MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiểu ngạch sôi động, chính ngạch giảm mạnh

04-12-2013 - 13:14 PM |

Trung bình mỗi ngày có hàng chục tấn hàng được thương lái vận chuyển sang biên giới.

Những ngày cuối năm về các cửa khẩu quốc gia và quốc tế như Tịnh Biên, Khánh Bình (An Giang); Hà Tiên, Giang Thành (Kiên Giang), không khí trao đổi mua bán hàng hóa có phần nhộn nhịp hơn ngày thường, nhất là mặt hàng nông, hải sản, thực phẩm các loại. Nhưng, trong khi trao đổi đường tiểu ngạch sôi động thì xuất khẩu (XK) chính ngạch lại đang giảm mạnh.

Nông, hải sản xuất ngoại

Dọc tuyến biên giới, nhất là những khu vực gần cửa khẩu, các cơ sở tập kết, kinh doanh hàng nông sản của các tỉnh ĐBSCL về đây ngày càng nhiều. Mỗi ngày có hàng chục xe tải, xe ba gác chất hàng cao ngút qua cửa khẩu chạy thẳng về các tỉnh Tà Keo, Compong Spư, thủ đô Phnom Penh (Campuchia). Trung bình mỗi ngày có hàng chục tấn hàng được thương lái vận chuyển sang biên giới.

Bà Trần Thị Kim, GĐ Cty TNHH Đầu tư Thương mại Kim Cúc, tại cửa khẩu Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên), cho biết: Vào những tháng cuối năm, bạn hàng phía Campuchia sang mua hàng hóa nông sản có tăng lên so ngày thường.

Vì hiện nay một số mặt hàng nông sản phía VN đang vào mùa thu hoạch rộ như trái cây, rau, củ và hàng thủy hải sản đa dạng, phong phú. Trung bình mỗi ngày Cty Kim Cúc thu mua của nông dân VN từ 30 - 50 tấn trái cây đủ loại để xuất sang Campuchia, đồng thời mua lại từ nước bạn một số mặt hàng như me, xoài… mà không qua một trung gian nào.

Tại vựa lúc nào cũng rộn ràng tấp nập, nhất là buổi sáng sớm, kẻ lên hàng, người xuống hàng, xe tải, xe thồ thi nhau chở hàng hướng về phía cửa khẩu càng làm cho không khí vùng biên trở nên sôi động.

Bà Cúc cho biết thêm: Những năm gần đây do cạnh tranh với nhiều cơ sở tại cửa khẩu để bán hàng nông sản qua Campuchia nên càng lúc càng khó, hàng hóa qua hải quan phía nước bạn bị đánh thuế quá cao, việc xuất khẩu gặp khó khăn. Những tháng cuối năm có phần nhộn nhịp, những tháng còn lại, thương lái Campuchia qua mua hàng không nhiều, 5 - 10 tấn hàng/ngày là tối đa.

Ngoài mặt hàng thực phẩm, quần áo, ở cửa khẩu Khánh Bình và chợ Long Bình (huyện An Phú) cũng tấp nập cảnh mua bán rau dưa, hoa màu và các loại nông sản được tập kết từ nhiều nơi trong tỉnh An Giang như: Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú… và thị trường chủ yếu là Campuchia. Tại chợ đầu mối Long Bình, mỗi ngày có trên 40 tấn rau củ, quả được xuất sang Campuchia.

Anh Nguyễn Văn Phúc, chủ bến rau, củ ở chợ này cho biết, ở đây ai cũng có vài bạn hàng ruột bên phía Campuchia. Trước mỗi chuyến đi, bạn hàng đều gọi điện đặt cụ thể loại hàng, số lượng và ngã giá trước. Hàng nông sản bên phía VN được cho vào túi ni lông loại 10 kg tập kết chờ xuất qua Nam Vang và một số tỉnh, thành ở Campuchia.


Xe máy, xe thồ chở nông sản XK qua đường tiểu ngạch khá nhộn nhịp

Chị Hiền, một thương lái người Việt đang làm ăn bên nước bạn, cung cấp thông tin, mùa này dưa leo, bắp cải, ớt, bầu bí rất hút hàng, giá cả chênh lệch cao hơn cùng kỳ từ 5 - 10% đối với từng mặt hàng. Một cán bộ phòng NN-PTNT huyện An Phú, cho biết: “Hiện phía Campuchia chưa chủ động cung cấp được rau cho thị trường trong nước, nên đây vẫn là thị trường tiềm năng xuất khẩu rau màu của An Giang trong nhiều năm tới”.

Ông Nguyễn Văn Xự, nông dân trồng màu nổi tiếng ở Kiến An tâm sự: “Trước đây mua bán phải qua trung gian nhưng bây giờ khi đã làm ăn quen, mối lái đánh xe thẳng xuống tới nơi lấy hàng. Nhờ đó, cả người mua và người bán đều có lợi”.

Theo ông Xự, mỗi công ớt nông dân có thể thu hoạch được 4 tấn, giá bán khoảng 20.000 đồng/kg (tùy thời điểm), trừ chi phí bà con cầm chắc trong tay tiền lãi trên 50 triệu đồng; rau cần tàu năng suất 4 tấn/công, bán giá 25.000 đồng/kg, lời 80 triệu đồng… 

Anh Nguyễn Văn Hai, nông dân ở xã Đa Phước, An Phú cho hay: “Ở đây mỗi công đất trồng màu mang lại nguồn thu nhập cho nhà nông không dưới 100 triệu đồng/năm”. Ông Cao Hữu Phước, Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Phú cho biết: Vùng biên giới An Phú có đến 2 cặp cửa khẩu Quốc gia là Khánh Bình - Chray Thum và Vĩnh Hội Đông - Pung Xăng.

