do giá đường thấp và đường nhập lậu tràn ngập thị trường.
Giá mía cao, nông dân vẫn thu nhập thấp
Khái quát về tình hình mía đường niên vụ 2012 – 2013, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến thương mại NLTS và nghề muối (Bộ NN-PTNT) cho biết, đến nay, diện tích mía cả nước đã đạt 298 nghìn ha, trong đó diện tích mía do DN ký hợp đồng trực tiếp với nông dân là 278 nghìn ha; năng suất bình quân đạt 63,9 tấn/ha; có những vùng đạt trên 100 tấn/ha. Sản lượng mía qua ép đạt 19,05 triệu tấn, chữ đường bình quân là 9,8- 10.
Niên vụ 2012- 2013, tuy giá đường thấp hơn so với vụ năm trước từ 2-3 ngàn đồng/kg nhưng giá mua mía vẫn giữ mức trên dưới 1 triệu/tấn đối với loại mía 10 chữ đường.
“Đây là mức giá cao nhất trong khu vực. Nếu không mua với giá này thì người dân sẽ không trồng mía nữa và nhà máy đường sẽ không có nguyên liệu sản xuất. Hiện tại giá mía của Thái Lan là 30,7 USD/tấn.Tại Việt Nam, dù đã mua mía với giá 50 USD/tấn thì nông dân vẫn chưa có mức sống cao”, ông Hòa nói.
Chính vì vậy, khi giá đường xuống thấp như vụ 2012-2013, các nhà máy vẫn cố gắng duy trì giá thu mua mía của dân ở mức bình quân trên dưới 1 triệu đồng/tấn mía; người trồng mía yên tâm hơn và thể hiện rõ nhất là diện tích mía không những không bị suy giảm mà còn tăng thêm đến ngưỡng quy hoạch.
Khó ngăn đường lậu
Một nghịch lý của ngành đường là, mặc dù thu mua nguyên liệu giá cao, nông dân vẫn thu nhập thấp. Trong khi đó, giá đường thành phẩm trong nước lại cao hơn rất nhiều giá đường của các nước trong khu vực.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hộiMía đường VN cho rằng, mấu chốt ở chỗ, chi phí cho SX của Việt Nam quá lớn. “Với mức giá hiện nay, mua tại thị trường là 1 triệu và về đến nhà máy là 1,1 triệu đồng/tấn thì chi phí đã bị đội lênquá cao, điều này sẽ tính vào giá bán. Một số hóa chất và phụ liệu cho sản xuất đường của Thái Lan đã sản xuất được, còn DN trong nước phải NK..., nên giá đường cao hơn là điều dễ hiểu”, ông Long phân tích. Và việc ngăn chặnđường nhập lậuhiện nay là nhiệm vụ bất khả thi.
Đồng quan điểm này, Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công thương) Đỗ Thanh Lam dẫn chứng số liệu: Tình hình buôn lậu đường diễn ra chủ yếu tại miền Trung, Tây Nam bộ. Từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã thu giữ 1,3 ngàn tấn đường.Trong 6 tháng đầu năm 2013, tại An Giang đã bắt giữ 362 tấn (An Giang). Điều này cho thấy lượng đường nhập lậu ngày một tăng.
Lý giải nguyên nhân trên, ông Nguyễn Đỗ Kim, Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan cho rằng, giá đường của Thái Lan so với đường nội địa thấp hơn nhiều, tới 3-4 ngàn đồng/kg.
Về phương thức, đường nhập lậu tuồn về Việt Nam qua 2 hình thức: Tiểu ngạch và tạm nhập tái xuất. Với tạm nhập tái xuất đường có ưu đãi về thuế. Hiện có khoảng 100 DN tham gia tạm nhập tái xuất đường, chủ yếu xuất đi thị trường Trung Quốc. Lợi dụng sơ hở chính sách, nhiều DN đã xuất qua đường mòn lối mở rồi mang hàng quay lại bán nội địa. Cũng có DN đưa luôn đường từ kho ra bán vào nội địa mà không xuất. Có DN tự ý phá niêm phong đem hàng đi tiêu thụ.
“Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu còn dùng bao trắng và gắn tem phụ của cơ sở sản xuất, sang chiết để hợp thức hóa đường lậu. Nếu bắt được, chúng tôi cũng rất khó xử lý vì phải thực hiện nhiều biện pháp như giám định hóa lý, thành phần, cảm quan… để điều tra tận gốc nguồn gốc lô hàng. Những vụ bắt đường lậu chỉ có thể thu hồi chứ không đủ yếu tố khởi tố hình sự”, ông Kim cho biết.
Theo Văn Nguyễn