MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thoát nạn bán phá giá tôm: Chưa vội mừng!

26-09-2013 - 11:51 AM |

Việc DOC quyết định thuế CBPG 0% không phải đã an toàn, vì theo các quy định của Mỹ, mỗi năm đều có rà soát cuối cùng để quyết định đưa mặt hàng nào đó ra khỏi danh mục các sản phẩm CBPG.

Mới đây Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra quyết định cuối cùng về thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ tháng 2/2011- 2/2012 với thuế suất 0%.

Theo Hiệp hội chế biến  và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến tháng 7/2013, tôm xuất sang Mỹ đã đạt 337,6 triệu USD, chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm (1,4 tỷ USD) của Việt Nam. Trong năm nay, ngành tôm Việt Nam kỳ vọng đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,4 tỷ USD.

Việc DOC quyết định thuế chống bán phá giá (CBPG) 0% không phải đã an toàn, vì theo các quy định của Mỹ, mỗi năm đều có rà soát cuối cùng để quyết định đưa mặt hàng nào đó ra khỏi danh mục các sản phẩm CBPG. Đây chỉ là mức thế tạm tính trước khi có các kết quả của đợt xem xét lần thứ 8 tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Bang- Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản Cửu Long- cho hay, thuế suất 0% chỉ cho giai đoạn từ năm 2011-2012, trong năm 2013 vẫn còn đang chờ kết quả nên chưa thể mừng vội. Do vậy giá mua nguyên liệu tôm trong thời gian tới vẫn chưa thể đẩy lên cao để chia sẻ khó khăn với người nuôi.

Về phía người nuôi tôm, một chủ một cơ sở nuôi tôm lớn tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, cho rằng, thông tin về việc Mỹ gỡ bỏ mức thuế CBPG đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tôm là một thông tin tốt. Tuy nhiên, vấn đề người dân quan tâm hơn cả là nguồn vốn để nuôi mới, vì hiện nay, nông dân đang phải thu hẹp diện tích nuôi tôm vì không còn đủ vốn đầu tư ao nuôi, con giống và thức ăn sau các vụ thua lỗ trước. Bản thân cơ sở nuôi tôm của ông mọi năm đều có sản lượng trên 200 tấn, nhưng đến thời điểm này chưa tới 100 tấn, giảm hơn 50%.

Theo nhận xét của nhiều người nuôi tôm, việc Mỹ xóa bỏ thuế CBPG với tôm Việt Nam thì các DN sẽ được hưởng lợi nhiều. Vì thông thường trong quá trình thỏa thuận mua tôm nguyên liệu, các DN chế biến thường vin vào cớ phải đóng các khoản thuế như CBPG, chống trợ cấp và dư lượng các chất kháng sinh để giảm giá mua khoảng 9.000- 10.000 đồng/kg tôm. Do vậy, nếu các DN được giảm thuế khi xuất khẩu mà vẫn mua với giá như hiện nay thì chắc chắn lợi nhuận của DN sẽ nhiều hơn. Còn DN có chia sẻ lợi nhuận với người nuôi hay không thì... khó biết được.

Theo Thùy Dương

khanhnt

Báo công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên