Trên 8.000 tấn thủy sản xuất khẩu bị... trả về
Năm 2015, trong khi tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm chỉ xảy ra nhỏ lẻ, không có nhiều nghiêm trọng thì tình hình dịch bệnh trên thủy sản vẫn diễn biến khá phức tạp.
- 07-12-2015Cơ hội kép cho xuất khẩu thủy sản
- 03-12-2015Xuất khẩu nông lâm thủy sản vì sao giảm mạnh?
- 24-11-2015Kiểm tra chặt thủy sản nhập khẩu từ Đài Loan
Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng loạt các lô hàng thủy sản XK của Việt Nam bị trả về do dính các mầm bệnh và dư lượng kháng sinh, vi sinh vật gây hại...
Nguy cơ mất thị trường XK
Tại hội nghị tổng kết công tác thú y năm 2015, triển khai công tác năm 2016 của Cục Thú y tổ chức cuối tuần qua, cho biết: Trong 10 tháng đầu năm 2015, đã có trên 8.000 tấn thủy sản XK của Việt Nam bị các nước trả về do dính vi phạm.
Cụ thể, theo báo cáo của cơ quan thú y cửa khẩu, từ tháng 1 đến tháng 9/2015, đã có 14 lô hàng cá tra phi lê đông lạnh XK sang thị trường các nước châu Âu (như Tây Ban Nha, Bỉ, Ba Lan, Ý…) bị trả về do phát hiện nhiễm kháng sinh; 1 lô hàng tôm thẻ luộc XK sang Úc và 1 lô hàng tôm sú luộc XK sang Đức bị trả về do nhiễm tổng số vi khuẩn vượt mức tối đa cho phép.
Các sản phẩm bị trả về phần lớn là các sản phẩm XK chủ lực của nước ta như tôm đông lạnh, các tra phi lê đông lạnh, thịt ngao làm chín…, với các nguyên nhân chủ yếu như: nhiễm kháng sinh, nhiễm vi sinh vật gây hại vượt mức cho phép; nhiễm các mầm bệnh trên tôm (như bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng…) thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE); đóng gói sai quy cách, sai thông tin…
Theo đánh giá của Cục Thú y, việc các lô hàng thủy sản XK của Việt Nam bị các nước trả về trước đây hàng năm đều có, nhưng trong hai năm 2014 và năm 2015 tình hình có dấu hiệu nghiêm trọng (năm 2014 đã có trên 24 nghìn tấn bị trả về).
Mặc dù xét trên tổng lượng thủy sản XK, số lô hàng bị trả về không lớn, nhưng việc bị các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… cảnh báo và trả về là điều đáng báo động.
Nguyên nhân của tình trạng này ngoài việc một số DN chế biến XK thủy sản sử dụng kháng sinh trong bảo quản, áp dụng HACCP lỏng lẻo, chưa xây dựng được vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng..., cũng cho thấy chương trình giám sát chất lượng và kiểm soát dịch bệnh trên thủy sản nuôi của cơ quan chức năng Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó trưởng phòng Thú y Thủy sản (Cục Thú y) đánh giá: Sở dĩ tình hình nhiễm dư lượng kháng sinh, vi sinh vật và dịch bệnh trên thủy sản XK liên tiếp trong 2 năm 2014 – 2015 hết sức phức tạp bởi việc lấy mẫu, giám sát tại các vùng thủy sản nuôi còn gặp rất nhiều hạn chế, nhất là vấn đề kinh phí rất khó khăn. Trong khi đó, nhiều địa phương rất không quan tâm tới công tác giám sát dịch bệnh thủy sản.
“Hiện mới chỉ có 15 tỉnh phê duyệt kinh phí cho chương trình giám sát dịch bệnh và chất lượng thủy sản nuôi, với tổng kinh phí khoảng 20 tỉ đồng cho năm 2016, trong khi yêu cầu kinh phí rất lớn. Nếu không quyết liệt và bổ sung kinh phí, nguy cơ đánh mất các thị trường XK thủy sản của Việt Nam do dính vi phạm chất lượng là rất nguy hiểm” – ông Long cảnh báo.
Theo tổng hợp của Cục Thú y, năm 2015, đã có trên 56 nghìn ha thủy sản nuôi trồng tại các tỉnh bị thiệt hại, tăng gần 5% so với năm 2014 cùng trên 31 nghìn lồng bè nuôi thủy sản bị thiệt hại do dịch bệnh. Trong đó, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại trên 52 nghìn ha, tăng 2,3% so với năm trước.
Đặc biệt, bệnh hoại tử gan tụy trên tôm năm 2015 tăng rất mạnh, gây hại trên diện tích hơn 9.200 ha (so với 5.500 ha năm2014). Bên cạnh những hạn chế về kinh phí trong triển khai giám sát dịch bệnh thủy sản, nhiều địa phương cho biết hạn chế về nhân lực cán bộ cũng đang khiến công tác này gặp không ít khó khăn.
