Tháo chạy khỏi ngành chăn nuôi
Thua lỗ kéo dài, hàng loạt hộ nuôi nhỏ lẻ buộc phải đóng trại và bỏ nghề. Ngay cả các chủ trại chăn nuôi lớn cũng tuyên bố tạm ngưng nuôi hoặc cắt hợp đồng với nông dân.
Hiệp hội Chăn nuôi VN cảnh báo tình trạng người dân hủy cả những đàn heo bố mẹ có thể gây thiếu hụt nguồn cung con giống và thịt trong thời gian tới.
Người chăn nuôi khốn
đốn
Gần ba tháng qua, anh Khánh ở Trảng Bom (Đồng Nai) đứng ngồi không yên vì 12 trại gà quy mô 180.000 con mỗi lứa đang bỏ không do Công ty TNHH Japfa VN không tiếp tục thả gà như hợp đồng. Cách đây bốn năm, anh Khánh ký hợp đồng với Công ty Japfa theo hình thức gia công đầu tư tổng cộng 12 trại gà lạnh, chi phí 1,8 tỉ đồng/trại, chưa tính tiền đất. Việc chăn nuôi tiến triển bình thường dù có nhiều lúc khó khăn. Thế nhưng cách đây ba tháng, sau khi bắt hết gà, Công ty Japfa đột ngột không nuôi tiếp. “Công ty nghỉ ngang thế này thì nông dân chúng tôi ôm nợ với ngân hàng” - anh Khánh than thở.
Tương tự, sau khi đóng cửa trại nuôi heo do không hiệu quả, anh Tống Văn Hướng (Dầu Tiếng, Bình Dương) chuyển sang nuôi gia công gà cho Công ty Japfa với quy mô đàn 90.000 con. Cách nay hai tháng, anh Hướng choáng váng khi nghe công ty tuyên bố tạm ngưng hợp đồng gia công. Trước nguy cơ bỏ trống chuồng trại, anh Hướng mua gà giống bên ngoài về tự nuôi. “Mình làm nghề nông, nếu nghỉ cả heo, gà thì không biết làm gì nên tôi liều chuyển qua tự nuôi gà công nghiệp. Cứ nuôi thế chứ không biết giá cả lúc bán sẽ như thế nào. Làm nông nghiệp bây giờ hên xui mà” - anh Hướng cho biết.
Đây không phải là những trường hợp cá biệt, nhiều chủ trang trại nuôi gà công nghiệp trên cả nước đang hoang mang trước việc Công ty Japfa VN tạm ngưng ký hợp đồng nuôi gia công hoặc thuê chuồng trại. Ông Nguyễn Quốc Trung, tổng giám đốc Japfa, cho biết công ty đang thực hiện kế hoạch giảm quy mô chăn nuôi, hiện đã giảm tổng đàn gà từ mức 2 triệu con/tháng còn 1 triệu con/tháng. “Giá thành chăn nuôi ở mức 30.000 đồng/kg gà nhưng từ hai năm nay giá bán gà luôn thấp hơn giá thành khiến công ty bị thua lỗ. Japfa buộc phải ngưng ký hợp đồng gia công mới với các khách hàng đã hết hạn hợp đồng để giảm đàn, cắt lỗ. Tuy nhiên, công ty vẫn giữ lại các hợp đồng còn hiệu lực” - ông Trung nói.
Japfa là một trong ba công ty có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 90% thị phần gà công nghiệp của VN. Các công ty này không đầu tư trực tiếp xây chuồng trại nuôi gà mà hợp tác với người dân theo hai hình thức nuôi gia công (công ty cung cấp thức ăn, con giống và thuốc thú y, người dân đầu tư chuồng trại, chăm sóc và nhận tiền công nuôi) hoặc thuê chuồng trại mà người dân đã đầu tư xây dựng.
Ông Jirawit Rachatanan, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP, cho biết hai năm qua là thời gian cực kỳ khó khăn với người chăn nuôi nhỏ lẻ cũng như những công ty lớn. Dù là công ty hàng đầu VN trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng do giá các sản phẩm chăn nuôi như gà, trứng gà và heo đều ở mức thấp hơn giá thành nên công ty gặp rất nhiều khó khăn. “Thức ăn chăn nuôi là ngành đem lại thu nhập ổn định cho công ty, nhưng do người dân thua lỗ giảm đàn nhiều quá nên sản lượng của chúng tôi cũng giảm khoảng 20% thức ăn bán cho heo nái” - ông Jirawit nói.
