Quyết liệt ngăn ngừa “nạn” phân bón giả
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận: Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đối với một số loại vật tư nông nghiệp, đặc biệt phân bón, phân bón vô cơ đang gây “nhức nhối” trong dư luận.
Trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời, làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm như: Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A; chất lượng hàng hóa, vật tư; tình hình hàng giả trong nông nghiệp…
Trước lo lắng của đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) về hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, trong báo cáo của Chính phủ, Bộ Công Thương được sự uỷ quyền của Thủ tướng đã báo cáo rõ với Quốc hội và tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội năm 2012 và 5 tháng đầu năm 2013 Bộ cũng có dịp báo cáo lại.
Theo đó, hai dự án đang ở trong giai đoạn được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá về tác động môi trường. Kết quả như thế nào, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo với Chính phủ, Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội. “Chúng tôi khẳng định nếu tác động xấu đến môi trường trong đó có ảnh hưởng lớn đến vườn quốc gia Cát Tiên, chắc chắn Chính phủ sẽ kiến nghị với Quốc hội không xem xét”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.
Về vấn đề vật tư nông nghiệp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận: Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đối với một số loại vật tư nông nghiệp, đặc biệt phân bón, phân bón vô cơ đang gây “nhức nhối” trong dư luận; gây tác hại không nhỏ đến quyền lợi của người nông dân cũng như đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm của Việt Nam.
Trong các loại phân vô cơ diễn biến phức tạp về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, tập trung vào phân bón NPK và một số loại phân vi sinh, còn phân đạm và phân DAP, cho đến nay, Bộ Công Thương chưa phát hiện được trường hợp làm giả như các trường hợp với phân NPK và phân vi sinh.
Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng quản lý thị trường thuộc ngành Công Thương, thanh tra của Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ NN&PTNT cùng với các địa phương triển khai nhiều biện pháp để làm thế nào đấu tranh chống lại nạn hàng giả, hàng kém chất lượng này trong phân bón. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong muốn.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đưa ra hai nguyên nhân chính dẫn đến công tác phòng, chống gian lận thương mại trong lĩnh vực phân bón chưa hiệu quả. Thứ nhất, khung pháp lý hiện nay điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón vô cơ mặc dù đã được quan tâm nhưng cùng với thời gian đã xuất hiện một số bất cập.
Cụ thể: Việc quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón được thực hiện theo Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 7/10/2003 và được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 191/2007/NĐ-CP ngày 31/12/2007, tuy nhiên vẫn còn bất cập.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng một dự thảo nghị định mới thay thế cho hai nghị định này với tinh thần làm sao có thể bao quát được các diễn biến mới của tình hình sản xuất kinh doanh phân bón; không tạo ra kẽ hở cho các hoạt động vi phạm về thương mại trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nay.
Đến nay, dự thảo nghị định đã được xây dựng xong và đang ở trong quá trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Dự kiến cuối tháng 6/2013, Bộ Tư pháp có thể sẽ xem xét, thẩm định và trình với Chính phủ ban hành. Sau khi được ban hành, nghị định mới sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý cho hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh phân bón.
Nguyên nhân thứ hai là chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, nhiều cơ sở bị phát hiện sai phạm, bị xử phạt, nhưng vẫn tái phạm.
Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì và xây dựng dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất phân bón và đến nay thì dự thảo đã hoàn thành và đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Khi Bộ Tư pháp thẩm định xong sẽ trình Chính phủ xem xét để ban hành.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: “Hai nghị định này mới chỉ là công cụ pháp lý. Điều quan trọng, các lực lượng chức năng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực phân bón”.
Theo Bộ Công Thương, với chủ trương phát triển mạnh ngành công nghiệp phân bón để chủ động phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước, hạn chế nhập khẩu, sản xuất phân bón vô cơ trong nước đã không ngừng tăng trưởng. Hiện nay, năng lực sản xuất của các nhà máy đã đáp ứng được 80% nhu cầu nội địa với tổng sản lượng khoảng 8 triệu tấn các loại. Quan trọng hơn, các loại phân bón chính có ảnh hưởng lớn trên thị trường như ure, NPK, lân… đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. |
Theo Nguyễn Hải