Theo Cơ quan Thú y Vùng VII, hiện cơ quan này chỉ có tổng cộng 15 cán bộ, nhưng phải quản lí tới 10 tỉnh trọng điểm nuôi trồng thủy sản (5 tỉnh nuôi tôm và 5 tỉnh nuôi cá) vùng ĐBSCL.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, một số tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu năm 2014 là tâm điểm của dịch bệnh trên tôm, tuy nhiên năm 2015, nhờ các tổ công tác của Cục Thú y phối hợp với các địa phương quyết liệt triển khai nên năm 2015 dịch bệnh đã giảm mạnh.
Mới đây, Bộ NN-PTNT cũng đã tổ chức hội nghị toàn cầu về dịch bệnh thủy sản, qua đó đã được OIE trực tiếp cử đoàn công tác sang giúp Việt Nam kiểm soát dịch bệnh trên thủy sản. Năm 2015, nhiều địa phương đã kiện toàn bộ máy thú y, đưa thú y thủy sản về Chi cục Thú y các tỉnh quản lí. Tuy nhiên, việc kiện toàn bộ máy tổ chức vẫn sẽ là yêu cầu phải thực hiện quyết liệt trong năm 2016.
Thiếu nhân lực trầm trọng
Thiếu hụt nhân lực cũng đang là bài toán nan giải đối với hệ thống kiểm dịch động vật (KDĐV) các cửa khẩu hiện nay.
Lực lượng kiểm dịch nhiều cửa khẩu đang thiếu trầm trọng
Theo ông Hoàng Ngọc Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục KDĐV vùng Lạng Sơn (Cục Thú y), đơn vị này phải quản lí tất cả các cửa khẩu trên phạm vi 231km biên giới của tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên cả đơn vị hiện chỉ có 9 kiểm dịch viên, cùng 4 trạm trưởng.
Để có đủ nhân lực, đơn vị đã phải thuê nhân viên kiểm dịch theo hợp đồng, nhưng lực lượng này lại không có chức năng được ký tên, trong khi 4 trạm trưởng không thể nào chạy đi chạy lại trên phạm vi hàng trăm kilomet biên giới để xác nhận.
Cũng theo ông Tuyên, theo chức năng nhiệm vụ thì Chi cục KDĐV vùng Lạng Sơn phải kiêm việc kiểm dịch cho cả tỉnh biên giới Cao Bằng, tuy nhiên do không có cán bộ nên đến nay, thực tế việc kiểm dịch tại Cao Bằng gần như chưa làm được gì, mà đang phải giao cho Chi cục Thú y Cao Bằng quản lí.
Cả tỉnh Cao Bằng có tới 13 lối mở, nay thực ra là các cửa khẩu phụ hoặc cửa khẩu chính, có lượng hàng hóa rất khổng lồ. Tuy nhiên việc kiểm dịch ở đây đang hoàn toàn thả lỏng.
“Các vị có biết ở Cao Bằng họ kiểm dịch thế nào không? Đó là DN họ chỉ cần cầm giấy kiểm dịch đầu vào đưa lên Chi cục Thú y đóng dấu, còn giám sát hiện trường gần như không có ai thực hiện” – ông Tuyên lo lắng cho biết.
Cũng về vấn đề nhân lực, ông Dương Tất Thắng, GĐ Cơ quan Thú y Vùng III cho biết: Hiện cửa khẩu quan trọng như Nậm Cắn (Nghệ An) nhưng chỉ cắm duy nhất một cán bộ kiểm dịch. Trong khi đó nhiều năm qua, việc kiểm dịch tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) vẫn do Chi cục Thú y Quảng Trị thực hiện, đơn vị này đã nhiều lần đề nghị chuyển sang cho Cơ quan Thú y Vùng III quản lí theo chức năng nhưng vẫn chưa thể thực hiện.
Công tác quản lí ATTP, kiểm soát tồn dư kháng sinh, nhất là trên thủy sản năm 2015 chưa có tiến triển tốt, kiểm soát cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa đạt được mục tiêu mong đợi.
Năm 2016, Cục Thú y phải khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ trước tháng 5/2016 các nghị định, quyết định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thú y (có hiệu lực từ 1/7/2016), đồng thời cùng với các đơn vị khác triển khai quyết liệt đợt cao điểm vệ sinh ATTP từ nay đến sau Tết Nguyên đán, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM, phấn đấu từ nay đến sau Tết không để xảy ra dịch bệnh lớn, gây xáo trộn tới SX và tiêu dùng.
Về cơ cấu tổ chức, hiện vẫn còn 5 tỉnh chưa đưa thú y thủy sản về Chi cục Thú y. Hai tỉnh Quảng Ninh và Hà Tĩnh đã nhập các trạm thú y về huyện, điều này là trái với Luật Thú y, phải có hướng dẫn chỉ đạo để thực hiện đúng tổ chức. Về biên chế, chủ trương Bộ sẽ tăng biên chế cho các cửa khẩu, đề nghị các đơn vị cần rà soát để kịp thời bổ sung đáp ứng yêu cầu.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám
Nông nghiệp Việt Nam