Nuôi heo bằng chất cấm tạo nạc: Nên xử lý hình sự
Đồng Nai vừa phạt 14 trang trại nuôi heo sử dụng chất tạo nạc, vốn rất nguy hiểm cho người tiêu dùng. Lãnh đạo thú y Đồng Nai đề xuất nên xử lý hình sự việc đầu độc miếng ăn của người dân.
- 29-07-2015Thịt ngoại nhập thắng thế nhờ... giá rẻ
- 27-07-2015Phát hiện 5 tấn thịt gà quá đát chuẩn bị ra chợ
- 25-07-2015Liên tục phát hiện cơ sở sản xuất thịt chua giả
Câu chuyện này không mới, nhưng kéo dài dai dẳng bởi người nuôi, thương lái vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe người dân Việt.
Tỉnh Đồng Nai vừa kiểm tra 48 trang trại chăn nuôi heo và phát hiện 14 trại có sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi. Đây là điều bất thường vì trước đó, năm 2012 báo chí liên tục phản ánh tình trạng sử dụng chất cấm tạo nạc cho heo nhưng mới ở mức các hộ nuôi nhỏ lẻ.
Kết quả xét nghiệm cho thấy người nuôi hầu hết sử dụng chất salbutamol được ngành y điều trị hen suyễn để trộn vào thức ăn, tạo nạc cho heo để bán được giá.
Thương lái móc nối chủ trại cho heo dùng chất cấm
Các trại chăn nuôi heo bị phát hiện có sử dụng chất cấm nằm ở huyện Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Trảng Bom và Long Thành.
Theo một thành viên trong đoàn kiểm tra, mỗi trang trại vi phạm có đàn heo khoảng 100 con. Có trường hợp khi đoàn vào lấy mẫu nước tiểu trên heo đã gặp phải sự phản ứng, chửi bới của một số chủ trang trại.
Khi xác định các mẫu dương tính với chất cấm, chi cục thú y đã ra quyết định xử phạt mỗi hộ 15 triệu đồng về hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Sau khi phát hiện các trại trên vi phạm, lực lượng đã lập biên bản, yêu cầu từng trại giữ lại đàn heo có dương tính với chất cấm.
Trong tuần tới, đoàn kiểm tra tiếp tục kiểm tra các đàn heo có còn tồn dư chất cấm hay không mới cho “giải tỏa” đàn.
Ông Trần Văn Quang - chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai - cho biết: “Trước đây chúng tôi kiểm tra có phát hiện những trường hợp sử dụng chất cấm thường rơi vào các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng lần này phát hiện có nhiều trang trại sử dụng. Các trường hợp sử dụng chất cấm thường do thương lái móc nối, đưa chất cấm cho trang trại phối trộn với thức ăn và hứa mua giá heo hơi cao”.
Theo một thương lái heo tại Biên Hòa, việc sử dụng chất cấm để tạo nạc trong chăn nuôi vừa bởi người dân ham lợi nhuận nhưng cũng còn do một số đối tượng thương lái ép họ phải làm như vậy.
Thương lái này giải thích heo sử dụng chất tạo nạc lớn nhanh hơn, ít mỡ, nhiều nạc và màu sắc thịt tươi nên được người sử dụng và các công ty chế biến ưa dùng.
Do đó, chính các thương lái ép nông dân phải sử dụng chất cấm này, nếu không sẽ không mua heo. Do đây là chất cấm, nên các thương lái chính là đầu mối phân phát tới các trang trại liên kết làm ăn với họ và trả thêm 1.000-2.000 đồng/kg heo “ăn thuốc” so với heo thường.
Theo kinh nghiệm của các thương lái, chỉ cần dùng mắt thường cũng phân biệt heo nào dùng thuốc heo nào không.
“Heo thường thấy người vào thì kêu và di chuyển đi chỗ khác, còn heo nuôi bằng thuốc tạo nạc thì nằm im trên sàn chỉ thở. Một số con heo cố đứng lên mà chân yếu quá run run, muốn bước đi cũng không nổi” - thương lái này cho biết.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người
Theo PGS.TS Lã Văn Kính - giám đốc Phân viện chăn nuôi Nam bộ, các chất thuộc nhóm beta-agonist giúp giảm lượng mỡ của cơ thể heo, đồng thời kích thích sự phát triển cơ (tạo nạc) ở vật nuôi.