Biến động giá một số sản phẩm chăn nuôi trong 5 tháng đầu năm 2013
Đơn vị: 1.000 đồng/kg - (nguồn: Bộ
NN&PTNT)
THÁNG 1 |
THÁNG 3 |
SẢN PHẨM |
||||
Miền Bắc |
Miền Nam |
Miền Bắc |
Miền Nam |
Miền Bắc |
Miền Nam |
|
Giá heo hơi |
48-50 |
44,5 |
42-43 |
37-38 |
41-42 |
37,5-39 |
Giá gà |
38,5-40,5 |
32,5 |
33-34 |
30-33 |
25-27 |
17-19 |
Giá gà lông màu |
46,5 |
45-50 |
49-50 |
46-47 |
45-46 |
38-40 |
Giá trứng (1.000 đồng/chục) |
18-21 |
24-27 |
16-17 |
14,5-15,5 |
18-20 |
18-19 |
Giảm lãi suất dân cũng không đầu tư
Thua lỗ nặng nề nhất trong giai đoạn hiện nay là người nuôi gà tam hoàng (gà màu) khi giá hiện tại chỉ còn 28.000 đồng/kg, trong khi giá thành lên đến 38.000 đồng/kg. Không chịu nổi thua lỗ, nhiều người chăn nuôi và công ty tuyên bố đóng trại. “Chúng tôi đã quyết định đóng cửa toàn bộ hệ thống nuôi gà tam hoàng gia công, hiện công ty chỉ còn tập trung vào mảng gà giống” - ông Phạm Đức Bình, giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình (Đồng Nai), cho biết. Ông Bình nói thêm với mỗi con gà bán ra công ty lỗ 15.000 đồng, mỗi tuần công ty lỗ 1 tỉ đồng thì không thể nào chịu nổi.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - phó chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Đông Nam bộ, tình cảnh của người chăn nuôi hiện nay đang đứng trước nguy cơ phá sản với thiệt hại vô cùng lớn. Chỉ tính nghề nuôi gà công nghiệp thì ở phía Nam đã có tới 1.500 trang trại. Với vốn đầu tư bình quân 2 tỉ đồng/trại, tổng giá trị đầu tư các trại gà lên tới hơn 3.000 tỉ đồng. Phần lớn khoản đầu tư này đều được vay ngân hàng, nên nguy cơ các khoản vay này thành nợ xấu nếu như các công ty lớn nghỉ chăn nuôi trong thời gian dài. “Đó là chưa kể hàng ngàn trại nuôi gà tam hoàng của các công ty lớn và các hộ nuôi nhỏ lẻ” - ông Ngọc nói.
Mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất cho vay còn khoảng 9%/năm như một biện pháp hỗ trợ sản xuất, trong đó nông nghiệp là một trong những đối tượng được ưu tiên. Thế nhưng theo người chăn nuôi, với giá cả bấp bênh và thua lỗ như hiện tại, lãi suất có giảm xuống bằng 0% thì họ vẫn không dám đầu tư. “Các công ty lớn còn thua lỗ thì người dân làm gì có cách nào kiếm lời. Hiện ngành chăn nuôi đang lâm vào cảnh bế tắc” - ông Bình nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Vang - chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN, khảo sát của hiệp hội cho thấy hơn một năm qua người chăn nuôi heo, gà đều bán dưới giá thành. Do thua lỗ triền miên nên người dân không dám vay vốn mở rộng đầu tư mà chủ động giảm đàn, tái đầu tư bằng số tiền bán sản phẩm trước đó. “Hiện người chăn nuôi vẫn đang bán heo hơi ở mức hòa vốn hoặc lỗ, gà công nghiệp lỗ 5.000-6.000 đồng/kg, gà tam hoàng lỗ 14.000 đồng/kg... nên dù lãi suất có giảm thì họ cũng không dám vay để chăn nuôi” - ông Vang khẳng định.
Cũng theo ông Vang, đáng lo ngại trong ngành chăn nuôi hiện nay là tình trạng bỏ đàn heo nái sinh sản. Để nuôi từ heo con lên heo hậu bị phải mất sáu tháng, sau đó là thời gian kiểm định 1-2 tháng và gần bốn tháng mang thai, tức là mất một năm mới có heo giống và thêm 4-5 tháng mới có thể xuất chuồng heo thịt. “Nếu người dân bỏ đàn heo nái từ bây giờ thì phải 16 tháng sau mới thấy hậu quả. Nếu giảm quá nhiều đàn nái thì nguy cơ thiếu thịt trong thời gian tới là rất cao” - ông Vang cảnh báo.