MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quản lý giống tôm thẻ chân trắng: Công khai DN đảm bảo điều kiện

22-12-2013 - 16:07 PM |

Sở dĩ chúng ta phải tiến hành truy xuất nguồn gốc tôm giống là do chất lượng tôm giống phụ thuộc rất lớn vào tôm bố mẹ.

Đoàn công tác của Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NNPTNT) vừa kết thúc đợt kiểm tra “Truy xuất nguồn gốc tôm thẻ chân trắng bố mẹ tại Thái Lan, Singapore, Indonesia” nhằm siết chặt công tác quản lý nguồn tôm giống nhập khẩu hiện nay.

Tới đây, việc quản lý nguồn tôm giống nhập khẩu từ nước ngoài như thế nào? Chúng tôi đã phỏng vấn ông Dương Tiến Thể - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thuỷ sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT). 

Thưa ông, việc thành lập các đoàn và tổ chức thanh tra nhằm truy xuất nguồn gốc tôm giống tại nước ngoài nhằm những mục đích gì?

- Sở dĩ chúng ta phải tiến hành truy xuất nguồn gốc tôm giống là do chất lượng tôm giống phụ thuộc rất lớn vào tôm bố mẹ. Tôm bố mẹ to khỏe, có chất lượng di truyền đảm bảo, nhất là với tôm thẻ chân trắng, thì mới đảm bảo có nguồn tôm thương phẩm chất lượng tốt, sạch bệnh. Trong khi đó, trước tình trạng tôm bố mẹ nhập khẩu giá cao đã xuất hiện một vài cơ sở tự gia hóa tôm bố mẹ rồi trà trộn với tôm nhập khẩu, hoặc sang nước ngoài đặt mua tôm bố mẹ của các cơ sở không đảm bảo chất lượng với giá rẻ đã làm ảnh hưởng tới chất lượng tôm giống.

Vì vậy, một mặt Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra điều kiện sản xuất của các cơ sở tôm giống, mặt khác thành lập đoàn truy xuất nguồn gốc tôm bố mẹ tại các nước xuất khẩu vào Việt Nam.

Qua đợt kiểm tra vừa rồi, quy trình sản xuất và chất lượng tôm giống của các nước nhập khẩu vào Việt Nam ra sao?

- Chúng tôi đã kiểm tra các doanh nghiệp theo hồ sơ nhập khẩu ở các nước Thái Lan, Singapore, Indonesia. Tại Thái Lan, đoàn đã kiểm tra 4 cơ sở và phát hiện Công ty Winaiphonoi không thực hiện nghiên cứu chọn giống mà mua giống của các công ty khác về nuôi tôm thịt, sau đó chọn những con lớn làm tôm bố mẹ. Công ty này trong năm 2013 đã bán tôm bố mẹ cho 4 cơ sở sản xuất tôm giống của Việt Nam. 

Tại các công ty khác của Thái Lan, Singapore, Indonesia đều có chương trình chọn giống nghiêm túc do chuyên gia đến từ Mỹ, Colombia, Ecuquado... đảm nhiệm, có hạ tầng đảm bảo cho nghiên cứu, thực hiện chương trình giám sát bệnh và quy chế quản lý an ninh sinh học trang trại chặt chẽ.

Trong thời gian qua, tình trạng tôm nuôi bị chết xảy ra ở nhiều nơi, theo ông có nguyên nhân do chất lượng giống và liệu có liên quan tới chất lượng nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu từ các nước này? 

- Tôm giống tốt mà môi trường ô nhiễm, kỹ thuật nuôi không thích hợp thì vẫn chết. Năm 2013, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại là hơn 70.000ha. Ngoài môi trường ô nhiễm, kỹ thuật nuôi không thích hợp, một nguyên nhân nữa là tôm giống mang mầm bệnh từ nguồn tôm bố mẹ. Đối với những công ty cung cấp tôm bố mẹ không có chương trình chọn giống khoa học, cơ sở hạ tầng không đảm bảo an ninh sinh học thì tôm bố mẹ của họ cung cấp sẽ không đảm bảo chất lượng di truyền và không sạch bệnh, tất yếu sẽ đưa mầm bệnh vào trại giống sau đó phát tán bệnh theo con giống ra các vùng nuôi.

Sau đợt kiểm tra vừa rồi, Tổng cục Thủy sản sẽ đưa ra những đề xuất, kiến nghị gì để quản lý tốt hơn chất lượng tôm giống?

- Chúng tôi đã thông báo kết quả kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất tôm thẻ chân trắng xuất khẩu vào Việt Nam trên website của Tổng cục Thủy sản, với các trại giống nhập tôm bố mẹ từ các công ty đảm bảo điều kiện, cụ thể là từ Thái Lan: Công ty CP và Công ty SyAqua; từ Singapore: Công ty SIS; từ Indonesia: Công ty Global Gen (Bitit Unggul), Công ty Prima Gen. Đặc biệt, Tổng cục Thủy sản lưu ý các trại khi nuôi tôm bố mẹ bằng thức ăn tươi sống như mực tươi, hàu... phải xử lý tiệt trùng thức ăn vì đây là con đường đưa nguồn bệnh vào tôm bố mẹ. 

Tổng cục Thủy sản cũng đã thiết lập đường dây nóng với các nước sản xuất tôm bố mẹ như Thái Lan, Singapore, Indonesia để kiểm soát nguồn tôm bố mẹ trước khi nhập vào Việt Nam. 

Xin cảm ơn ông.

Theo Thanh Xuân

khanhnt

Dân Việt

Trở lên trên