Nỗi lòng rau sạch
Đã có nhiều câu chuyện về việc đưa hệ thống sản xuất tiên tiến vào nông nghiệp nhưng cuối cùng “mèo vẫn hoàn mèo” vì thiếu đồng bộ, thiếu đầu tư cho các khâu trong cả chuỗi từ sản xuất đến lưu thông, phân phối.
Câu chuyện tương tự đang lặp lại ở Đồng Nai, lần này là với rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP. Mất nhiều công sức gây dựng nhưng một số HTX sản xuất rau sạch ở tỉnh này đã phải giải thể vì sản phẩm làm ra hoặc không có kênh phân phối hữu hiệu, hoặc bị làm giả bằng việc đưa rau không sạch vào thay thế rau sạch để làm lợi cho vài cá nhân.
Trước tình hình mất an toàn vệ sinh thực phẩm, tầm quan trọng của thực phẩm sạch và rau sạch là không cần bàn cãi. Nhưng câu chuyện trên cho thấy người nông dân đang phải tự bơi, tự xoay xở trong những quy trình đứt đoạn từ sản xuất, phân phối và lưu thông sản phẩm nông nghiệp.
Có Global GAP, có VietGAP, có sản phẩm đạt yêu cầu nhưng khâu quan trọng nhất là tiêu thụ sản phẩm lại đã và đang vượt quá tầm tay của những người nông dân. Trong khi đó, để có bộ chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, một hợp tác xã nông nghiệp phải bỏ ra từ 40-70 triệu đồng dù thời hạn chỉ trong vòng một năm.
Đang có những ý kiến cho rằng, với điều kiện thực tế như nước ta, áp dụng đủ các tiêu chí VietGAP, Global GAP là rất tốt nhưng khó khả thi trong giai đoạn này. Nếu lúc nào cũng lấy tiêu chuẩn các nước phát triển ra áp vào, nghe thì oai đó nhưng quan trọng là không thực hiện được.
Có lẽ thực tế hơn đối với thời điểm này là xây dựng một bộ tiêu chí đơn giản hơn, phù hợp với trình độ sản xuất của nông dân để sớm đưa vào thực hiện đại trà, để người dân sớm được tiếp cận nguồn thực phẩm sạch hơn, đảm bảo sức khỏe, đồng thời mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, công đoạn người nông dân yếu nhất và cần sự giúp đỡ nhiều nhất từ cơ quan chức năng vẫn là khâu lưu thông, phân phối hàng hóa.
Chính quyền, cụ thể là các cơ quan quản lý nông nghiệp địa phương cần phải là bà đỡ gần gũi nhất của người nông dân, hỗ trợ họ trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Dù ở bất cứ nền kinh tế nào, thì vai trò của cơ quan quản lý vẫn phải hướng đến mục tiêu đảm bảo hài hòa lợi ích của đa số người dân. Trong trường hợp này, không chỉ người nông dân mà cả người tiêu dùng cũng được hưởng lợi.
Theo Anh Minh