Tận thu tôm tươi sang Trung Quốc – những hệ lụy nghiêm trọng
Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất của nhiều DN chế biến tôm mà tình trạng tận thu tôm còn để lại nhiều hệ lụy cho cả ngành tôm nước nhà.
Tháng 7, 8 và 9 là thời điểm các DN chế biến và XK tôm bước vào giai đoạn cao điểm chế biến và xuất hàng sang các thị trường tiêu thụ chính trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu cuối năm. Tuy nhiên, năm nay tình trạng thương lái đến các vựa tôm của Việt Nam tận thu tôm tươi nguyên liệu để xuất sang Trung Quốc khiến nhiều DN chế biến và XK tôm trong nước lao đao. Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất của nhiều DN chế biến tôm mà tình trạng này còn để lại nhiều hệ lụy cho cả ngành tôm nước nhà.
Đẩy giá tôm nguyên liệu tăng cao, DN thua lỗ nặng
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tính đến cuối tháng 9, giá tôm sú nguyên liệu đã tăng lên tới mức 210.000 – 220.000 đồng/kg loại 30 con, tôm cỡ 40 con có giá tăng lên 180.000 – 185.000 đồng/kg. Đây là mức cao nhất kể từ trước đến nay! Giá tôm chân trắng tăng mạnh hơn, từ 87.000 đồng/kg cỡ 100 con cuối tháng 9 năm ngoái lên 123.000 đồng/kg cuối tháng 9 năm nay.
Nhiều ý kiến cho rằng giá tôm nguyên liệu tăng mạnh đã mang lại lợi nhuận lớn cho người nông dân, giúp họ bù đắp lại những tổn thất từ những vụ nuôi tôm bị thiệt hại trước đó do dịch bệnh nhưng trên thực tế, tình trạng thương lái đẩy giá thu mua tôm lên trong quý III vừa qua đã mang lại lợi nhuận lớn cho các thương lái trung gian.
Trong khi đó, DN chế biến thì mắc kẹt với nhiều đơn hàng đã ký bởi không “đủ sức” cạnh tranh với giá thu mua từ thương lái (luôn trả giá với giá cao hơn từ 10 – 20%) cũng như không gom đủ tôm nguyên liệu cho chế biến. Nhiều DN chấp nhận bị phạt hợp đồng để giữ khách hàng. Nhiều DN “cắn răng” mua tôm nguyên liệu giá cao bất chấp thua lỗ để giữ được thị trường!
“Chảy máu tài nguyên”, gia tăng nhập khẩu
Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản xuất tôm nói chung và dẫn đầu thế giới về sản lượng tôm sú. Năm 2013, dự kiến sản lượng tôm của Việt Nam đạt khoảng 300.000 tấn, sau Trung Quốc với 1,1 triệu tấn và Indonesia với 600.000 tấn.
Trong tổng diện tích 630.000 ha nuôi tôm, 90% diện tích là nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến còn lại là nuôi thâm canh. Từ nhiều năm qua, các DN chế biến và XK tôm mặc dù cố gắng chủ động tối đa nguồn tôm nguyên liệu nhưng do đặc thù nuôi tôm tại nước ta (nuôi theo hình thức quảng canh là chủ yếu) nên các DN phần lớn vẫn phải phụ thuộc vào nguồn tôm nguyên liệu từ các hộ nông dân và thu mua trực tiếp không thông qua DN trung gian. Tôm được sản xuất ra đều được các DN thu gom mua để sản xuất XK nhằm gia tăng giá trị cho “tài nguyên” này, tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm nghìn lao động.
Hậu quả từ việc cạnh tranh không nổi với thương lái nước ngoài trong thu mua tôm nguyên liệu ngay chính trên “sân nhà”, các DN buộc phải gia tăng NK tôm nguyên liệu từ các nước thua kém Việt Nam về sản xuất tôm như Ấn Độ (270.000 tấn/năm) và Ecuador (230.000 tấn/năm).
Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 8 tháng đầu năm 2013, Việt Nam là thị trường NK tôm lớn thứ hai của Ecuador với 16.245 tấn, chỉ sau Mỹ (28.538 tấn). Tuy nhiên, một nghịch lý hiện nay là các DN đang phải chịu mức thuế NK cao (10%) và theo dự thảo mới đây của Bộ Tài chính sẽ tăng thêm 2% thuế NK các loài tôm chính (tôm sú và tôm chân trắng) vào năm 2014 nhằm bảo hộ và khuyến khích nuôi trồng trong nước!.
Và nhiều hệ lụy khác..
Chia sẻ với các ý kiến của VASEP tại một cuộc họp với Bộ Công Thương về tình trạng tận thu tôm tươi nguyên liệu từ thương lái để chuyển sang Trung Quốc gây bất ổn nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong nước thời gian vừa qua, đại diện Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng không nên vì lợi ích nhỏ trước mắt mà để dẫn đến nguy cơ đánh mất thị trường quan trọng khác, đặc biệt là Mỹ do thiếu nguyên liệu chế biến, phá vỡ hợp đồng, mất bạn hàng, uy tín chất lượng tôm bị ảnh hưởng do không kiểm soát được chất lượng tôm khi thương lái nước ngoài thu mua và bơm tạp chất.
Gần 10 năm qua, không chỉ có các DN, mà cả nhà nước cũng đã mất nhiều công sức và tiền bạc theo đuổi các vụ kiện như chống bán phá giá và mới đây là kiện chống trợ cấp của Mỹ. Và cộng đồng DN tôm đã có được kết quả khả quan như 33 DN được hưởng thuế 0% trong kỳ xem xét hành chính mới nhất POR7 và thắng lợi trong việc khép lại vụ kiện chống trợ cấp tôm do ngành tôm nội địa Mỹ khởi xướng từ cuối năm 2012.
Những thắng lợi lớn này đang có nguy cơ bị mất đi chỉ bởi một lý do thiếu nguyên liệu chế biến mà không phải do năng lực sản xuất trong nước, không phải do uy tín chất lượng sản phẩm mà do chính tình trạng tận thu tôm tươi nguyên liệu để đưa sang Trung Quốc gây ra.
Theo Nguyễn Bích