MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng giá trị hạt gạo: Nhà quản lý phải vào cuộc

04-08-2013 - 21:15 PM |

Trên thị trường, chính các doanh nghiệp trong nước tự cạnh tranh với nhau gây ảnh hưởng tới giá.

Xuất khẩu với số lượng lớn nhưng giá cả thiếu cạnh tranh, trị giá hạt gạo Việt Nam giảm sút trên thị trường thế giới. Mấu chốt vấn đề nằm ở đâu? Giải pháp nào để nâng cao giá trị cho gạo Việt? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã phỏng vấn chuyên gia về lúa gạo thuộc Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), ông Nguyễn Đình Bích.

Tính đến nay, Việt Nam chính thức XK gạo với số lượng lớn được 25 năm. Suốt quá trình đó, không ít lần khi giá gạo thế giới tăng thì lượng gạo XK của chúng ta giảm mạnh và ngược lại, khi giá gạo thế giới giảm thì trong nước lại ồ ạt xuất. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng này?

Đúng là trong suốt 25 năm qua, không chỉ một hai lần xảy ra tình trạng trên. Ví dụ điển hình như năm 1998 và năm 2008. Lúc đó, khi giá gạo thế giới tăng vọt thì nước ta lại chủ động giảm lượng gạo XK. Tuy nhiên, nguyên do để đảm bảo an ninh lương thực trong nước nên đó là trường hợp ngoại lệ. Điều đáng bàn là, ngoài hai năm đó ra, vẫn còn không ít năm khi giá gạo thế giới tăng mạnh, Việt Nam lại giảm số lượng gạo XK và khi giá gạo thế giới giảm xuống, chúng ta lại đẩy mạnh XK. Tình trạng này diễn ra khá nhiều năm. Có thể khẳng định, đây là thực tế đáng buồn trong hoạt động XK gạo của Việt Nam. Theo tôi, vấn đề nằm ở chỗ, khả năng dự báo thị trường của các DN XK gạo trong nước còn hạn chế. Không nắm được xu thế thị trường thì rất dễ rơi vào những tình trạng đã nêu trên.

Vài tuần trở lại đây, giá gạo XK của Việt Nam tăng nhẹ. Tuy nhiên, giá bán ra vẫn thấp hơn so với nhiều nước XK gạo trong cùng khu vực. Nguyên nhân là gì, thưa ông?

Đây là một thực trạng đáng báo động, không phải đến bây giờ mới thế mà từ rất lâu rồi. Trên thị trường, chính các DN trong nước tự cạnh tranh với nhau gây ảnh hưởng tới giá. Cũng có thể nói rằng, DN XK gạo của Việt Nam chủ yếu là DN Nhà nước, quen với những hợp đồng theo kiểu tập trung, Chính phủ ký kết. Suốt một thời gian dài như thế, cho nên khi phải đứng ra chủ động đàm phán những hợp đồng thương mại thì DN không quen, thiếu kinh nghiệm  nên không giành được giá XK tốt. Các DN gặp khó trong việc thiếu hợp đồng và vì thế áp lực bán ra càng lớn, kể cả giá thấp cũng bán.

Có ý kiến cho rằng, ngoài vấn đề thiếu đơn hàng, lý do trực tiếp khiến giá gạo XK của Việt Nam thấp là do các DN phải chịu áp lực tồn kho, áp lực giảm giá từ xu thế thị trường thế giới. Quan điểm của ông như thế nào?

Không thể nói như vậy. Thực tế là lượng gạo tồn kho năm 2012 không nhiều, không thể gây đột biến khi chuyển sang năm 2013. Trong vụ Đông Xuân vừa qua, sản lượng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ tăng 200 nghìn tấn, quy ra gạo là hơn 100 nghìn tấn. Trong khi đó, lượng gạo XK từ đầu năm đến nay tăng cao hơn nhiều con số đó. 