Thông thường hiện nay, người ta bán heo ở mức trọng lượng 100-110 kg/con vì trên mức đó tỉ lệ tạo mỡ rất cao. Thế nhưng bằng việc sử dụng chất tạo nạc nhóm beta-agonist, heo có thể đạt đến trọng lượng 130 - 140 kg/con mà mỡ rất ít.
Một số hộ nuôi chuyên tận dụng thức ăn thừa trong các bếp ăn công nghiệp để nuôi heo. Thức ăn loại này khiến heo có nhiều mỡ nên họ thường sử dụng nhiều chất tạo nạc.
Về mặt y học, các chất nhóm beta-agonist có tác dụng làm giãn cơ cuống phổi, giãn cơ tử cung, đồng thời kích thích giải phóng insulin...
Trong y tế, salbutamol được dùng trong chữa bệnh hen suyễn ở người nhưng với liều lượng nhỏ và có sự kiểm soát.
Còn để đưa vào mục đích kích thích tạo nạc cho heo phải dùng liều lượng lớn sẽ rất nguy hiểm cho con người nếu ăn thịt heo có chất cấm bị tồn dư. Các chất này có thể gây ảnh hưởng lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tim mạch của người sử dụng thịt heo có chất cấm.
BS Trần Bá Thoại cho biết: “Ngộ độc thức ăn có chứa clenbuterol rất nguy hiểm đối với bệnh nhân tim mạch, đặc biệt những bệnh nhân bị rối loạn nhịp, suy tim và bệnh mạch vành. Clenbuterol cũng tích lũy nhiều trong nội tạng của động vật, đặc biệt gan. Clenbuterol không bị hủy khi đun nấu nhiệt độ cao”.
Theo ông Kính, tác hại của chất tạo nạc bị cấm sử dụng trong chăn nuôi đã được thế giới nghiên cứu từ rất lâu. Ở VN, các chất tạo nạc gốc beta-agonist như ractopamine, clenbuterol và salbutamol đã bị cấm từ năm 2002.
Thế nhưng 13 năm qua rồi mà tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn thường xuyên diễn ra, thời gian gần đây còn phức tạp và trên quy mô lớn hơn cho thấy các biện pháp quản lý và xử lý của chúng ta chưa hiệu quả.
“Tôi cho rằng cần nâng cao mức độ xử phạt đối với các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi” - ông Kính cho biết.
Cấm xuất chuồng 2 tháng để heo sạch sẽ
Ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: “Tình trạng này đã xảy ra nhiều lần trước đây rồi, nhưng có thể do xử phạt, chế tài chưa đủ răn đe nên nó cứ tái đi tái lại nhiều lần”.
Cũng theo ông Công, từ trước tới nay không chỉ hiệp hội mà quan điểm của tất cả những người chăn nuôi chân chính luôn mong muốn cơ quan chức năng mạnh tay hơn với những hành vi chăn nuôi thiếu đạo đức.
Bởi cả ngàn hộ chăn nuôi nhưng chỉ có một hộ vi phạm cũng khiến ngành chăn nuôi, hiệp hội và người tiêu dùng bị ảnh hưởng theo.
“Sự việc hiện nay không thể nói những người vi phạm không biết, mà đây là hành vi biết nhưng vẫn cố tình vi phạm. Vấn đề này liên quan đến ý thức của người chăn nuôi. Đây là một điều đáng buồn cho ngành chăn nuôi Đồng Nai và cả VN” - ông Công nói.
Nhưng biện pháp nào để xử lý nghiêm các trang trại sử dụng chất cấm? Ông Nguyễn Trí Công nói ngoài xử phạt theo quy định, cơ quan chức năng hữu trách tại địa phương cần có hình thức xử phạt bổ sung nặng hơn.
Cụ thể, hiện nay khi đàn heo dương tính với chất cấm cho tạm giữ đàn trong 10 ngày rồi xét nghiệm lại thì cần tạm giữ khoảng hai tháng để heo hoàn toàn sạch sẽ, không còn tồn dư chất nguy hại mới cho xuất chuồng.
Như vậy thịt heo đến tay người tiêu dùng an toàn, người vi phạm còn bị thiệt hại nặng về kinh tế khiến họ phải e dè nếu tái phạm.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Xử lý hình sự mới đủ răn đe
Cũng theo ông Công, Đồng Nai đang cố gắng thực hiện chuỗi chăn nuôi khép kín từ khâu chọn giống - chăn nuôi - giết mổ để người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm thịt heo nội địa, thúc đẩy ngành chăn nuôi heo phát triển.
Vì vậy, trước thực trạng sử dụng chất cấm vẫn diễn ra, các cơ quan liên quan cần tổ chức các đoàn thường xuyên kiểm tra các trang trại ngẫu nhiên, liên tục nhằm có biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đồng thời, công bố các trang trại vi phạm lên phương tiện truyền thông đại chúng...
Trong khi đó, ông Trần Văn Quang nói: “Xử phạt hành chính, công khai danh tánh người vi phạm chúng tôi cũng làm rồi.
Nhưng theo tôi, biện pháp lâu dài phải tính toán đến việc xử lý hình sự các chủ trang trại mua bán, sử dụng chất cấm để bảo vệ các trại nuôi heo chân chính.
Tôi nhấn mạnh việc xử lý hình sự vừa đảm bảo sản phẩm chăn nuôi có chất lượng trước khi đến tay người tiêu dùng vừa đủ sức răn đe những ai hám lợi mà coi thường sức khỏe của cộng đồng, chứ phạt hành chính như hiện nay thì chưa đủ làm họ sợ”.
Mặt khác, theo ông Quang, việc quản lý chất cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi vẫn còn rất nhiều kẽ hở.
Đơn cử như chất salbutamol trong nông nghiệp xem là chất cấm sử dụng, nhưng ngành y tế sử dụng vào việc chữa bệnh cho người nên thị trường còn lưu thông, nhất là nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc. “Vì vậy một số thương lái còn sử dụng kẽ hở này để bán cho những trại nuôi kiếm lợi mà bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng...” - ông Quang cho biết.
Theo ông Phạm Đức Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đang có tranh cãi khác nhau ở các quốc gia trong việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi.
Ví dụ, trong ba chất phổ biến gốc beta-agonist mà VN cấm sử dụng trong chăn nuôi là ractopamine, clenbuterol và salbutamol thì Mỹ lại cho sử dụng ractopamine với điều kiện trước bảy ngày xuất chuồng phải ngưng sử dụng.
VN đã ký thỏa thuận thương mại với Mỹ, trong đó có cho phép nhập khẩu thịt heo và không kiểm soát chất này trong thịt nhập khẩu.
Như vậy nông dân VN ở trong thế khó khi phải cạnh tranh với nền nông nghiệp hùng mạnh của Mỹ và nông dân Mỹ được sử dụng chất tạo nạc trong khi VN lại cấm. Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng đã kiến nghị điều này lên Bộ NN&PTNT và Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi tổ chức hội thảo để lấy ý kiến các nhà khoa học về vấn đề này.
"Tôi đề nghị VN cho người chăn nuôi sử dụng chất ractopamine để tạo nạc và thay thế các chất clenbuterol và salbutamol như hiện nay” - ông Bình đề xuất.
“Vương quốc” heo
Tỉnh Đồng Nai được xem như “vương quốc” heo trên cả nước, với gần 2.500 trang trại heo có tổng đàn trên 1,5 triệu con. Đây cũng là địa bàn cung cấp thịt heo cho nhiều địa phương, trong đó đặc biệt là TP.HCM.
Ông NGUYỄN XUÂN DƯƠNG (phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn):
Cần đẩy mạnh lấy mẫu thịt, nước tiểu ở các lò mổ để giám sát
Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong các văn bản pháp quy đều có quy định cấm sử dụng, nhưng trong chăn nuôi, trong buôn bán chúng ta vẫn phát hiện việc sử dụng chất cấm.
Để ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, cần đẩy mạnh lấy mẫu thịt, nước tiểu ở các lò mổ để kiểm tra, giám sát.
Nếu phát hiện thì ngăn chặn không cho bán ra thị trường, kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, giết mổ vi phạm. Không dừng ở việc kiểm tra, phát hiện và bắt đóng cửa, mà cần có hình thức xử phạt cao hơn.
Đồng thời khuyến cáo người dân cách nhận biết và không sử dụng thịt có chứa chất cấm. Làm như vậy mới từng bước ngăn chặn được việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
LAN ANH ghi
Tuổi trẻ