MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái canh cà phê ở Tây Nguyên khó khăn thế nào?

20-11-2013 - 23:17 PM |

Để tái canh cà phê thành công, nông dân cần chờ đợi ít nhất 5 năm, thất thu ít nhất 150 triệu đồng/ha.

Tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cà phê ở Tây Nguyên là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát trong phiên họp chiều qua và sáng nay 20/11. Ngành sản xuất quan trọng này đang một lúc phải giải quyết 2 vấn đề: giá cà phê trên thị trường xuống rất thấp, và hàng trăm ngàn héc-ta cà phê già cỗi, kém hiệu quả cần được tái canh nhưng vẫn gặp khó về nguồn vốn và kỹ thuật. 

Theo Viện Khoa học Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên, trong số hơn 500.000 ha cà phê của khu vực hiện đã có ít nhất hơn 120.000 ha bị già cỗi (hơn 20 năm tuổi), năng suất dưới 1,5tấn/ha. Với giá thị trường khoảng 30 triệu đồng/tấn cà phê nhân như hiện nay, nông dân lỗ khoảng 10 triệu đồng/ha.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắc Min, tỉnh Đắc Nông cho biết, nhiều nông dân muốn phá cà phê già để trồng lại, nhưng vẫn rụt rè vì chưa tin vào những mô hình tái canh đã thực hiện.

“Hiện nay, trên địa bàn của huyện Đắc Min có khoảng 24.000 ha cà phê, tuy nhiên trên 30% cà phê già cỗi và cần phải tái canh. Cách đây vài năm, huyện Đắc Min cũng đã triển khai một số mô hình tái canh cây cà phê tuy nhiên dẫn đến sự thất bại do chưa được chuẩn bị kỹ càng do vậy ảnh hưởng tâm lý người nông dân. Mỗi vườn cây cà phê là nguồn thu chính của người nông dân, do vậy tâm lý nếu bỏ vườn cây sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập”- ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện khoa học Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên, việc tái canh cà phê gặp khó, chủ yếu là vì việc này cần ít nhất 2 năm cải tạo đất và 3 năm kiến thiết cơ bản. Trong khi đó, nông dân không muốn chờ đợi, vì như vậy bà con bị cắt đứt thu nhập trong thời gian quá dài. Nông dân nóng vội dẫn đến kết quả thất bại 88%.

Như vậy, để đảm bảo tái canh cà phê thành công, nông dân cần chờ đợi ít nhất 5 năm, thất thu ít nhất 150 triệu đồng/ha. Cùng với đó, vốn đầu tư cho các khâu cày bừa, cây giống, phân bón, chăm sóc… trong 3 năm/ha cà phê tái canh, có thể lên đến hơn trăm triệu đồng. Vừa bị hụt thu, vừa phải đầu tư thêm là khó khăn lớn, nông dân khó vượt qua.

Từ đầu tháng 6/2013 đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn đã triển khai gói tín dụng ưu đãi hơn 10.000 tỷ đồng cho tái canh cà phê. Tuy nhiên, định suất vay của gói tín dụng này chỉ ở mức 50 triệu đồng/ha, quá ít so với suất đầu tư thực tế. 

Ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng Phòng trồng trọt, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắc Lắc, địa phương có tới 40.000 ha cà phê chờ tái canh, cho rằng dù gói tín dụng tái canh đã được triển khai, nhưng đây vẫn là vấn đề nan giải đối với địa phương. Để tái canh, thanh lý, xử lý đất cho đến trồng, chăm sóc mỗi hecta cà phê cần khoảng 150 triệu đồng. Số tiền đó người nông dân không dễ đáp ứng.”

Tái canh những diện tích già cỗi để nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành Cà phê ở Tây Nguyên là yêu cầu cấp bách. Đây cũng là vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh trong phiên trả lời chất vấn chiều 19/11. Thực tế là cả nông dân và doanh nghiệp vẫn đuối sức trong việc này. Tất cả vẫn đang trông đợi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành liên quan nhằm tìm ra cách tháo gỡ những khó khăn hiện nay./.

 Theo Thế Thắng

khanhnt

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên