Phản ứng của Malaysia sau khi Mỹ áp thuế đối với tôm
Malaysia cho biết Mỹ đánh thuế cao đối với tôm đông lạnh Malaysia là do một số công ty của nước này đã từ chối hợp tác với Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ trong quá trình điều tra.
Riêng Công ty Asia Aquaculture (M) Sdn Bhd có mức thuế thấp
hơn do tự nguyện hợp tác với phía Mỹ trong vụ việc này.
Bộ Nông nghiệp Malaysia cũng kêu gọi tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu cần tuân
thủ các thủ tục thương mại quốc tế, các quy định và hợp tác trong mọi khía cạnh
của cuộc điều tra do các cơ quan chức năng nước ngoài thực hiện.
Để giải quyết vấn đề này, một ủy ban hành động đã được thành lập dưới sự đồng
chủ trì của Bộ Nông nghiệp và Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia kể
từ khi cuộc điều tra được bắt đầu, nhằm giúp các công ty liên quan. Hiện Ủy ban
này đang nghiên cứu các tài liệu chính thức của Bộ Thương mại Mỹ nhằm tìm ra
các biện pháp khắc phục.
Theo cơ cấu thuế của Bộ Thương mại Mỹ, Công ty Asia Aquaculture (M) Sdn Bhd của
Malaysia phải chịu mức thuế 10,8% trong khi các công ty khác phải chịu mức thuế
là 54,5%.
Ngoài Malaysia, bốn quốc gia khác gồm Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam
cũng bị áp thuế chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm đông lạnh. Theo số liệu thống
kê, năm 2012, năm nước kể trên đã xuất khẩu 208.000 tấn tôm đông lạnh, trị giá
1,7 tỷ USD vào thị trường Mỹ.
Quyết định áp thuế chống trợ cấp của Bộ Thương mại Mỹ còn phải được Ủy ban
Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) thông qua mới có hiệu lực. Dự kiến, ITC sẽ bỏ phiếu
vào ngày 19/9 năm nay.
Theo đơn kiện của các nhà sản xuất tôm trong nước và Liên minh ngành công nghiệp
tôm Vịnh Mexico, Bộ Thương mại Mỹ đã mở cuộc điều tra về trợ giá tôm xuất khẩu
của 7 nước (gồm 5 nước nêu trên cùng Thái Lan và Indonesia). Tuy nhiên, hai nhà
cung cấp chính là Thái Lan và Indonesia được miễn thuế nhập khẩu./.