MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc mua gom gạo Việt Nam, đó là điều tốt?

04-03-2014 - 11:24 AM |

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, nếu có việc Trung Quốc gom gạo Việt thì đó là thông tin đáng mừng vì đến thời điểm này chúng ta đang không có hạn chế gì về xuất khẩu gạo.

Trong thời gian qua, các số liệu cho thấy tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay rất khó khăn. Các đối tác chưa thu mua, trong khi sản lượng lúa gạo được dự báo là sẽ tăng. Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát nói vui rằng: “Ngày xưa chỉ nói trồng cây gì, nuôi con gì, còn giờ phải có thêm câu hỏi là bán đi đâu”.

Xuất khẩu gạo gặp khó, Bộ Công thương có giải pháp gì?

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng nhận định, nước láng giềng Thái Lan, với chính sách trợ giá cho xuất khẩu gạo thì hiện nay Chính phủ nước này đã “không chịu” được nữa, thậm chí còn nợ tiền hỗ trợ nông dân. Khi đó, Thái Lan sẽ bán gạo với mức giá thấp đi rất nhiều và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng cục xuất nhập khẩu nhận xét hiện nay gạo Việt Nam có rất nhiều yếu tố cạnh tranh. Trước hết, kho gạo của đối thủ truyền thống Thái Lan có tới 20 triệu tấn và hiện nay họ đang có nhu cầu xả kho gạo. Đặc điểm của gạo Thái Lan là cao cấp hơn nên giá cũng cao hơn của Việt Nam một chút. Tuy nhiên dấu hiệu này cũng chưa rõ ràng.

Đối thủ khác là Ấn Độ và Pakistan. Ấn Độ trong 2 năm qua vươn lên dẫn đầu về xuất khẩu gạo trên thế giới nhưng gạo của họ khác với Việt Nam. Ngoài ra, Mianma và Campuchia có thể là đối thủ tiềm năng lớn trong tương lai.

Như vậy, quả thật việc xuất khẩu gạo của Việt Nam đang gặp khó.

Trước câu hỏi về việc Bộ Công thương làm gì để hỗ trợ ngành gạo, ông Hải cho biết trước mắt, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện quy hoạch thương nhân về xuất khẩu gạo để có thể chọn lọc ra được những thương nhân có đủ điều kiện, có quá trình lịch sử xuất khẩu gạo tốt và hỗ trợ các thương nhân đó.

Thứ hai, Bộ Công thương tập trung các hoạt động xúc tiến thương mại, ví dụ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia mà gạo là mặt hàng lớn nhất trong các hàng nông sản được hỗ trợ. Bộ cũng đẩy mạnh đàm phán với chính phủ các nước để tìm kiếm hợp đồng nhưng việc thực hiện là do các thương nhân làm. Chính phủ Việt Nam và các nước có những thỏa thuận hỗ trợ như vậy để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó Bộ Công thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, Ngân hàng nhà nước và Hiệp hội lương thực Việt Nam thực hiện các cuộc khảo sát, đẩy mạnh khâu bán ra.

Trung Quốc mua gom gạo Việt Nam, đó là điều tốt?

Đối với thông tin “Trung Quốc đang mua gom lúa gạo Việt Nam”, có nhiều người bày tỏ sự lo lắng, ông Hải nói: “Nếu có việc đó thực thì đó là thông tin đáng mừng vì đến thời điểm này chúng ta đang không có hạn chế gì về xuất khẩu gạo. Tất nhiên là về chính sách thì vẫn phải quản lý chặt chẽ.”

Năm 2013, Trung Quốc nổi lên là thị trường nhập khẩu gạo hàng đầu Việt Nam. Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,1 triệu tấn, tương đương với khoảng 1 tỷ USD. Trong khi đó, lượng xuất khẩu gạo cả nước là khoảng 6,59 triệu tấn. Như vậy, lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 1/3 lượng gạo xuất khẩu cả nước.

Tuy nhiên ông Hải cho biết thêm, trong tháng 01/2014 mới xuất khẩu 65.000 tấn gạo sang Trung Quốc trong khi xuất khẩu gạo cả nước là 375.000 tấn. Điều đó cho thấy, việc xuất khẩu sang Trung Quốc cũng không phải dễ dàng. Hiện nay việc tìm kiếm thị trường của chúng ta cũng rất là khó khăn.

“Với thông tin Trung Quốc đang mua gom gạo của Việt Nam, thì dưới góc độ nào đó, chúng ta thấy được sự tích cực.” - Phó cục trưởng cục xuất nhập khẩu kết luận.

Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên