MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông dân ngày càng “lép vế”

22-10-2013 - 09:00 AM |

Nghịch lý ở chỗ, khi giá gạo trên thị trường tăng cao nhưng thu nhập của người trồng lúa cũng chỉ được rất ít.

Hơn 20 năm xuất khẩu gạo, Việt Nam đã từng bước chiếm ngôi quán quân trên thị trường thế giới. Nông dân đóng vai trò then chốt để sản xuất ra lúa, gạo vừa giữ vững an ninh lương thực trong nước và cung ứng xuất khẩu. Thế nhưng, những kết quả “tổng kết” mới đây khiến nhiều người bức xúc: “Mức lợi nhuận 30% người trồng lúa được hưởng đã không còn hợp lý khi họ phải bỏ ra 60% - 70% tổng chi phí sản xuất, chưa kể đến những rủi ro thiên tai, dịch hại”.

Lợi nhuận không công bằng

Theo báo cáo “Ai được hưởng lợi khi giá gạo tăng cao” do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) cùng với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam thực hiện, cho thấy: Khi giá gạo trên thị trường thế giới giảm, kéo giá bán lúa của nông dân xuống thấp. Trong trường hợp đó, lợi nhuận từ trồng lúa đã thấp lại càng thấp hơn. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, khi giá gạo trên thị trường tăng cao nhưng thu nhập của người trồng lúa cũng chỉ được rất ít.

Điều này có thể thấy rất rõ nếu so sánh giá lúa bán tại hộ nông dân với giá gạo xuất khẩu năm 2008. Khi giá gạo xuất khẩu tăng từ mức 430 USD/tấn vào đầu năm 2008, lên mức trên 900 USD/tấn vào tháng 5 năm 2008 thì giá gạo nông dân bán tăng chưa được 100 USD/tấn. Rõ ràng nông dân được hưởng lợi không nhiều từ việc tăng giá gạo. Bên cạnh đó, báo cáo phân tích chuỗi giá trị gạo xuất khẩu tại An Giang cho thấy, nông dân thường chỉ nhận được khoảng 30% lợi nhuận trong chuỗi giá trị, phần còn lại do các khâu trung gian và doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng.

Thực tế với nông dân, ruộng đồng hết khô hạn, nước mặn, mưa chụp đến bị lũ nhấn chìm… là những nguyên nhân làm hàng chục ngàn nông dân ở ĐBSCL nghèo vẫn hoàn nghèo. “Thời điểm vào vụ thu hoạch rộ giá lúa lại rớt thê thảm. Nhiều lúc, nông dân phải bấm bụng bán lúa dưới giá thành sản xuất, chúng tôi gần như không quyết định được giá bán, phải bán lúa theo giá thương lái đưa ra”, anh Út Lù, một nông dân ở xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, người có hơn 20 năm trồng lúa chua xót nói.

Theo cách tính của TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, ví dụ một hộ nông dân có 1ha đất trồng lúa, một năm làm 2 vụ, thu hoạch được khoảng 12 tấn. Nếu cho mức lãi lên đến 50% thì sẽ lãi được 6 tấn lúa. Lấy giá thị trường khoảng 6.000 đồng/kg lúa sẽ thu lãi được 36 triệu đồng, bình quân mỗi tháng chỉ được 3 triệu đồng. Với mức thu nhập này, một gia đình bình thường với vợ chồng và 2 đứa con không thể sống tốt được với chi phí sinh hoạt hàng ngày, chưa kể học hành, ốm đau…

Tuy nhiên, phần lớn nông dân ở ĐBSCL đều có diện tích sản xuất lúa dưới 1ha, nên thu nhập càng thấp hơn. Đó là chưa kể tình trạng được mùa mất giá, điển hình như vụ đông xuân hiện nay. Đây là hậu quả của sự thiếu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Nông dân cứ sản xuất, ai mua thì mua; còn doanh nghiệp có lợi nhuận cao mới mua, không thì thôi. Chính cung - cầu không gặp nhau đã gây nên chuyện được mùa mất giá triền miên trong nhiều năm qua, mà nông dân bao giờ cũng là người lãnh đủ.

Bài toán tái cơ cấu ngành nông nghiệp

“Việt Nam vẫn còn thiếu một chiến lược xuất khẩu gạo”, đây là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế nghiên cứu về tình hình kinh doanh - xuất khẩu gạo của Việt Nam trong hơn 2 thập niên qua. Cho đến nay, Việt Nam chưa có những phân tích thị trường lúa gạo quốc tế một cách bài bản, những đối thủ chính cạnh tranh trong lĩnh vực lúa gạo; năng lực của doanh nghiệp Việt Nam ra sao, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về lượng và chất hay không; chiến lược marketing lúa gạo như thế nào; dựa trên những phân khúc thị thị trường nào…? 

Ngành hàng lúa gạo chưa xác định được chiến lược marketing đúng nên vẫn buôn bán theo chuyến, theo cách “ai mua thì tôi bán” và “bán thứ mình có chứ không bán thứ thị trường cần”. Chính vì vậy, khi xảy ra các tình huống khó khăn về đầu ra, thân phận người trồng lúa càng mong manh.

Chuỗi giá trị sản xuất và xuất khẩu hiện nay: nông dân - thương lái (có khi đến 2 trung gian) - xay xát - lau bóng - doanh nghiệp xuất khẩu… Trong chuỗi liên quan này, điểm yếu nhất trong chuỗi là những người trồng lúa. 

Đó là một tập hợp rời rạc của hàng triệu nông hộ sản xuất trên mảnh ruộng của mình. Vùng ĐBSCL, nơi chiếm ½ sản lượng lúa, có gần 2 triệu hộ với gần 2 triệu ha đất canh tác. Do sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mưa bão, lũ lụt nên nông dân trở thành nhóm sản xuất rất dễ bị tổn thương. Biến đổi khí hậu là vấn đề lớn và họ bị tác động mạnh nhất. 

Thiếu hệ thống bảo hiểm rủi ro, giao thông đi lại khó khăn, thiếu vốn, thiếu tài sản, trình độ học vấn thấp và thiếu khả năng tiếp cận tín dụng nên nông dân chịu tác động mạnh nhất khi các yếu tố đầu vào tăng giá. Khi giá lúa tăng, họ không được hưởng lợi trọn vẹn, nhưng khi giá lúa sụt giảm thì gánh chịu rất lớn.

Vì vậy, có ý kiến đề xuất, trước mắt nhằm phân phối đúng chuỗi lợi nhuận cần tập trung vào tín dụng cho nông dân và dự trữ đảm bảo an ninh lương thực. Tín dụng ở đây, cần được cung cấp để giúp nông dân cải thiện tình trạng phải bán gấp lúa trả nợ tại thời điểm thu hoạch. 

Ngoài ra, muốn sản xuất, xuất khẩu bền vững cũng cần tổ chức lại sản xuất, thực hiện theo chuỗi ngành hàng, có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Và cuối cùng trong chuỗi giá trị hạt gạo cần phân chia lợi ích cân bằng đối với các chủ thể cùng tham gia. Hiện lợi ích của hai chủ thể này chưa hài hòa với nhau, nông dân vẫn chịu rất nhiều thiệt thòi và ngày càng “lép vế”!

Theo Hàm Luông – Vĩnh Tường

khanhnt

Sài Gòn giải phóng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên