MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tây Nguyên: Dân điêu đứng vì cà phê rớt giá

07-11-2013 - 13:47 PM |

Giá cà phê tươi chỉ còn 5.000-6000đ/kg và giá cà phê nhân xô chỉ còn 30.000đ/kg đã đẩy người trồng cà phê Tây Nguyên rơi vào cảnh trắng tay khi niên vụ 2013-2014 đang bước vào vụ thu hoạch.

Đây là thời điểm giá cà phê xuống thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Với mỗi hộ dân trồng cà phê, chi phí cho mỗi hécta tương ứng với 1.000 cây thì mất 100 triệu đồng gồm tiền phân bón, tưới nước, phun thuốc, làm cỏ, thuê nhân công. Với giá thành hiện tại thì việc trắng tay sau khi thu hoạch là khó tránh khỏi.

Tại các vùng chuyên canh lớn cà phê của Gia Lai như Ia Grai, Chư Sê, Chư Pah, Chư Prông, Đak Đoa, tại Đắc Lắc là Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Cư M’gar, Krông Búc, Ea H’leo và ở Lâm Đồng có Di Linh, Bảo Lộc, Lâm Hà, Đức Trọng..., người dân cho biết, với giá thị trường như bây giờ, 1ha cho thu về 100 - 110 triệu đồng.

Như vậy, sẽ là huề vốn đối với những hộ đạt năng suất từ 3 - 3,5 tấn/ ha. Còn với năng suất 2 tấn/ha thì cầm chắc là lỗ. Vì thế, nhiều người dự tính sẽ ghim hàng chờ giá lên vì không một ai trồng cà phê mà không vay vốn ngân hàng.

Chị Trần Thị Thao (ở huyện Ia Grai, có trong tay 3ha) ngao ngán: “Vụ cà phê năm nay chúng tôi sẽ không còn một đồng nào sau khi thu hoạch xong. Trong khi đó, tiền lãi ngân hàng chúng tôi chưa biết lấy đâu ra để trả”. Tuy nhiên, bi kịch là: Bán thì lỗ, mà không bán thì không có vốn tái đầu tư.

“Chưa biết khi nào giá mới lên. Nếu người dân chúng tôi ghim hàng thì sẽ không có vốn xoay tua để tái sản xuất. Tiền thuê nhân công, lãi suất ngân hàng không thể không trả” - anh Nguyễn Thanh (ở huyện Chư Sê) chua chát nói.

Tại các tỉnh Tây Nguyên, giá cà phê hiện chỉ có 35 triệu đồng/tấn, giảm khoảng 30 - 40% so với niên vụ trước. Trong khi đó, niên vụ cà phê 2013-2014, cả nước mới thu hoạch được 20 - 30% diện tích. Nếu không bán cà phê, nông dân ở đây sẽ lặp lại “điệp khúc” vay vốn ngân hàng đầu tư vụ mới trong khi sản phẩm chưa xuất bán và lãi suất vay vốn cứ thế đè nặng trên vai người trồng cà phê.

Tình trạng càng bết bát hơn khi thời tiết thất thường, sâu bệnh khiến cho cà phê rơi rụng quả nhiều, hạt lép, năng suất trung bình chỉ đạt 2 tấn/ha. Theo khảo sát của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm Tây Nguyên, hiện diện tích cà phê già cỗi ở Tây Nguyên chiếm tỉ lệ khá cao, khoảng 35% tổng diện tích trồng cà phê hiện có của cả nước. Tất cả điều đó đã làm sản lượng cà phê niên vụ 2013 - 2014 ở Tây Nguyên giảm so với những năm trước khoảng 20 - 30%.

Thị trường cà phê thế giới đang giảm giá mạnh do những tác động bất ổn của nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là những thông tin kinh tế không sáng sủa từ hai nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ. Với diễn biến như vậy, người trồng cà phê ở Tây Nguyên đang rơi vào tình trạng vô cùng khốn đốn.

TheoLê Đình Văn

khanhnt

Báo lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên