MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông dân "mắc bẫy" thương lái Trung Quốc: Vì mua bán chộp giật...

11-05-2014 - 09:07 AM |

Bộ Công thương chỉ biết mua bán, không nắm được nguồn hàng nhiều-ít hoặc có khi nắm được nhu cầu thị trường nhưng lại không phản ánh xuống cho khâu sản xuất.

Là một trong số những nguyên nhân được PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại chỉ ra trước tình trạng thời gian vừa qua giá xuất khẩu các mặt hàng nông sản lúc tăng lúc giảm, nguyên liệu lúc thừa, lúc thiếu.

Quản lý theo kiểu bao cấp

PV: - Thời gian vừa qua, giá xuất khẩu các mặt hàng nông sản lúc tăng lúc giảm, nguyên liệu lúc thừa lúc thiếu, theo ông trách nhiệm của Bộ Công thương như thế nào khi để xảy ra tình trạng này?

PGS TS Nguyễn Văn Nam: - Sản xuất hàng hóa nông sản là một chuỗi bắt đầu từ khâu sản xuất cho đến khâu chế biến, xuất khẩu gắn chặt với nhau nó liên quan chịu trách nhiệm nhưng trong quản lý nhà nước lại có sự chia cắt. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách phần sản xuất của nông dân, Bộ Công thương phụ trách phần chế biến và xuất khẩu, xúc tiến thương mại. Ngoài ra, có lúc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng làm nhiệm vụ chế biến.

Như vậy, sẽ tạo ra bất cập trong quản lý, bộ máy quản lý từ thời bao cấp đến bây giờ vẫn chưa chuyển biến theo cơ chế thị trường. Ngay sản xuất cũng phải hướng tới thị trường chứ không thể sản xuất chỉ biết sản xuất, thực hiện việc xúc tiến thương mại phải tính toán nguồn hàng ở đâu, tính chuyện bán để có lãi. Bộ máy quản lý theo thời bao cấp không phù hợp với cơ chế thị trường nên không làm được lại trả lời không phải trách nhiệm của họ, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Theo tôi, nhà nước phải cơ cấu lại tổ chức bộ máy, không ngắt quãng mà theo từng mặt hàng, từng đơn vị, cơ quan phải phụ trách từ A đến Z. Chịu trách nhiệm từ khâu sản xuất đến khâu cuối cùng cho đến đầu đến đũa thậm chí phải có cả kế hoạch để xử lý trước sự cạnh tranh của hàng ngoại, hàng giả, hàng nhái... thay vì không có sự quản lý chặt chẽ như thời gian vừa qua.

PV: - Đại diện Bộ Công thương trong cuộc họp báo thường kỳ diễn ra vào ngày 5/5 cho biết, Bộ đã tập trung mở rộng thị trường nông sản và các mặt hàng hóa khác, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tại tất cả các thị trường. Song thực tế lại cho thấy, việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản thời gian vừa qua vẫn gặp khó khăn như tình trạng dưa hấu ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh (Trung Quốc), Trung Quốc ngừng thu mua ớt, xoài khiến giá giảm sâu, nông dân điêu đứng... Ông lý giải thực tế này như thế nào?

PGS TS Phạm Văn Nam: - Do sự chia cắt nên Bộ Công thương chỉ biết mua bán, không nắm được nguồn hàng nhiều hay ít hoặc có khi nắm được nhu cầu của thị trường nhưng lại không phản ánh xuống cho khâu sản xuất.

Yếu kém thứ 2 là các Bộ ngành chưa làm hết trách nhiệm được phân công, thực tế thời gian vừa qua khi xử lý nhiều tình huống, hầu hết nước đến chân mới nhảy, việc xảy ra mới xử lý thay vì theo dõi từ đầu đến cuối, chuẩn bị đối sách xử lý các tình huống đột xuất có thể xảy ra.

Thứ 3, trách nhiệm phải liên hệ với đối tác nhưng lại không liên hệ chặt chẽ nên không biết nhu cầu của họ ra sao, và khả năng tiêu thụ và thông quan cụ thể như thế nào.

Vắt kiệt sức nông dân

PV: - Nhiều chuyên gia đã chứng minh xuất khẩu nông sản Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, thương lái Trung Quốc nhập khẩu hoa quả, nông sản Việt Nam rồi phân loại, dán mác bán lại cho người Việt với giá cao. Trong khi Việt Nam nhập hoa quả, nông sản Trung Quốc không rõ nguồn gốc, thậm chí độc hại. Từ thực tế đó có thể hiểu, Trung Quốc điều tra thị trường nông sản, xúc tiến thương mại cho dân Trung Quốc tốt hơn, bài bản hơn...Việt Nam không và vì sao, thưa ông?

PGS TS Nguyễn Văn Nam: - Đây là thực tế đã diễn ra nhiều năm. Đáng ra ở điểm này có thể là cơ hội cho Việt Nam nhưng Việt Nam lại không biết chớp lấy cơ hội. Trung Quốc là thị trường với 1,3 tỷ dân, Trung Quốc đang tiến hành công nghiệp hóa, họ phải thu hẹp sản xuất nông nghiệp nên họ không có đủ sản phẩm để dùng nên có thể thấy đây là một cơ hội cực lớn cho Việt Nam để xuất khẩu nông sản các loại nguyên liệu và chế biến nhưng Việt Nam lại không nắm bắt cơ hội để chuẩn bị lực lượng.

Từ trước đến nay, Việt Nam xuất sang Trung Quốc chỉ là khi Trung Quốc có nhu cầu mua mới đưa hàng đến bán, không có giao dịch trước, hợp đồng dài hạn và quy cách tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch. Có thể thấy hình ảnh khi Trung Quốc có nhu cầu mua thương lái Việt Nam lại hùng hục chở lên biên giới để bán tiểu ngạch. Việt Nam cần phải thấy cơ hội để chuẩn bị bài bản, biết mới tổ chức cho nông dân tập trung sản xuất tiêu thụ.

Thêm nữa, lối mua bán của Việt Nam từ trước đến nay vẫn là lối mua bán chộp giật, tức là có khách mua lãi 1-2 đồng cũng đua nhau đổ xô vào bán, khi đổ xô vào bán, cung nhiều cầu ít khiến giá bị thấp.

Các bộ ngành chức năng phải nắm chắc, thông tin cho người sản xuất và các doanh nghiệp biết. Nghiệp vụ thương mại phải nâng cao, mua bán trao tay tiến tới hợp đồng, từ hợp đồng ngắn hạn đến hợp đồng dài hạn, tiến tới mua bán kỳ hạn bảo đảm.

Nghiệp vụ thương mại ở các nước như Thái Lan, Malaysia đã làm theo thông lệ quốc tế, ít khi buôn bán tiểu ngạch vì tiểu ngạch rất nhỏ, họ làm chính ngạch theo những hợp đồng kỳ hạn, gắn vào chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu, buôn bán thay vì buôn bán tiểu ngạch và chộp giật song Việt Nam qua mấy chục năm đổi mới nhưng nghiệp vụ thương mại vẫn chưa tiến bộ được bao nhiêu.

PV: - Liên quan đến việc thương vụ bán 800.000 tấn gạo cho Philippines thông qua hình thức đấu thầu diễn ra gần đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA, trực tiếp là 2 Tổng Công ty Lương thực Vinafood 1, Vinafood 2 đã chào bán với giá quá bèo, mất đi khoản tiền khổng lồ, ước tính lên tới 23,2 triệu USD. Phải chăng do không am hiểu đối thủ và những quyết định non kém đã dẫn đến điều này, hậu quả sẽ là gì, thừa ông?

PGS TS Nguyễn Văn Nam: - Từ trước đến nay, do nghiệp vụ thương mại kém cỏi nên không tiến hành giao dịch được, không tiến hành mua bán hợp đồng dài hạn, gạo Việt Nam đều thấp hơn giá gạo Thái Lan, trước đây là 50-60 USD/tấn thậm chí thấp hơn 100 USD/tấn.

Đội ngũ thương nhân Việt Nam tầm còn thấp, không có nghiệp vụ, mua bán chưa vững vàng nên sợ ế, không bán được, khi đấu thầu đặt giá thấp để chắc thắng nhưng đặt giá thấp nếu nông dân giữ giá cao, họ sẽ là người thua lỗ nhưng thế mạnh không nằm trong tay nông dân mà nằm trong tay các Tổng công ty Lương thực nên các Tổng công ty này lại ép giá khiến giá lúa gạo thu mua của nông dân sẽ ở mức thấp, việc đấu thầu giá thấp đẩy cho nông dân gánh.

Với lần bỏ thầu giá thấp này, tất cả thương nhân nước ngoài mua gạo Việt Nam đều lấy giá này làm đối sánh đánh sập toàn bộ giá gạo Việt Nam xuống thấp. Ngành lúa gạo Việt Nam là một thế mạnh nhưng càng ngày càng bị bào mòn, vắt kiệt sức của nông dân do sự yếu kém của thương nhân và nhà nước tổ chức quản lý chuỗi giá trị sản phẩm gạo không làm được. Nhà nước yếu kém không quản lý lại để quan chức về hưu làm Hiệp hội không có tư duy về kinh doanh mà chỉ ngồi để ăn chặn, tiếp tục lấy tư duy bao cấp ra làm.

PV: - Có thể thấy, trong mọi rủi ro của sản xuất nông nghiệp, người nông dân luôn là người chịu thiệt hại đầu tiên và gần như là duy nhất. Ông bình luận như thế nào về thực tế này? Và để người nông dân thoát khỏi tình trạng thiệt trăm đường như hiện nay, phải có những biện pháp thế nào, thưa ông?

PGS TS Nguyễn Văn Nam: - Với cách mua bán như hiện nay chỉ nông dân là người chịu thiệt cho nên phải cải cách toàn bộ hệ thống thương mại, chuyển sang thương mại chính ngạch và hợp đồng kỳ hạn. Như cà phê là mặt hàng lớn nhưng đến nay vẫn hái đến đâu bán đến đấy, thiết lập sàn giao dịch cà phê nhưng mấy năm nay vẫn không làm được trong khi các nước khác như Singapore, Thái Lan đã có rất nhiều sàn giao dịch, nhỏ như Hồng Kông cũng có nhiều sàn giao dịch. Mua bán như vậy mới có lợi cho nông dân, chưa sản xuất xong họ đã biết giá bán của mặt hàng là bao nhiêu.

Theo Tâm An

khanhnt

Đất Việt

Trở lên trên