MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủy sản thay thế “chết” theo cá tra

24-12-2012 - 12:53 PM |

Sau nhiều năm gắn bó với con cá tra nhưng vẫn thua lỗ, không ít hộ nông dân ở ĐBSCL đã chuyển sang đầu tư nuôi loại thủy sản khác với chi phí thấp hơn, mong gỡ vốn, tuy nhiên, vẫn thất bại.

“Choáng” với tiền đầu tư cá tra

Đến thời điểm hiện nay, đi đâu ở ĐBSCL cũng nghe dân nuôi cá tra than thở bởi hiện tại chi phí đầu tư cho cá tra vào dạng “khủng” nhưng giá bán bấp bênh, lỗ lã diễn ra khắp nơi.

Ông Tăng Trình, ấp Tân Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp, cho biết với ao cá rộng chỉ 2.000 mét vuông mặt nước của mình nhưng ông đã phải bỏ ra ngót nghét gần 2 tỉ đồng tiền đầu tư. “Giai đoạn đầu, tiền đầu tư cho ao cá còn thấp, chứ khi cá đạt trọng lượng khoảng 400 gram/con trở lên, mỗi ngày chỉ riêng tiền thức ăn đã “ngốn” hết của tôi 24 triệu đồng lận đó”, ông Trình cho biết.

“Bây giờ vốn đầu tư cao quá đi, trước đây nuôi được 1 kí lô gam cá tra chỉ mười mấy ngàn đồng thôi, còn bây giờ đến hai mươi mấy ngàn đồng, trong khi đó, giá bán cá thịt không tăng được đồng nào hết”, ông Nguyễn Hữu Duyên, ấp Tân Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp nói.

Theo ông Trình, so với năm 2011, giá thức ăn trong năm nay đã tăng bình quân khoảng 1.300 đồng/kí lô gam, trong khi giá bán cá nguyên liệu lại giảm 7.000 - 7.500 đồng/kí lô gam (mức giá cao nhất năm 2011 đạt 28.500 – 29.000 đồng/kí lô gam) và hiện chỉ còn dao động 20.000 – 21.500 đồng/kí lô gam.

Ông Lê Minh Hùng, ngụ xã An Nhơn, huyện Châu Thành , Đồng Tháp, cho biết so sánh giữa chi phí đầu tư và giá bán cá nguyên liệu, hiện mỗi kí lô gam cá tra người nuôi lỗ 3.000 – 4.000 đồng/kí lô gam.

Thủy sản thay thế cũng lỗ

Đứng trước cảnh lỗ lã diễn ra liên tục, không ít hộ nuôi cá tra đã “treo ao”, nuôi cầm chừng hoặc chuyển sang nuôi một loại thủy sản mới với chi phí đầu tư thấp hơn. “Người nuôi cá tra bây giờ chạy búa xua hết trơn à (ý nói chuyển sang nuôi những loại thủy sản khác- pv), mạnh ai mấy kiếm đường sống mà? Số còn nuôi cũng chỉ thả cầm chừng thôi”, ông Duyên cho biết.

Là người có thâm niên gần chục năm trong nghề nuôi cá tra thịt xuất khẩu nhưng ông Duyên đã quyết định từ bỏ để chuyển sang ương cá điêu hồng giống và nuôi cá thịt bởi chi phí đầu tư thấp hơn, tuy nhiên, ông cũng gặp lao đao do tin đồn cá điêu hồng nhiễm chất gây ung thư.

“Vụ thu hoạch vừa rồi (tháng 11), với 400.000 con cá điều hồng giống đã “nuốt” hết của tôi gần 40 chục triệu đồng rồi”, ông Duyên cho biết.

Anh Nguyễn Minh Thiện, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp, cho biết anh đã quyết định quay ngược trở lại với nghề ương cá tra giống và nuôi cá sặc rằn thịt, sau khi 7 ao cá điêu hồng giống (chuyển từ nuôi cá tra sang nuôi cá điêu hồng giống) của anh ương ra bán không được.

“Tháng 5, tháng 6 rồi, khi cá tra rớt giá, cá điêu hồng vẫn còn ngon “ăn” lắm. Vậy mà mới vụ đầu nuôi lại có tin đồn cá điêu hồng nhiễm chất cấm, chất gây ung thư làm không bán được gì hết”, anh Thiện cho biết.

Theo anh Thiện, vụ nuôi cá điêu hồng giống vừa rồi, anh bị lỗ 60 – 70 chục triệu đồng.

Ông Lê Hồng Đức, Chủ tịch Hiệp hội thủy sản huyện Châu Thành, Đồng Tháp cho biết toàn huyện có trên 270 héc ta ao nuôi cá tra nhưng đã có 20 -30% diện tích đã “treo ao”. Những phần diện tích còn nuôi cũng chỉ thả cầm chừng với mật số nuôi giảm 50% so với trước.

Theo Trung Chánh
TBKTSG

hangnt

Trở lên trên