MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tạm trữ lúa gạo cho ai?

03-09-2013 - 20:44 PM |

Với nông dân, việc VFA đề xuất tạm trữ 300.000 tấn hay thậm chí 3 triệu tấn cũng không phải là điều quan trọng, bởi chính sách thu mua mấy năm nay không có tác động lớn đến giá lúa mà nông dân bán ra.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lại vừa đề xuất Chính phủ cho thực hiện tiếp chương trình thu mua tạm trữ lúa vụ thu đông để giảm áp lực cung – cầu trong bối cảnh giá lúa trong nước đang rất thấp.

Nguyên nhân giá lúa rớt thê thảm được “đổ lỗi” cho Thái Lan vì nước này vừa xả kho tạm trữ, loại gạo 100B (tốt hơn gạo 5% tấm của Việt Nam) đang được nước này bán ra với giá 380 USD/tấn, từ mức 430 USD/tấn trước đó. Động thái này của Thái Lan khiến giá lúa gạo tại ĐBSCL vốn đang rất thấp lại càng rẻ mạt. 

Những ngày cuối tháng 8, giá lúa OM 4900, OM 6976 tại An Giang, Đồng Tháp được thương lái mua với giá 5.000 - 5.100 đồng/kg giờ chỉ còn 4.500 - 4.600 đồng/kg. Lúa thấp cấp như IR 50404 chỉ còn từ 4.100 - 4.300 đồng/kg. Như vậy, chỉ sau động thái “xả kho” của Thái Lan, nông dân ĐBSCL mất 500.000 đồng/tấn lúa. Mỗi ha bình quân thu hoạch 6 tấn, coi như nông dân mất 3 triệu đồng/ha – chỉ trong vòng một tuần!

Việc VFA “xin tạm trữ” được coi là “ổn định thị trường lúa gạo nội địa cũng như giải quyết những khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp”. Cụ thể, VFA kiến nghị Chính phủ cho triển khai mua tạm trữ thêm 300.000 tấn quy gạo cho vụ lúa thu đông để giữ giá lúa ở thị trường nội địa. Thời gian triển khai thực hiện từ 15.9 đến 15.10, hỗ trợ lãi suất mua tạm trữ 300.000 tấn gạo này thời gian là 2 tháng (từ 15.9 đến 15.11).

Với nông dân ĐBSCL, việc VFA có đề xuất tạm trữ 300.000 tấn hay thậm chí 3 triệu tấn cũng không phải là điều quan trọng, bởi chính sách thu mua tạm trữ mấy năm nay không có tác động lớn đến giá lúa mà nông dân bán ra. Ngay như đợt thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ hè thu vừa mới kết thúc hồi tháng trước, các doanh nghiệp vẫn “ế” 700.000 – 800.000 tấn và VFA đang “kiến nghị” kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất.

GS.TS Võ Tòng Xuân – chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Việt Nam - cho rằng, chương trình thu mua tạm trữ thời gian qua chỉ có lợi cho doanh nghiệp, bởi hiếm có nông dân nào bán được lúa cho các công ty lương thực. 

“Nhiều năm nay, lúc nào ta cũng là nước đứng nhất nhì về xuất khẩu lúa gạo nhưng so với “đối thủ” Thái Lan thì giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn rất nhiều. Theo tôi, chúng ta cần mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, đừng bắt nông dân bám mãi cây lúa để “bảo đảm an ninh lương thực”, cũng đừng vị trí số 1 mà tìm mọi cách để nâng sản lượng lúa, bởi trồng nhiều mà giá thấp thì nông dân thiệt, chỉ có doanh nghiệp hưởng lợi. Mấy năm nay vụ lúa nào chúng ta cũng có chương trình tạm trữ, nhưng thực chất nông dân không hề được hưởng lợi” – GS Xuân nói.

Theo Hữu Danh

khanhnt

Báo lao động

Trở lên trên