MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thực phẩm an toàn khó tiêu thụ

30-09-2013 - 08:38 AM |

Tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng những tưởng sẽ tạo cơ hội tốt cho thực phẩm sạch đến với người dân, nhưng trên thực tế, sức tiêu thụ các sản phẩm này lại rất chậm.

Liên kết sản xuất và tiêu thụ chưa chặt chẽ

Tại thời điểm này thực phẩm an toàn đang rất khó tiêu thụ, điển hình như rau và các loại thực phẩm sạch. Đối với rau an toàn, đây không phải lần đầu tiên những khó khăn trong tiêu thụ mặt hàng này được đề cập tới. Theo Sở Công Thương Hà Nội cho hay, tính đến tháng 9/2013, trên toàn thành phố có 82 điểm kinh doanh rau an toàn tại 5 quận. 

Tuy nhiên, lượng rau tiêu thụ tại các điểm bán rau an toàn vẫn còn hạn chế. Tình hình kinh doanh rau an toàn không hiệu quả do thói quen tiêu dùng của người dân chủ yếu mua rau tại các chợ cóc, chợ tạm gần nơi sinh sống do thuận tiện, giá rẻ. Chỉ có một bộ phận người dân tìm mua rau tại siêu thị và các cửa hàng có ghi biển hiệu bán rau an toàn. Mặt khác, thực tế cho thấy, đa số người tiêu dùng còn chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng rau an toàn trên thị trường.

Mặt khác, do giá thuê mặt bằng cao nên DN khó thu được lợi nhuận. Kinh phí hỗ trợ cho việc này không có. Điều này lý giải vì sao giá rau an toàn cao hơn nhiều so với rau bán tại các chợ, ảnh hưởng tới sức mua. Ngoài ra, điều kiện mặt bằng chật hẹp, khó bố trí các điểm bán rau an toàn vừa đảm bảo kinh doanh hiệu quả, vừa thuận tiện cho giao thông. 

Đối với gia cầm sạch, như gà đồi Yên Thế, một trong sản phẩm an toàn thời gian qua, cũng đang bị rơi vào tình trạng ế ẩm. Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, sau một thời gian tiêu thụ mạnh, đến nay, một số siêu thị trên địa bàn này đã ngừng nhập mặt hàng này. 

Điển hình là Big C Thăng Long và Công ty TNHH Phát triển Thành Đồng II. Trên thị trường Hà Nội, sức tiêu thụ gà đồi Yên Thế giảm mạnh. Ví dụ, Công ty cổ phần Intimex Việt Nam chỉ tiêu thụ được 600 con/tháng với giá bán khá rẻ, 127.500 đồng/kg. Tại sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội, chỉ thỉnh thoảng có điểm đặt hàng với số lượng nhỏ. Nguyên nhân ế ẩm là do giá bán cao hơn gà ta nuôi ở Ba Vì và Kim Bôi.

Được đánh giá là tiêu thụ tốt so với các điểm khác, hệ thống bán lẻ của Hapro tiêu thụ khoảng 150 con/ngày. So sánh với nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, đây rõ ràng là con số rất ít ỏi. 

Mở rộng mạng lưới phân phối

Thực tế hoạt động của các chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn vẫn bị chi phối mạnh mẽ bởi giá cả trên thị trường. Nhiều trường hợp dù đã có cam kết nhưng khi giá cả tăng, người nông dân không bán cho nhà phân phối và ngược lại khi sản lượng dư thừa thì nhà phân phối không mua hàng của nông dân.

Để kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng cho thực phẩm an toàn, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Hồng Anh cho biết: “Đối với mặt hàng rau an toàn, chi cục đã phối hợp với các cơ sở, DN để dán tem cho rau an toàn cho các của hàng bán lẻ, siêu thị, chợ... tại Hà Nội để người dân dễ nhận biết. Đặc biệt là nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, để họ có ý thức sử dụng sản phẩm sạch, các sản phẩm có chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”,

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Như Tiệp- Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để các mô hình chuỗi hoạt động lâu bền, các bên cần phải thực hiện đúng cam kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần phải có ý thức sử dụng sản phẩm sạch, tiêu thụ các sản phẩm có chứng nhận để bảo đảm an toàn cho bữa ăn của gia đình.

Theo Lan Anh

khanhnt

Báo công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên