Tới mùa là… rớt giá
Đến hẹn lại lên, cứ vào vụ thu hoạch rộ là giá trái cây ở ĐBSCL bắt đầu sụt giảm liên tục.
Rớt đồng loạt
Về vùng chuyên canh xoài cát chu ở TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) những ngày này, nhiều nhà vườn thở dài vì tình trạng xoài rớt giá và khó tiêu thụ. Ông Huỳnh Thanh Tâm (ở xã Tịnh Thới) lo lắng: “Khoảng tháng 3, xoài cát chu xứ này được thương lái tranh nhau mua với giá từ 23.000 - 25.000 đồng/kg, số lượng bao nhiêu cũng hết. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6 tới nay, giá xoài giảm mạnh và hiện chỉ còn từ 2.000 - 4.000 đồng/kg. Vì rẻ quá nên nhiều nhà vườn chẳng buồn thu hoạch mà để cho xoài rụng tràn lan…”.
Trong khi đó, bưởi năm roi cũng lâm vào tình cảnh rớt giá thê thảm. Anh Nguyễn Thanh Tâm (ở xã Xuân Hòa, H.Kế Sách, Sóc Trăng) chua chát nói: “Trước và sau Tết Nguyên đán 2013, bưởi năm roi được thương lái mua tại vườn từ 18.000 - 25.000 đồng/kg; không hiểu sao mấy ngày nay rớt chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/kg”. Theo anh Tâm, nếu như trước đây với 3 công bưởi, mỗi lần thu hoạch anh bỏ túi bạc triệu, bây giờ bưởi mất giá nên bán lèo tèo, chỉ đủ tiền đi chợ.
Nhiều nhà vườn trồng thanh long cũng đang mất ngủ vì chuyện giá cả. Hiện thanh long ruột trắng chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg, giảm tới 5.000 - 6.000 đồng/kg so với thời điểm quý 1/2013. Măng cụt cũng giảm từ 30.000 đồng/kg vào tháng trước, xuống mức 20.000 - 22.000 đồng/kg. Sầu riêng ở H.Cai Lậy (Tiền Giang), H.Chợ Lách (Bến Tre)… giảm đồng loạt từ 2.000 - 5.000 đồng/kg.
Thạc sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT H.Chợ Lách (Bến Tre), cho biết vào mùa thu hoạch rộ, nguồn cung tăng cao, trong khi sức tiêu thụ vẫn bình thường. Vì vậy, giá giảm là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, với mức giá hiện thời, nhà vườn vẫn chưa đến mức thua lỗ, nhưng tính ra chẳng lời bao nhiêu, bởi chi phí vật tư và công lao động tăng cao.
Cầu người “chỉ huy”
Chuyện trái cây “tới mùa - dội chợ - rớt giá” từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều nhà vườn ở ĐBSCL. Ông Tống Văn Khù (ngụ xã Tân Thành, H.Lai Vung, Đồng Tháp) thừa nhận: “Ngành nông nghiệp khuyến cáo nhà vườn trồng cây ăn trái theo nhu cầu thị trường và hướng tới xuất khẩu.
Thế nhưng thị trường thay đổi liên tục khiến nông dân không biết đâu mà lường. Đơn cử như vài năm trước, khi mận An Phước hút hàng, giá lên tới 15.000 - 20.000 đồng/kg, nhà vườn đổ xô đi trồng mận. Nay giá mận sụt còn 2.000 - 3.000 đồng/kg, nông dân chỉ còn nước lỗ te tua”.
Trước tình hình trên, Bộ NN- PTNT cho rằng cần mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác cũ không còn phù hợp và nhanh chóng chuyển sang cách làm mới. Theo đó, chú trọng sản xuất trái cây theo các mô hình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn chất lượng như GlobalGAP, VietGAP…
Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, lưu ý trái cây nước ta đang đứng trước cơ hội lớn để tăng tốc khẳng định vị thế, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình hội nhập. Mô hình sản xuất cá thể, chưa áp dụng cơ giới hóa, trái cây đóng gói không đúng cách, thiếu thương hiệu, yếu các khâu quảng bá, tiếp thị… phải được giải quyết càng nhanh càng tốt.
Đài Loan cũng có diện tích sản xuất giống như ĐBSCL, nhưng nhờ tham gia tốt mô hình HTX nên có thể tạo ra sản lượng lớn, chất lượng đồng đều, đủ nguồn cung cho xuất khẩu quanh năm. Trong khi đó, nước ta cứ hô hào xây dựng vùng chuyên canh lớn hàng ngàn héc ta, hình thành HTX kiểu mới…, nhưng đến nay vẫn chưa làm được.
Sở NN- PTNT các tỉnh thành ĐBSCL đã đề xuất tổ chức lại cách thức sản xuất và Nhà nước phải đứng ra là người “chỉ huy”. Thực tế cho thấy, nhiều nông dân có nhu cầu cải tạo vườn tạp thành vườn chuyên canh, mong muốn sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng do không có vốn nên mọi chuyện cứ giẫm chân tại chỗ.
“Nếu so với thủy sản, lúa gạo, sự đầu tư của Nhà nước dành cho cây ăn trái còn quá kém. Song hành cùng sản xuất “sạch”, cần chú trọng tới các khâu bảo quản sau thu hoạch, chế biến, xuất khẩu… Phải làm quyết liệt mới có thể tạo ra bước chuyển đồng bộ, thúc đẩy thị trường trái cây ở ĐBCSL phát triển bền vững”, thạc sĩ Bùi Thanh Liêm nói.
Theo An Lạc