TPP có “nhấn chìm” Ngành chăn nuôi trong nước?
Quy mô manh mún, nhỏ lẻ, giá thành sản xuất cao, chưa kiểm soát tốt dịch bệnh… là những điểm yếu cố hữu của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Nếu không kịp thời khắc phục những tồn tại này, khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, dự kiến thuế nhiều sản phẩm thịt nhâp khẩu bằng 0%, ngành chăn nuôi trong nước rất dễ bị nhấn chìm.
Yếu nội tại
Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Đánh giá một cách tổng quát, hiện ngành chăn nuôi còn rất nhiều yếu kém. Trước hết là đầu vào thức ăn phụ thuộc quá lớn vào NK, dẫn tới chi phí sản xuất cao. Trong khi, đối với chăn nuôi thì giá thành thức ăn đã chiếm tới 65-70% chi phí. So với các nước trong khu vực, giá thành thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn cao hơn khoảng 10%. Tiếp đó là vấn đề kiểm soát dịch bệnh chưa thực sự hiệu quả. Mặc dù đa số các bệnh đều đã được kiểm soát nhưng một số loại dịch bệnh như lở mồm long móng, cúm gia cầm vẫn hoành hành, gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi.
“Một trong những điểm yếu cố hữu nữa của ngành chăn nuôi Việt Nam là con giống. Chất lượng con giống đưa tới người chăn nuôi chưa đảm bảo. Bên cạnh đó, tình trạng giết mổ chủ yếu là thủ công, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cũng góp phần làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi. Hiện nay, giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp còn khá ít, chỉ chiếm khoảng 20% trên tổng lượng thịt”, ông Chinh nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn-Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bổ sung: Tổng giá trị sản xuất của toàn ngành chăn nuôi hiện đạt khoảng 140-150 nghìn tỷ đồng. Hiện cả nước chủ yếu vẫn là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chỉ có khoảng 23 nghìn trang trại (trang trại là đơn vị chăn nuôi đạt doanh thu từ 500 triệu đồng/năm trở lên), ít hơn nhiều so với các quốc gia khác. Mật độ ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam lớn hơn hẳn các quốc gia khác, do đó ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý ô nhiễm và dịch bệnh.
TS. Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng: Có thể tổng hợp 3 điểm yếu lớn của ngành chăn nuôi Việt Nam là sự phát triển thiếu bền vững về năng suất, giá cả, chất lượng giống vật nuôi và hình thức tổ chức chăn nuôi kiểu cũ. Về con giống Việt Nam đi quá chậm. Cụ thể như, trong khi lợn giống tại các nước sinh sản đạt 25-26 con/lứa thì Việt Nam vẫn cứ ì ạch ở mức 17-20 con. Chăn nuôi thì còn manh mún, thiếu tính liên kết giữa khâu sản xuất và thị trường tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế không cao.
Thịt NK áp đảo
Ông Tống Xuân Chinh cho rằng, bên cạnh tình trạng rớt giá, dịch bệnh chưa được giải quyết, ngành chăn nuôi còn đang phải đối mặt với thách thức rất lớn khi Hiệp định TPP (có khả năng được ký kết thành công vào cuối năm 2014). Dễ thấy, ngành chăn nuôi yếu thế hơn khi tham gia TPP, điển hình như đối với mặt hàng thịt bò, hiện mặt hàng này dù vẫn có thuế nhưng không thể cạnh tranh nổi với thịt NK. Đó là bởi trong nước còn đang duy trì nền chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, mỗi hộ nuôi một vài con bò, trong khi các quốc gia như Mỹ, Úc bò được chăn nuôi công nghiệp trên những đồng cỏ bạt ngàn.
Trong năm 2013, Việt Nam nhập khoảng 60.000 con bò từ Úc, trung bình nhập 5.000 con/tháng. Trong năm nay, dự kiến cũng sẽ có khoảng 60.000 con bò được NK từ Úc vào Việt Nam. Điểm đáng lưu ý là, giá thành thịt bò NK cũng rất hợp lý, hiện NK từ Úc cũng chỉ khoảng 2,2-2,4 USD/kg (tương đương 46-50 nghìn đồng/kg) thịt hơi. Trong khi đó, giá thịt bò hơi tại Việt Nam lên tới 65-80 nghìn đồng/kg.
PGS.TS. Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cảnh báo, nếu ngành chăn nuôi không giảm được giá thành sản xuất xuống bằng hoặc thấp hơn các nước, thì thị trường thực phẩm thịt ngoại sẽ chiếm lĩnh. Điểm yếu của hai mặt hàng chủ lực trong chăn nuôi của nước ta là thịt bò và thịt lợn có giá thành quá cao. Trong khi thịt bò Úc đưa sang Việt Nam với thuế NK 5% và các khoản phí khác thì giá cũng chỉ nhích hơn một chút so với thịt bò trong nước. Chính vì vậy mà hiện nay trong các siêu thị ở các thành phố lớn, thị bò Úc đã áp đảo thịt bò Việt Nam.
Nhanh chóng “xốc” lại
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, ngành chăn nuôi vẫn còn đủ thời gian để nâng cao sức cạnh tranh nếu được xốc lại ngay từ bây giờ. Thị hiếu tiêu dùng thịt tươi sống từ các chợ truyền thống đang là hàng rào bảo hộ tự nhiên với các nhà sản xuất trong nước. Ông Tuấn đưa ra dẫn chứng, mỗi khi có dịch bệnh ở lợn thì có 40,55% số người tiêu dùng tạm ngừng mua thịt lợn; 31,45% chuyển thịt lợn sang mua các loại thịt khác, 11% chuyển sang chọn mua thịt đông lạnh sạch ở trong các siêu thị. Mỗi khi có dịch cúm gà, thì 75% số người tiêu dùng ngừng mua thịt gà; 21,3% sẽ mua ít hơn trước; 24,6% chuyển sang thịt lợn, bò.
Đồng tình với quan điểm này, ông Tống Xuân Chinh khẳng định: Cho đến nay đa số người Việt Nam vẫn tiêu dùng thịt tươi, trong khi NK chủ yếu là thịt đông lạnh. Thói quen tiêu dùng này sẽ là “lá chắn” giúp Việt Nam còn đủ thời gian để tái cơ cấu nhanh ngành chăn nuôi. Cách đối phó khôn ngoan nhất là tìm những sản phẩm có tính rủi ro thấp nhất để mở cửa trước cho các nước trong các thành viên TPP đưa hàng vào. Với ngành chăn nuôi, một trong những sản phẩm chúng tôi ưu tiên lựa chọn để các nước khác XK vào là thịt bò. Với gia cầm, gà lông trắng không là lợi thế, nhưng gà lông màu, gà bản địa đang phát triển với giá trị gia tăng cao nên có thể phát triển giống gà này. Thời gian tới, chăn nuôi sẽ tập trung chế biến các sản phẩm gia cầm ở quy mô công nghiệp.
Theo ông Chinh, cần tiến hành đầu tư cho con giống, bình ổn giá thức ăn chăn nuôi cũng như đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao vào sản xuất để vừa nâng cao chất lượng, vừa đảm bảo giá cả cạnh tranh của sản phẩm. Trong năm 2014, Cục Chăn nuôi sẽ triển khai những biện pháp khuyến khích, thúc đẩy các DN, cơ quan nghiên cứu chọn tạo giống và nhập các loại giống tiên tiến trên thế giới về để lai tạo ra bộ giống tốt.
Theo Thanh Nguyễn