Tiếp cận giá mía khu vực
Brazil có giá thành mía vào loại thấp nhất 12 USD/tấn nhờ tạo ra được 12 tấn đường/ha; Thái Lan 25 USD/tấn mía, 8 tấn đường/ha; trong khi Việt Nam chỉ tạo ra 5,4 tấn đường/ha nên giá thành mía lên đến 50 USD/tấn.
Điều đó nói lên khả năng cạnh tranh kém của ngành mía đường trong bối cảnh Việt Nam phải mở cửa với các nước ASEAN khi AFTA có hiệu lực cận kề…
Vì sao giá cao?
Tại hội thảo “Giải pháp giảm chi phí sản xuất mía để nâng cao thu nhập cho nông dân” tổ chức ở TPHCM mới đây cho thấy, năng suất bình quân 1ha mía cả nước khoảng 64 tấn/ha/năm, 1ha mía chỉ tạo ra 5,4 tấn đường; so với Thái Lan, các con số này là 100 tấn mía/ha/năm, 8 tấn đường/ha.
Tập quán bón nhiều phân các loại nhưng không hiệu quả của nông dân Việt Nam cao gần gấp đôi nông dân Thái Lan, khiến giá thành mía của Việt Nam ở mức gần 50 USD/tấn so với 25 USD của Thái Lan.
Một khảo sát khác của Ủy ban Mía đường thuộc Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cho thấy, khâu sau thu hoạch và vận chuyển mía đã làm thất thoát 10% - 15% lượng đường, trong khi các nước chỉ 1% - 2% do lúc thu hoạch, gốc mía bị bỏ lại trên đồng ruộng còn cao thay vì chặt sát gốc và việc vận chuyển về nhà máy chậm trễ khiến lượng đường thất thoát tăng lên, đúng ra phải trước 24 giờ sau khi chặt. Đây là những yếu tố làm chi phí đầu vào của người trồng mía tăng cao.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu mía đường Tây Ninh của TTC, giống mía của các viện, trường nghiên cứu không đáp ứng nhu cầu nên nhiều doanh nghiệp tự nhập giống nước ngoài về, nhưng do chưa được xử lý bệnh đã đưa vào trồng và chuyển từ vùng này sang vùng khác nên dịch không được kiểm soát đã làm bệnh trên mía từ nước ngoài nhanh chóng lây lan sang nhiều vùng trồng mía trọng điểm cả nước như vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ, nhất là bệnh phấn trắng, ảnh hưởng đến năng suất, có nơi bị thiệt hại rất lớn. Một chuyên gia nước ngoài ngạc nhiên, vì sao đến bây giờ còn sử dụng giống của Đài Loan khi vùng lãnh thổ này đã không còn xem mía là thế mạnh.
Ở Việt Nam có 10 vùng nguyên liệu mía với thời tiết và thổ nhưỡng khác nhau, trong khi mía lại rất nhạy cảm với sự thay đổi môi trường bên ngoài, một giống vùng này bị xem là bỏ đi nhưng không loại trừ ở vùng trồng khác lại phù hợp, vì vậy cần phải có vài trung tâm khảo nghiệm để trao đổi và thử nghiệm nhằm tạo ra giống phù hợp nhất cho từng vùng.
Theo ông Luis Enrique Rodriguez, Giám đốc Marketing của John Deere, có 2 kỹ thuật canh tác ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng ở vùng trồng mía lâu năm của Mỹ, bang Louisiana, đó là vùi lá mía vào đất thay vì đốt để phát huy tốt tác dụng của chất hữu cơ trong lá. Giữa 2 hàng mía trồng xen 2 hàng đậu nành. Việc làm này giúp giảm lượng nước tưới và lượng phân bón một nửa mà năng suất mía vẫn không giảm.
Cây đậu nành cung cấp một lượng đạm cho đất, đất tơi xốp nhờ giữ được nước và phân. Trong bối cảnh diện tích manh mún của Việt Nam, nông dân cần liên kết, hình thành những vùng trồng mía tập trung để đưa tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng thuận lợi và hiệu quả hơn.
Để nâng cao thu nhập
Ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Mía đường thuộc TTC cho biết, hiện có khoảng 12% số hộ nông dân thuộc các vùng mía trọng điểm cả nước đã tiếp cận được với năng suất mía và lượng đường của Thái Lan, khoảng 80 - 100 tấn/ha và lượng đường tạo ra trên 1ha là 8 tấn thay vì 5,4 tấn/ha bình quân cả nước. Những hộ này chỉ thay đổi một số biện pháp khi chăm sóc mía.
Trong đó, yếu tố giúp năng suất mía có thể tăng mạnh trong thời gian ngắn chính là nguồn nước. Nếu mía được tưới đều đặn trong mùa khô thì năng suất đã tăng từ 65 tấn/ha (bình quân cả nước) lên 80 tấn/ha như trường hợp 2.000ha mía nguyên liệu của Công ty cổ phần Đường Nước Trong tại tỉnh Tây Ninh.
Vùng mía này được tưới định kỳ suốt 4 - 5 tháng mùa khô và khả năng 100 tấn/ha là trong tầm tay. Phải chú ý tưới đúng giai đoạn cần tăng trưởng.
Ở Việt Nam, nông dân trồng hom mía, chờ mưa xuống mới bón phân, trong khi nước ngoài, trồng xuống là tưới nước để bón phân liền, giúp cho cây phát triển ngay từ lúc mới trồng. Nhưng để có nước tưới cần phải có điện và cơ giới hóa các khâu.
Bên cạnh đó, người trồng mía giỏi biết cách bón phân để có thể hạn chế tình trạng bị rửa trôi. Thay vì bón trên gốc mía, họ bón vào giữa gốc và phủ một lớp đất. Cách này giúp giảm gần một nửa lượng phân bón cho mía mà năng suất không giảm.
Điều quan trọng khác là phải làm tốt khâu chuẩn bị đất trước khi trồng vụ mía mới. Nếu làm tốt các khâu, việc lưu gốc mía thay vì 3 vụ như hiện nay sẽ được nâng lên đến 5 vụ.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, những cải tiến này có thể áp dụng và nhân rộng cho người trồng mía ngay trong niên vụ mới để nâng cao năng suất mía.
Riêng với 12% hộ trồng mía giỏi cần được tạo điều kiện, nếu giúp họ tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật mới của thế giới để việc tiếp cận năng suất đường thế giới 10 tấn đường/ha là khả thi, thu nhập của bà con trồng mía giỏi không dừng lại 70 triệu đồng/ha/năm mà trên 100 triệu đồng/ha.
Trồng mía nhiều nhưng giá đường cao ngất
Theo Công Phiên