Như vậy, rõ ràng lượng gạo tồn kho ở một vài DN cụ thể là lớn nhưng ở nhiều DN thì không chính xác. Lấy trường hợp của một vài DN để đánh giá tình hình chung là không đúng. Và nếu nói rằng, do DN phải chịu áp lực tồn kho lớn mà phải giảm giá gạo để tăng lượng XK thì càng không thể chấp nhận được.

Về giá trị XK của gạo Việt thấp, giá cả kém cạnh tranh là nguyên nhân trực tiếp. Tuy nhiên, xét về sâu xa, phải chăng do chất lượng gạo của chúng ta chưa đồng đều, chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế?

Từ trước tới nay, chất lượng gạo của Việt Nam không đồng đều, mà thẳng thắn nhìn nhận thì gạo Việt Nam chưa có chất lượng nào là chuẩn chung cả. Điều này cũng khá dễ hiểu thôi. Mọi thứ đều do nông dân tự làm. Họ tự lựa chọn cho mình các giống lúa khác nhau, chăm bón, thu hoạch… không đồng nhất. 

Trong khi đó, DN không hề làm việc trực tiếp với nông dân, chỉ làm việc qua thương lái. Đến mùa thu hoạch lúa, thương lái mua lúa của nông dân theo kiểu “tạp pí lù” mà họ vẫn bán được. Vậy thì, họ lại tiếp tục làm như thế. Tôi cho rằng, các DN hiện nay vẫn đang ăn “xổi”, chạy theo thực tại mà không lo lắng đến tương lai. Vì vậy, tình trạng một bát cơm mà 10 loại gạo là không tránh khỏi. Cùng với đó, giá gạo XK của Việt Nam cũng khó tăng cao được.

Vậy theo ông, đâu là biện pháp hữu hiệu, lâu dài để nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam?

Tôi cho rằng, dù là câu chuyện nâng cao chất lượng gạo ra sao, xây dựng thương hiệu gạo XK thế nào, hay cần điều chỉnh gì trong chính sách XK gạo thì quan trọng nhất để tháo gỡ mọi khúc mắc và dần nâng cao giá trị hạt gạo của Việt Nam đó là các nhà quản lý phải vào cuộc. Quả bóng đang nằm trong chân các nhà quản lý và vấn đề là họ phải xắn tay vào thực tế, chứ chẳng ai chịu nhúc nhích thì không thể thay đổi. 

Cụ thể, phải tổ chức lại hệ thống sản xuất, phân phối cho phù hợp. Định hướng cho nông dân trồng cấy những giống lúa tốt, đồng đều, thống nhất. Hiện nay, giữa các DN XK gạo có sự cạnh tranh lẫn nhau. DN lo ăn “xổi” mà không ngó ngàng tới quyền lợi của nông dân. Trách nhiệm của nhà quản lý còn là phải làm sao khiến DN bắt tay với nông dân trong các khâu, đặc biệt là trong vấn đề vùng nguyên liệu. DN lo vùng nguyên liệu không chỉ là vì lợi ích của nông dân mà còn vì chính lợi ích của DN.

Tôi cho rằng, từ trước tới nay, DN vẫn quen cách làm việc cũ, giờ muốn họ bắt tay với nông dân mà chỉ bằng mệnh lệnh hành chính thôi thì không thể có kết quả gì. Nhà quản lý cần đưa ra các chính sách cụ thể mang tính chất vừa ép buộc, vừa khuyến khích DN bắt tay với nông dân thì cục diện mới dần dần thay đổi được. Cụ thể như, Chính phủ có thể có chính sách hỗ trợ DN làm cánh đồng mẫu lớn và hỗ trợ nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn. Đây là cách để chúng ta thoát khỏi tình trạng như hiện tại và dần dần mọi câu chuyện sẽ được giải quyết.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thanh Nguyễn

khanhnt

Báo hải quan

Trở lên trên