Ngoài ra, còn có các đường tiểu ngạch theo tuyến sông Bắc Đai - Lò Gò, Khánh An - Pec Chay, Đồng Đức - Pec Chay… là những đầu mối giao lưu giữa nhân dân 2 bên tuyến biên giới. Từ đây, mở ra cầu nối giao thương, tạo sự sung túc làm ăn trên khu vực.

Trong đó, có hàng hóa nông sản từ miệt dưới đổ lên và người tại chỗ SX bán qua Campuchia. Hiện nay, huyện An Phú đang quy hoạch 4 tiểu vùng SX rau màu với tổng diện tích 814 ha, tập trung ở cù lao Vĩnh Trường và khu vực biên giới Khánh An, thị trấn Long Bình.

Để đảm bảo thế mạnh, nông dân các xã, thị trấn chú trọng cả 2 loại cây trồng vào mùa khô và mùa nước nổi. Thị trường chủ yếu vẫn là bán sang nước bạn Campuchia. Như vậy, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích sẽ tăng lên và đời sống nhân dân biên giới cũng sẽ nâng theo. 

XK chính ngạch giảm mạnh

Trong khi mua bán trao đổi hàng hóa qua đường tiểu ngạch sôi động thì hàng XK chính ngạch lại đang có chiều hướng giảm mạnh, trái hẳn với quy luật thị trường giáp Tết những năm trước. Theo quy định, cư dân biên giới được qua lại trao đổi hàng hóa nông sản có giá trị dưới 2 triệu đồng hoàn toàn không bị đánh thuế.

Vì vậy, các chủ hàng thường chia nhỏ các lô hàng rồi mướn người dùng xe máy hoặc xe thồ vận chuyển qua biên giới. Đây chính là lời lý giải vì sao XK tiểu ngạch lúc nào cũng sôi động.

Xuất khẩu chính ngạch qua của khẩu quốc tế Hà Tiên những tháng qua liên tục giảm mạnh

Ông Ngô Quang Bình, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công thương Kiên Giang, cho biết: “Liên tục những tháng qua các mặt hàng XK chủ lực của Kiên Giang nói riêng và VN nói chung qua các cửa khẩu Hà Tiên và Giang Thành đã giảm mạnh.

Nếu như tháng 10, kim ngạch chúng ta XK qua Campuchia đạt 47,11 triệu USD thì đến tháng 11 giảm xuống chỉ còn 41,39 triệu USD. Trong khi đó, so với cùng kỳ tháng 10 và 11/2012 con số này tương ứng là 87,86 và 91,98 triệu USD”.

Trong số hơn 41 triệu USD Kiên Giang thu về từ XK qua Campuchia tháng 11 thì hàng nông sản đóng góp 19,39 triệu USD, hải sản 19,86 triệu USD, còn lại là các mặt hàng khác (chủ yếu là hàng gia dụng). Các mặt hàng nông, hải sản chủ lực Kiên Giang xuất qua Campuchia gồm gạo, tôm cá đông, cá cơm sấy, đồ hộp và nước mắm. Ngược lại chúng ta nhập từ nước bạn các mặt hàng nguyên liệu như: thạch cao, hạt nhựa, giấy Kratp, gỗ…

Theo ông Bình, nguyên nhân dẫn đến việc XK chính ngạch qua các cửa khẩu Hà Tiên, Giang Thành giảm mạnh trong thời gian qua là do phía Campuchia tăng thuế đối với nhiều mặt hàng, có loại tăng từ 30 - 100%.

Do đó, hàng hóa từ VN qua Campuchia tăng giá đột biến, khó tiêu thụ. Các doanh nghiệp XK không còn lợi nhuận nên ngưng đi hàng. “Chúng tôi đang rà soát lại việc đánh thuế này có phù hợp với cam kết giữa VN và Campuchia khi gia nhập WTO hay không. Vì theo cam kết có nhiều mặt hàng nông sản XK qua lại giữa 2 nước được miễn thuế. Nếu không phù hợp thì kiến nghị Chính phủ can thiệp để gỡ bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giữa 2 nước làm ăn”, ông Bình cho biết.

Hầu hết các vùng đất cù lao màu mỡ ở An Giang như Kiến An (huyện Chợ Mới), Khánh An (huyện An Phú), Bà Hòa (huyện Châu Thành), Bình Thủy (huyện Châu Phú) là vùng chuyên SX các mặt hàng nông sản vừa đáp ứng tiêu thụ nội địa vừa xuất khẩu sang Campuchia.

Điều thú vị ở đây là ngày càng có nhiều vựa hàng lưu động được hình thành ngay trên những cánh đồng để “ăn” hàng. Nông dân gọi là “các vựa ăn hàng tại chỗ”. Mua bán riết rồi thành quen, ngay cả bạn hàng Campuchia cũng đưa xe tải nhỏ xuống đây lấy hàng, một ngày chừng 5 - 7 chiếc.

Theo Đ.T.Chánh - Lê Hoàng Vũ

khanhnt

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên